Tôi xin phép được nhờ luật sư và mong luật sư trả lời giúp tôi vài ý như sau:

1. Con tôi năm nay 12 tuổi, bị thầy hiệu trưởng đánh, bị chấn thương vùng mặt và tỉ lệ thương tật dưới 11%. Hai gia đình không giải quyết tình cảm được nữa nên đưa ra pháp luật, vậy trong trường hợp này thầy giáo có bị vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm thì xử theo điều khoản nào? Mức phạt ra sao? Theo tôi được biết con tôi thuộc trẻ em dưới 16 tuổi không có khả năng tự vệ.

2. Sau khi thầy giáo đánh con tôi, con tôi phải nằm viện, đến ngày thứ 3 kể từ ngày nhập viện thì thầy và vợ thầy đến nhà tôi xin lỗi. Thầy xin khắc phục hậu quả do thầy gây ra bằng cách chi trả viện phí và bồi thường sức khỏe cho con tôi với điều kiện tôi không được kiện, không đưa đơn kiện thầy nữa. Sau 1 hồi nói chuyện thầy tha thiết xin khắc phục hậu quả. Hai gia đình đi đến thỏa thuận đưa ra mức tiền khắc phục hậu quả và 2 bên gia đình đã đồng ý và thống nhất theo hương khắc phục giải quyết tình cảm dân sự.

Tuy nhiên, sau buổi nói chuyện đó cho đến ngày 05/06/2019 thầy giáo vẫn không khắc phục hậu quả như thầy đã tự nguyện nói. Gia đình tôi không nhận được một nghìn nào, thậm chí thầy còn chối tội. Trong khi chúng tôi có đầy đủ ghi âm, video khi 2 gia đình nói chuyện. Vậy mà thầy không những đã chối tội mà thầy lại đưa hình ảnh mẹ con tôi lên báo. Đồng thời thầy kèm theo những lời lẽ khiếm nhã, vu khống là mẹ con tôi vòi tiền và tống tiền thầy giáo, ngoài ra có cả các thông tin khác không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống của mẹ con tôi. 

{keywords}
Ảnh chỉ có tính chất minh họa không liên quan đến nội dung bạn đọc hỏi.

Vậy luật sư cho tôi hỏi ở tình tiết này giả sử gia đình tôi thỏa thuận đưa mức tiền khắc phục hậu quả, 2 bên cùng thương lượng để bù đắp cho con tôi thì gia đình tôi có sai không, và có được phép không?

3. Để lấy lại danh dự, nhân phẩm, uy tín  của mẹ con tôi, tôi có thể kiện lại thầy giáo về việc vu khống và sử dụng hình ảnh cá nhân của tôi khi chưa được tôi cho phép không? Xin chân thành cảm ơn.

1. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS 2015) có quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Trong đó, đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ là một trong các trường hợp áp dụng khung hình phạt trên.

Theo đó, việc thầy hiệu trưởng đánh con chị dẫn đến hậu quả là bé bị chấn thương vùng mắt với tỉ lệ thương tật dưới 11%, bên cạnh đó bé mới 12 tuổi thì hành vi này sẽ cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS 2015 và khung hình phạt đối với hành vi trên là có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người gây ra thiệt hại về sức khỏe của người khác còn phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015):

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

Thiệt hại khác do luật quy định.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì Tội cố ý gây thương tích thuộc nhóm tội danh khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Do vậy, nếu người bị hại không có đơn yêu cầu khởi tố hay nói cách khác đã có “đơn bãi nại”, thì cơ quan điều tra sẽ không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

2. Như đã nói ở trên, hành vi vi phạm pháp luật của thầy giáo không những phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật (nếu gia đình bạn có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự) mà còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại theo quy định tại Điều 590 BLDS 2015. Theo quy định tại Điều 585 BLDS 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Do vậy, nếu hai bên thỏa thuận, thương lượng được về phương thức bồi thường để khắc phục hậu quả là vừa hợp lý và hợp tình, tránh việc phải đưa nhau ra tòa và ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai bên về sau.

Có một số lưu ý cho gia đình như sau:

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Như vậy, gia đình bạn có thể dựa vào tình hình sức khỏe của con, cân nhắc để để thỏa thuận hiệu quả với người gây ra thiệt hại về sức khỏe của cháu bé mức bồi thường hợp lý nhất. Trong trường hợp con bạn nằm viện cần người chăm sóc (bố, mẹ hoặc người thân thích) mà điều này làm cho thu nhập thực tế (ngày công lao động hoặc khoản tiền mà bạn có thể kiếm được nếu như không chăm sóc con bạn) thì gia đình bạn cũng được yêu cầu thầy giáo bồi thường. Việc gia đình bạn thỏa thuận đưa mức tiền khắc phục hậu quả, hai bên cùng thương lượng và đi đến thống nhất mức tiền khắc phục hậu quả hoàn toàn được phép, điều này không trái quy định pháp luật vì đây cũng là trách nhiệm mà thầy giáo phải thực hiện.

3. Căn cứ theo Điều 32 BLDS 2015 thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý trừ những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều này. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Đối với những lời lẽ khiếm nhã, vu khống là mẹ con chị vòi tiền, tống tiền và những thông tin không đúng sự thật khác của thầy giáo thì thầy giáo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống được quy định tại Điều 156 BLHS 2015:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”

Tương tự, căn cứ theo Điều 34 BLDS 2015 thì cá nhân có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín bằng việc:

Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Do đó, chị có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với hành vi sử dụng ảnh cá nhân khi chưa được phép của chị. Chị cũng có quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình bằng việc yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình và các biện pháp cần thiết khác đối với hành vi vu khống.

Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc