- Gia đình tôi có cho họ hàng vay số tiền là 50 triệu đồng để họ xây nhà. Việc này mọi người trong  nhà đều biết. Cũng bởi là họ hàng vay nên bố mẹ tôi không viết giấy tờ gì. Nhưng đầu năm vừa rồi họ bị tai nạn mất, nhà chỉ còn một đứa con gái sinh năm 2000. Gia đình tôi hiện đang có việc gấp phải dùng đến tiền, liệu chúng tôi có thể đòi lại số tiền đó không? Gia đình họ xảy ra việc như thế thì số tiền nợ nần sẽ phải giải quyết ra sao?

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Tôi làm thế nào để đòi lại tiền của mình? (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, về hợp đồng vay tài sản:

Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 về hình thức hợp đồng dân sự thì: "1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác"

Như vậy, theo quy định trên thì hình thức của hợp đồng dân sự có thể thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi nhất định. Bạn đã cho người kia vay số tiền là 50 triệu đồng, việc vay mượn tiền không lập thành văn bản tuy nhiên, ở đây có thể xác định giữa các bên đã xác lập một hợp đồng vay tiền bằng lời nói. Giao dịch dân sự không được lập thành văn bản trong trường hợp này vẫn được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý, trong trường hợp này, vì không có hợp đồng vay nên bạn phải có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc xác định đã có quan hệ giao dịch vay tiền trên thực tế, các tài liệu chứng minh có việc vay tiền, nhận tiền giữa hai bên như bản ghi âm cuộc giao dịch vay tiền, nội dung tin nhắn vay tiền, nội dung email, người làm chứng xác nhận có việc vay tiền giữa 2 bên.

Thứ hai, về thứ tự thanh toán di sản:

Nếu người bạn cho vay chết thì di sản thừa kế của họ sẽ được ưu tiên thanh toán theo thứ tự quy định tại điều 683 Bộ luật dân sự 2005:

Điều 683. Thứ tự ưu tiên thanh toán

“Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

4. Tiền công lao động;

5. Tiền bồi thường thiệt hại;

6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;

7. Tiền phạt;

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;

9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

10. Các chi phí khác.”

Người có nghĩa vụ trả nợ cho bạn là những người thừa kế di sản trên, nhưng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản mà họ được hưởng theo quy định tại khoản 1 điều 637 Bộ luật dân sự 2005: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc