- Những ngày qua, Báo VietNamNet tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi của bạn đọc về cuộc tranh luận giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương về quản lý kinh doanh xăng dầu.

- Điều hành xăng dầu: “Đặt vấn đề sai, nên mới lủng củng”
- Cú đánh vào 'nhóm lợi ích' xăng dầu

Cần kiên quyết tới cùng

Bạn đọc ducthinhnguyenvsm@yahoo.com.vn: Những phát biểu của tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tại hội thảo liên bộ về việc bình ổn già xăng dầu làm nức lòng người dân cả nước. Từ trước tới nay việc kinh doanh của các tập đoàn độc quyền nhà nước như Petrolimex như một thành lũy bất khả xâm phạm, họ kêu lỗ thì Chính phủ và người dân biết họ lỗ và Chính phủ và người dân lại phải bỏ tiền ra bù lỗ cho họ, hoặc người dân và doanh nghiệp phải đóng thêm tiền bình ổn giá xăng dầu mà không bao giờ biết tiền đó được dùng như thế nào?

Bạn đọc này “mừng xong lại lo lo”: Không biết tân Bộ trưởng có giữ được kiên quyết đi đến cùng với những tuyên bố của mình không? Dù sao cũng chúc cho bộ trưởng “chân cứng đá mềm” và ước gì trong Chính phủ ngày càng xuất hiện nhiều Bộ trưởng được như ông.

Cùng quan điểm trên, bạn đọc email: ngocdung@yahoo.com.vn viết: Tôi không biết tính thế nào để biết chính xác 1 lít xăng hiện nay doanh nghiệp bán ra là lời hay lỗ, nhưng với tư cách là người tiêu dùng tôi thấy quyết định giảm giá xăng dầu của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ là hợp lý và rất ủng hộ cách điều hành cương quyết của Bộ trưởng. Người dân rất muốn các Bộ trưởng khác nhìn vào đó để học tập.

Theo dõi kỹ những phát ngôn của hai vị đại diện của hai Bộ, bạn đọc Lê Nam Thành, email: rdthanh@gmail.com, nhận xét: Thông qua các cuộc tranh luận như thế này ở góc độ của những người đang được ở vị trí cao có thể thấy được năng lực cá nhân và trách nhiệm công việc, của việc mình phụ trách.

Cũng so sánh, bạn đọcmail: trungqldtbl@gmail.com, viết: Tôi ấn tượng với câu nói của Bộ trưởng Bộ Tài chính "quyền lợi của 11 doanh nghiệp làm sao so sánh với quyền lợi của 84 triệu dân được".

Đề nghị xóa độc quyền kinh doanh xăng dầu

Đó là ý kiến của bạn đọc Võ Ngọc Sinh, email: sinhquangngai@yahoo.com. Bạn đọc này kiến nghị xóa bỏ độc quyền trong kinh doanh xăng dầu. Để đảm bảo an ninh năng lượng thì Nhà nước phải bỏ tiền ra mua dự trữ như dự trữ gạo hiện nay. Khi cần thị trường giảm giá thì nhà nước xuất kho dự trữ để tăng nguồn cung cho thị trường. Khi cần thị trường tăng giá thì nhà nước mua vào để kích cầu thị trường. Còn trong lĩnh vực kinh doanh cần phải xóa bỏ tệ nạn độc quyền như hiện nay. Nhà nước xây dựng bộ tiêu chuẩn cần đáp ứng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, và tất cả các tổ chức, cá nhân nào khi đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết này thì đều được phép tham gia kinh doanh, và phải tự chịu trách nhiệm lãi lỗ, và giá cả phải cạnh tranh theo quy luật thị trường. Cứ để tình trạng độc quyền như hiện nay kéo dài thì phần thiệt hại người dân hoàn toàn lãnh đủ

Bạn đọc Ngô Văn Sản, email: sanngovan@gmail.com, viết: Theo một số thông tin tôi được biết, rất nhiều các tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) nhà nước có số lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi đó các TĐ, TCT đều có vốn nhà nước ít nhất là trên 50%, như vậy nhà nước lỗ nhiều quá lại phải lấy nguồn khác bù vào (đều là tiền thuế của dân). Trong khi đó mặt bằng lương của các TĐ, TCT này còn là giấc mơ của nhiều ngành khác. Rất mong Nhà nước có chính sách hợp lý theo cơ chế thị trường, không nên bù lỗ nhiều, đấy cũng là góp phần chống buôn lậu, tiêu cực theo cơ chế xin - cho.

Còn đây là ý kiến của bạn Nguyễn Kiên Trung, email: NKT@yahoo.com: Doanh nghiệp thực ra không có lý do gì phải giải thể hay thành lập doanh nghiệp mới. Petrolimex hay PVOIL,... đều là những doanh nghiệp nhà nước có bề dày truyền thống và kinh nghiệm, có đội ngũ CB CNV và hệ thống đại lý có uy tín trong cả nước. Cái cần phải điều chỉnh hay giải tán ở đây chính là những cán bộ điều hành ở doanh nghiệp đó, những người không chấp hành hay cố tình làm trái nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích của mình mà thôi!!!

Bạn đọc email son_nguyen48@yahoo.com góp ý: Các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu dọa bỏ thị trường không lo, Nhà nước sẽ yêu cầu các các tổng đại lý bàn giao lại tất cả các cơ sở nhập khẩu và hệ thống phân phối xăng dầu trên toàn quốc lại cho Nhà nước và sẽ giao cho Tổng công ty xăng dầu Quân Đội thực hiện nhiệm vụ này. Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Tôi tin với nhiệm vụ ổn định thị trường để ổn định kinh tế vĩ mô và với quyền lợi của 84 triệu dân Việt Nam,quyền lợi của cả dân tộc, Nhà nước sẽ làm được. Không thể để một nhóm lợi ích lợi dụng làm lũng đoạn nền kinh tế.

Ban Bạn đọc