- “Phải tuyệt đối chấm dứt tình trạng duyệt dự án theo đề xuất của nhà đầu tư. Không thể để lợi ích tư nhân dẫn dắt phát triển”, GS Đặng Hùng Võ khuyến nghị tại phần 2 của bàn tròn trực tuyến về đổi đất lấy hạ tầng.
Mời bạn đọc theo dõi nội dung chương trình bản text dưới đây:
Nhà nước ký xong, Nhà đầu tư muốn làm gì thì làm
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông Trần Kỳ Sơn, khi người có thẩm quyền quyết định dự án trong khi chính sách lại nhiều lỗ hổng như vậy thì nguy cơ phát sinh tham nhũng hay làm quyền là rất lớn. Ông nghĩ như thế nào về những chia sẻ này của GS Đặng Hùng Võ và PGS.TS Lê Huy Trọng?
Ông Trần Kỳ Sơn: Những ý kiến của GS Đặng Hùng Võ hay PGS.TS Lê Huy Trọng đều rất đúng, nhìn vào mặt trái của BT thì chúng ta có thể thấy rất rõ như vậy.
Năm 2010-2011, chúng tôi đã thanh tra chuyên đề về BT đối với những dự án mà đến nay, các dự án đó vẫn còn nguyên không thay đổi gì. Ngay tại thời điểm đó, chúng tôi đã phát hiện ra những điều rất bất cấp trong cơ chế chính sách, đặc biệt là vai trò của cơ quan có thẩm quyền.
Chúng ta đặt ra luật là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là một bên ký kết, nhưng cả một giai đoạn dài, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gần như buông lỏng quản lý trong việc triển khai thực hiện.
Khi triển khai đàm phán ký kết hợp đồng, phía Nhà nước có thành lập một tổ công tác liên ngành, triệu tập rất nhiều ngành khác nhau như Tài chính, Kế hoạch, Công thương,.. để đàm phán với nhà đầu tư. Trong giai đoạn đó, các anh ấy cũng tác động và cũng đàm phán ra một bản hợp đồng thật, nhưng hợp đồng đó chủ yếu là do nhà đầu tư chuẩn bị sẵn.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ví dụ ở tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh, ở bộ là Bộ trưởng, hoặc tỉnh giao xuống cho cấp huyện hay cấp cơ sở nào đó để đại diện ký kết hợp đồng. Sau khi ký xong, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong cả giai đoạn đó hầu như không có một vai trò nào cả. Nhà đầu tư muốn làm gì thì làm.
Ví dụ điển hình cho tình trạng này, là dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở 200.000 m3/ ngày đêm do tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đầu tư.
Tại thời điểm chúng tôi vào thanh tra, dự án đã thi công được 2 năm, chuẩn bị hoàn thành, nhưng hợp đồng với nhà nước vẫn chưa được ký kết. Khi dự án này triển khai thi công, hồ sơ dự án vẫn chưa được phê duyệt.
![]() |
Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Trần Kỳ Sơn |
Đoàn thanh tra chúng tôi có hỏi, tại sao lại chưa ký kết hợp đồng, ai là người chịu trách nhiệm ở đây thì được trả lời và cho biết rằng, dự án này được giao cho Sở Tài nguyên- môi trường. Nhưng sau đó, hỏi Sở Tài nguyên- môi trường thì chúng tôi lại được trả lời rằng, tuy Sở được giao nhưng Sở không có bộ máy, không có con người quản lý việc này nên khi nào đưa văn bản, hợp đồng thì tôi ký thôi chứ gần như tôi không có trách nhiệm gì.
Trong giai đoạn ấy tôi thấy vai trò của một loạt các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không xuất hiện. Chỉ đến khi triển khai sang loại hình BOT giao thông giai đoạn 2012 – 2015 vừa rồi, Bộ Giao thông vận tải mới giao cho các ban quản lý dự án thực hiện thêm vai trò đại diện cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải để triển khai dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện vai trò của Nhà nước ở các dự án này cũng cực kỳ hạn chế. Phải nói rằng đó là một lỗ hổng rất lớn trong cơ chế chính sách của chúng ta thời gian qua.
Chấm dứt ngay việc duyệt dự án theo bánh vẽ của nhà đầu tư
Nhà báo Phạm Huyền:Theo tôi được biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chắp bút sửa đổi Nghị định 15 về PPP. Theo ông, với những vấn đề mà ông Trọng cũng như ông Võ đã nêu, ta cần phải có những giải pháp căn cơ như thế nào cho vấn đề BT?
Ông Trần Kỳ Sơn: Hiện nay, tôi thấy rằng các quy định pháp luật đang được hoàn thiện dần. Ví dụ như đối với dự án BT, hiện nay, chúng ta đang trình Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý và sẽ có một số thay đổi, Nghị định sửa đổi sẽ có hẳn một chương điều chỉnh việc này. Đối với các dự án PPP, cũng sẽ điều chỉnh trong đó có liên quan đến một số loại hình hợp đồng BT.
Tôi ví dụ, thứ nhất là về vốn chủ sở hữu, trong dự thảo mới, vốn chủ sở hữu sẽ được tăng lên. Trước đây quy định tối đa chỉ là 15% thôi, những dự án lớn là 10%, nhưng tới đây yêu cầu về vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư sẽ phải tăng lên 20% với dự án đến 1.500 tỷ đồng.
Quy định quá trình góp vốn phải đưa vào ngay trong hợp đồng, nhưng không quy định nhà đầu tư phải góp toàn bộ ngay vốn vào dự án, bởi vì dự án được thực hiện trong cả quá trình, làm sao để thực hiện nguồn vốn có hiệu quả. Nhưng ở dự thảo, sẽ phải bắt buộc đưa vấn đề này đặt trong hợp đồng và có chế tài ràng buộc rõ ràng.
Thứ hai là về cơ chế chính sách, trước đây chúng ta phê duyệt đề xuất dự án, nhưng bây giờ các dự án, đặc biệt là dự án BT được xác định là dự án đầu tư công, được Nhà nước trả bằng đất, đất cũng là nguồn tài sản công của đất nước nên yêu cầu phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, tức là phải xác định chủ trương đầu tư.
Trước đây, chỉ cần một ông Chủ tịch Ủy ban là có thể ký được các loại hợp đồng. Nhưng bây giờ chủ trương đầu tư cũng gắn vào Luật Đầu tư công. Ví dụ trong dự thảo sắp tới trình Chính phủ, về thẩm quyền quyết định đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhóm A của BT, Chủ tịch, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, HĐND cấp tỉnh thì được quyết định chủ trương của dự án BT nhóm B, còn Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ được quyết định chủ trương của dự án BT nhóm C thôi. Từ đó, chủ trương đầu tư sẽ rành mạch như vậy.
Trình tự thủ tục trong dự án BT cũng có nhiều thay đổi, mà thay đổi lớn nhất ở ba điểm. Thứ nhất là trong quá trình thực hiện thì phải lập thiết kế kỹ thuật và dự toán dự án thì mới đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Trước đây, chúng ta chỉ lựa chọn dựa trên báo cáo nghiên cứu khả thi thôi, Nhà nước phê duyệt xong thì chúng ta có thể lựa chọn được, toàn bộ giai đoạn sau là nhà đầu tư lập. Nhưng hiện nay, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán do Nhà nước lập và sau bước đó, thì mới đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Cái quan trọng thứ hai với dự án BT là quản lý chất lượng, hiện nay không giao cho nhà đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ nữa mà coi như một dự án đầu tư công. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm giám sát hoặc thuê tư vấn giám sát để chịu trách nhiệm trước mình chứ không phải chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư nữa.
Thứ ba là quyết toán dự án, hiện nay thực hiện quyết toán như đối với dự án đầu tư công.
Ngoài ra, dự án BT còn phải tuân theo những quy định chặt chẽ hơn về phương thức thanh toán, về xác định giá trị sử dụng đất,..
Tuy hiên, thheo cá nhân tôi, với hình thức BT, tôi không đồng ý với việc nhà đầu tư đề xuất dự án. Tôi cũng nói rất nhiều trong các hội thảo về xây dựng các quy định pháp luật, nguyên nhân chủ yếu của việc thất thoát của lợi ích nhóm, của việc không minh bạch là do nhà đầu tư đề xuất dự án.
Hiện nay, 100% dự án BT là do chủ đầu tư tự chủ động đề xuất dự án. Giống như GS Đặng Hùng Võ vừa nói, người ta đề xuất xây một tuyến đường trên đảo nhưng là để người ta sử dụng đất ở trên đảo đó, là dự án của người ta lấy con đường này để đối ứng, người ta đề xuất dự án là vì lợi ích của người ta.
Đề xuất dự án khu đô thị Thanh Hà cũng vậy, một con đường được vẽ ra, xây một trục phát triển kinh tế phía nam tỉnh Hà Tây rất hoành tráng, dài 41 km. Nhưng hiện nay, nhà đầu tư đã đầu tư xong khu đô thị Thanh Hà, lấy được đất rồi thì trục đường cũng dừng luôn ở đấy, được khoảng 10km, còn đoạn sau thì không biết là Hà Nội sẽ xử lý như thế nào hay cho dừng dự án đấy rồi? Tôi không hiểu là đất giao rồi thì bây giờ việc thanh toán, quyết toán của dự án đó sẽ là như thế nào.
Về đề xuất chủ trương dự án đầu tư, trước đây chúng tôi đã nói rằng quy hoạch chạy theo dự án. Sau các cuộc thanh tra chúng tôi thực hiện, chúng tôi đã có một báo cáo tới văn phòng Trung ương Đảng về dự án BT ở Hà Nội năm 2012, cho thấy, thấy nó mất mát khủng khiếp như thế để chấn chỉnh. Như vậy, trong BT, rõ ràng có một sự buông lỏng quản lý từ trước đây.
Tiếp tục hình thức BT: cần kiểm soát chặt hợp đồng
Nhà báo Phạm Huyền:Chính vì có quá nhiều vấn đề ở các dự án BT như vậy nên mặc dù chúng ta cũng đã có những hành lang pháp lý đang được sửa đổi để hoàn thiện hơn, tôi thấy rằng cũng có luồng ý kiến đưa ra: nên chấm dứt toàn bộ hình thức như thế này. Từ góc nhìn của người làm công tác kiểm toán, TS Lê Huy Trọng suy nghĩ như thế nào?
![]() |
PGS.TS Lê Huy Trọng |
PGS.TS Lê Huy Trọng: Về thực trạng của các dự án BT cũng như các lỗ hổng pháp lý, GS Đặng Hùng Võ và anh Trần Kỳ Sơn cũng đã nói rất rõ. Ngày 27/10 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước có buổi làm việc với Thường trực Chính phủ về những bất cập của BT, BOT và công tác cổ phần hóa. Kết thúc buổi làm việc đó, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao hoạt động của kiểm toán đã chỉ ra những lỗ hổng pháp lý, những tồn tại để chúng ta đi đến sửa đổi.
Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ được văn phòng Chính phủ thông báo mới đây, không có quy định dừng BT mà chỉ là cải tiến cho nó tốt hơn. Trong đó, cũng có quy định là Kiểm toán Nhà nước một là phải thực hiện theo hình thức đấu thầu như anh Sơn đã nói, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng dự án sau đó mới đấu thầu.
Thứ hai là đối với dự án của địa phương, các dự án phải đưa vào kế hoạch đầu tư công và thông qua HĐND thì mới minh bạch được.
Thứ ba, chúng tôi cũng kiến nghị với Bộ Kế hoạch đầu tư là sửa đổi Nghị định 30 (Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định một số chi tiết của Luật Đấu thầu về lựa cho nhà đầu tư) cần quy định trường hợp nào là trường hợp được chỉ định thầu.
Cũng như GS Đặng Hùng Võ, tôi rất tâm huyết về vấn đề hợp đồng. Rõ ràng chúng ta có quy định giao cho Bộ Kế hoạch- đầu tư nghiên cứu và ban hành về văn bản hướng dẫn hợp đồng BT. Nhưng cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa làm được. Như vậy, hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư thì nó khác nhau hoàn toàn giữa các địa phương, giữa các bộ ban ngành. Thủ tướng đã kết luận là không dừng BT nhưng cần thực hiện đúng mục tiêu sao cho có hiệu quả trong điều kiện ngân sách có hạn.
Tôi lấy ví dụ, một số dự án chúng ta trả đất khoảng một nửa thôi, còn lại chúng ta vẫn trả bằng tiền, thậm chí bằng trái phiếu Chính phủ. Như vậy, nó không hề giảm gánh nặng cho ngân sách. Tại sao chúng ta không lấy luôn tiền, trái phiếu đó để đầu tư, cộng với tiền đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư mà chúng ta lại phải giao vòng vèo như vậy? Tôi cho rằng, chúng ta cần hướng tới một mục đích cao hơn là chúng ta phải có Luật về PPP.
Giờ, khi chưa có Luật về PPP, chúng ta phải sửa Nghị định 15 về đối tác công tư như anh Sơn nói. Và hiện nay rõ ràng Nghị định 15 có nhiều bất cập so với luật mới nhất là Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Quy định của BT hiện nay theo Luật này là thanh toán bằng tài sản công chứ không phải thanh toán riêng bằng đất như Nghị đinh 15.
Theo tôi cho rằng, dự án BT không dừng, nhưng chúng ta phải có biện pháp trước mắt và lâu dài để đưa nó đi đúng quỹ đạo hay mục tiêu ban đầu của BT cũng như là PPP là hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các tập đoàn hay các doanh nghiệp để xây dựng kết cấu hạ tầng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.
Bây giờ nếu chúng ta có ngân sách dồi dào thì chúng ta không phải làm BT, cái đó cũng có những khuyến cáo chung như bài viết của GS Đặng Hùng Võ là chỉ nên dùng BT cho những địa phương khó khăn về ngân sách, còn những địa phương có ngân sách đủ rồi thì không phải dùng BT như TP Đà Nẵng không có BT nhưng vẫn rất phát triển.
Nhà báo Phạm Huyền: Cơ quan kiểm toán nhìn đâu thì cũng “nội soi” được tất cả mọi vấn đề. Nếu nói riêng về hợp đồng cho dự án BT, theo cá nhân ông, ông thấy cần có những quy đinh cụ thể nào để cho hợp đồng này chặt chẽ và không xảy ra được tình trạng nhà đầu tư bán đất đổi trác xong rồi cuối cùng lại không hoàn thành trách nhiệm của mình là xây dựng hạ tầng?
PGS.TS Lê Huy Trọng: Cơ quan kiểm toán là kiểm toán có sao thì nói vậy, với chức năng của mình là xác nhận, đánh giá và kiến nghị.
Đầu tiên chúng tôi phải xác nhận được dự án đó là đúng hay sai. Tuy nhiên như GS Đặng Hùng Võ cũng đã nói là hiện nay trong BT, chúng ta chưa kiểm toán kỹ thuật được, chủ yếu chỉ kiểm toán tài chính, đó là một vấn đề phức tạp. Bởi trong dự án thì kiểm toán kỹ thuật là công việc rất lớn, đấy là điều chúng tôi phải tiến tới để nghiên cứu nó.
Còn phần tiếp theo để trao đổi thêm ở đây, Kiểm toán Nhà nước chúng tôi cũng có kiến nghị với các bộ, với Chính phủ, Quốc hội rất nhiều văn bản liên quan đến BT để làm sao bịt được các lỗ hổng về chính sách. Trong đó, chúng tôi đã kiến nghị rất rõ với Chính phủ, với Bộ Kế hoạch Đầu tư, với Bộ Giao thông, Bộ Tài chính... cần vai trò quy định gì, chúng tôi đều có những kiến nghị hết.
![]() |
GS Đặng Hùng Võ, nhà báo Phạm Huyền, PGS.Ts Lê Huy Trọng |
Đơn giản như Bộ Tài chính, chúng tôi có kiến nghị phải xác định được lãi suấ trầnlà bao nhiêu, bây giờ, Bộ vẫn không xác định được. Hay như Bộ Kế hoạch đầu tư thì chúng tôi đề nghị sửa Nghị định 30 hay Nghị định 15,…
Mong muốn của Kiểm toán Nhà nước là làm sao thực hiện việc quản lý sử dụng tài sản công một cách hiệu quả nhất theo quy định của Hiến pháp đã giao cho Kiểm toán Nhà nước.
Không thể để lợi ích tư nhân dẫn đắt phát triển
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, cám ơn ông. Thưa GS Đặng Hùng Võ, xin ông có thể nói tiếp thêm, với những quy định chặt chẽ hơn, chẳng hạn như vấn đề chấm dứt chỉ định thầu hay các điều khoản ở hợp đồng BT, theo ông cần làm như thế nào để thực sự đảm bảo các dự án này được triển khai một cách minh bạch hiệu quả?
GS Đặng Hùng Võ: Theo tôi, đầu tiên cần xác định trong tình trạng của Việt Nam hiện nay nên áp dụng BT đến đâu, theo tôi đó là vấn đề quan trọng nhất.
Theo quan điểm của tôi, ở những nơi đã tự chủ về nguồn thu ngân sách, tức là không cần ngân sách trung ương trợ giúp thì có nghĩa là hạ tầng đã đảm bảo phát triển ở một mức độ nhất định, hay nói cách khác, hạ tầng sẽ quyết định giá đất, nên chúng ta phải so sánh giữa cơ chế đấu giá đất để xây dựng hạ tầng hay là chúng ta dùng cơ chế BT để giải quyết vấn đề hạ tầng hơn?
Ta cần tính toán đối với từng trường hợp một, nếu cái Nhà nước đem ra đấu giá để lấy tiền xây dựng hạ tầng mà có lợi hơn, thì ta làm theo cách này.
Sự thực mà nói là có nhiều cách làm để ta phát triển hạ tầng chứ không phải là không làm BT có nghĩa là hạ tầng không phát triển được. Tôi cho rằng chúng ta phải có góc nhìn rất rành mạch ở chỗ này. Cơ chế nào để chúng ta phát triển hạ tầng, có thể đặt ra phát triển hạ tầng thế này hay thế kia, vậy có thể dùng BT hay có thể dùng cơ chế Nhà nước đấu giá đất lấy tiền để xây dựng hạ tầng?
![]() |
GS Đặng Hùng Võ |
Tôi cho rằng, những trường hợp còn lại, cả ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là những nơi có hạ tầng phát triển rất mạnh rồi mà có những trường hợp cần phát triển hạ tầng cụ thể, ví dụ như một cái cầu chẳng hạn, rất chiến lược, có nó có thể Hà Nội sẽ phát triển vượt bậc chẳng hạn, trong khi đó, tính mãi rồi, đem đất ra đấu giá thì cũng không hoàn lại được vốn này mà có nhà đầu tư lại rất thích đất ở chỗ nào đấy mang tính tâm linh, tôi nói ví dụ như vậy chẳng hạn, thì trường hợp ấy ta có thể áp dụng BT.
Bởi ta tìm được một người rất thích đất mà theo góc nhìn của quản lý thì đất này giá trị thấp lắm, nhưng biết đâu nó có giá trị tâm linh cao chẳng hạn, thì trường hợp đấy đổi cũng được.
Ý tôi nói là có thể chúng ta cũng không cần hạn chế đến mức tuyệt đối là tỉnh này tỉnh kia không được dùng. Nhưng chúng ta phải hạn chế đến mức sao cho sử dụng BT hiệu quả hơn sử dụng những cách khác thì ta làm.
Thứ hai, đây cũng là lúc để chúng ta xây dựng một khung pháp luật chặt chẽ, trong đó có câu chuyện ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng. Tôi rất đồng ý với ý kiến của anh Sơn là chúng ta phải bỏ cơ chế nhà đầu tư đề xuất dự án. Đây là một cơ chế cực kỳ nguy hiểm, việc nhà đầu tư đề xuất dự án thì ngược với nguyên lý quản lý của chúng ta, từ bắt đầu chiến lược phát triển đến quy hoạch, từ quy hoạch mới ra đến dự án chương trình, sau đó mới đem ra đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Ta đi theo chiều xuôi đó, tức là dựa và chiến lược phát triển, dựa vào kế hoạch đầu tư, … để đưa ra các chương trình dự án.
Nhưng nhà đầu tư dự án dựa vào lợi ích của người ta. Nói cách khác, nếu chúng ta dựa vào chiến lược quy hoạch phát triển có nghĩa là Nhà nước đang dẫn dắt phát triển, còn nhà đầu tư đề xuất dự án thì chúng ta hiểu đấy là lợi nhuận của nhà đầu tư đang dẫn dắt phát triển, nó nguy hiểm ở chỗ đó.
Vì thế tôi cho rằng không chỉ nên hay không nên mà tuyệt đối không được. Nếu chúng ta cho, có nghĩa là nhà quản lý đó đang có ý đồ tính toán tư lợi. Không thể để lợi ích tư nhân dẫn dắt phát triển được mà phải là chiến lược, quy hoạch của Nhà nước dẫn dắt phát triển. Tôi cho rằng chúng ta tuyệt đối không được để cho nhà đầu tư, tư nhân đề xuất dự án. Chúng ta không chấp nhận những điều đó. Nếu chúng ta chấp nhận, chúng ta lại chạy theo điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất ấy thì còn tệ hơn nhiều nữa.
Bài toán định giá đất như thế nào khi đổi hạ tầng
Quay trở lại trong các dự án phát triển có dự án BT, thì lúc này chúng ta phải đưa ra một khung pháp luật rất chặt chẽ. Thôi thì Nghị định hay Luật cũng được, cái nào mọi người cũng phải thực hiện cả. Tôi cho rằng đưa ra Luật về PPP cũng được hoặc không thì đưa ra một Nghị định về BT, cần thiết thì chúng ta có riêng một Nghị định về BT.
Trong đó, chúng ta biết rằng hiện nay nó liên quan đến rất nhiều luật, Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công,.. ít nhất là dính tới ba luật đó. Ba luật đó đưa vào phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tôi cho rằng hiện nay nó cũng có nhiều cái lệch về BT giữa hệ thống pháp luật về đầu tư công, hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công và hệ thống pháp luật về đất đai, rất nhiều yếu tố dính tới cả ba hệ thống pháp luật này.
Trong đó, về Luật Đất đai, cái cần đối với đất đai là vấn đề định giá đất thì Luật Đất đai 2013 chả nói câu nào về việc định giá đất đai để phục vụ BT cả. Ở dự án BT, chúng ta có quy định rõ về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất và đề xuất sửa cuối cùng lại là UBND. Bởi vì, chẳng cần quy định thì ai cũng biết, đó là UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giao đất cho các dự án công tư đối tác, bởi nguyên tắc của Luật Đất đai là giao đất cho UBND cấp tỉnh quản lý.
Thế nên chúng ta lặp lại điều đó ở quy định BT chả để làm gì cả. Hơn nữa, chúng ta cần Luật Đất đai quy định ở BT là vấn đề định giá, loại đất nào, ai đề xuất, ai duyệt loại đất đó để đem đổi, loại đất đó bây giờ định giá với điều kiện nào, nếu hạ tầng đã có tác động vào nó thì định giá hay khi chưa có hạ tầng thì định giá? Nếu không có hạ tầng tác động vào nó thì thôi ta không cần tính.
Cái mà tôi cho rằng, chúng ta đang cần là cần Luật Đất đai quy định rõ điều đó chứ không phải việc quy định thẩm quyền ai giao đất vì ai cũng biết UBND cấp tỉnh giao đất cho tổ chức. Ý tôi muốn đưa ra ví dụ đó không phải để phê phán Luật Đất đai 2013 mà để nói rằng hệ thống pháp luật phải đồng bộ, trong câu chuyện giải quyết vấn đề chung là đổi đất lấy hạ tầng.
Hơn nữa, chúng ta phải kết hợp với những yếu tố của Luật Phòng chống tham nhũng nữa. Đến bây giờ, nhiều nhà báo cho tôi biết là lên xin hợp đồng BT thì nơi quản lý hợp đồng này nói là hợp đồng này đóng dấu mật.
Tôi bảo là chả có Luật nào lại quy định hợp đồng BT phải đóng dấu mật cả, ai đóng dấu mật vào đấy, người đó phải chịu kỷ luật. Bởi dấu mật không phải đóng lung tung, phải đóng đúng chỗ chứ không phải chỗ nào cũng đóng, mà giờ để thông tin đến báo chí là hợp đồng này đóng dấu mật?
Trong Nghị định quy đinh về chế độ bảo mật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chắc chắn không có chuyện đóng dấu mật vào các dự án BT.
Tôi cho rằng đấy là tất cả những yếu tố chúng ta phải phối hợp lại để có được một khung pháp luật rất rành mạch, hiệu quả và ngăn ngừa được tham nhũng trong khi thực hiện các dự án BT.
Ngoài ra, Tôi cho rằng lúc này rất cần đến quy định về phạm vi áp dụng BT, phải rõ vấn đề trong trường hợp nào thì làm BT chứ không phải áp dụng tràn lan. Và dứt khoát, dự án BT là phải theo quy hoạch, theo chiến lược phát triển của địa phương, địa phương đưa ra rồi, tính toán mãi rồi, dự án này phải BT thì mới thực hiện được. Anh ta phải chịu trách nhiệm báo cáo trước HĐND cấp tỉnh là tôi đảm bảo không có cách nào tốt hơn dự án BT.
Tôi cho rằng đấy là tất cả những cái chúng ta phải tính đến trong việc xây dựng khung pháp lý cho BT.
Trước mắt, chưa có khung pháp lý tốt, mà với khung pháp lý hiện nay thì tôi cho rằng nên tạm dừng, không nên ký duyệt bất cứ một dự án BT nào khi khung pháp luật chưa hoàn chỉnh.
Và tôi cũng cho rằng lúc này rất cần quan điểm độc lập của kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội xem ý kiến của Quốc hội về BT thế nào. Bởi ở đây chúng ta đang xem xét câu chuyện cơ chế này có phù hợp hay không thì chính vai quyết định là Quốc hội.
Tất nhiên là Chính phủ bao giờ cũng muốn đầu tư hạ tầng vượt bậc, cơ chế nào cũng được miễn là đầu tư. Tôi cho rằng đó cũng là nguyện vọng rất đúng. Nhưng với vai của Quốc hội là kiểm tra, giám sát, kiếm soát tất cả mọi việc thì lại phải có quan điểm riêng về câu chuyện BT. Chúng ta phải tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước, ta phải tính toán kỹ lưỡng trước khi áp dụng một dự án BT. Theo tôi, chúng ta phải tính dưới góc độ đó thì mới tìm ra cách thức siết chặt để nâng cao hiệu quả của các dự án BT.
(Còn tiếp)
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Đức Yên, Thuý Hồng
HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận