-Nếu giao quyền tự chủ về thi cho các trường, chưa chắc đã làm được và lại rất rối ren. Xung quanh trường lại lập bao nhiêu ki ốt luyện thi, các học sinh cơm nắm, cơm đùm luyện thi trường này trường khác.

Đó là một trong những ý kiến mà các chuyên gia giáo dục phân tích về việc có mô hình kỳ thi “2 trong 1” hiện nay và giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường Cao đẳng, Đại học.

Dư âm đau xót về một kỳ thi tốt nghiệp THPT có tới 12 người bị khởi tố, tạm giam bởi những gian lận thi cử vẫn đang sâu đậm. Bộ Giáo dục và đào tạo đã đưa ra giải pháp phải đổi mới trong tổ chức kỳ thi nhưng sẽ duy trì mô hình hiện nay tới năm 2020. Chính vì vậy, cộng đồng những ngày qua đã có cuộc tranh luận gay gắt về chuyện nên hay không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT...

Chương trình Bàn tròn trực tuyến kỳ này của VietNamNet đã có buổi thảo luận với 3 khách mời về chủ đề trên.

Ba khách mời tham gia:

- TS. Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

- PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

- TS Văn Đình Ưng - Ủy viên Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT.

Chương trình sẽ được đăng tải theo 2 phần. Dưới đây là Phần I, các khách mời cũng mổ xẻ, phân tích về những ưu điểm và nhược điểm của mô hình kỳ thi những năm qua.

XEM VIDEO CHƯƠNG TRÌNH TẠI LINK SAU:

 

Tốn kém, ầm ĩ và tắc đường... nếu quay về kỳ thi kiểu cũ

Tốn kém, ầm ĩ và tắc đường... nếu quay về kỳ thi kiểu cũ

Nếu bỏ kỳ thi, chỉ xét học bạ thì vô vàn người có thể làm đẹp, làm mới học bạ. Còn quay trở về mô hình kỳ thi trước đây, sẽ chỉ thấy tốn kém, ầm ĩ, tắc đường.

GIAN LẬN LẤY ĐI CƠ HỘI CỦA NHỮNG THÍ SINH TRUNG THỰC

Nhà báo Phạm Huyền: Vấn đề đầu tiên chúng tôi muốn trao đổi là nhìn lại câu chuyện vừa xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, xin được lắng nghe ý kiến của PGS.TS Trần Văn Tớp. Ông nghĩ thế nào về câu chuyện có tới 12 người bị khởi tố, bắt giam vừa qua?

{keywords}
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ trong chương trình. Ảnh Lê Anh Dũng

PGS.TS Trần Văn Tớp: Tôi nghĩ rằng, bất kỳ một kỳ thi nào đều yêu cầu tính khách quan, trung thực nhằm đánh giá năng lực người học.

Kỳ thi THPT quốc gia cũng như kỳ thi xét tuyển đại học trước đây, kể cả kỳ thi hết khóa, hết môn học của các trường, các cơ quan quản lý đều đưa ra những quy chế hết sức chặt chẽ, tránh gian lận. Tuy nhiên, có những người sẵn sàng gian lận trong thi cử, từ việc mang tài liệu vào phòng thi, quay cóp... rồi gian lận ở những khâu khác.

Gian lận ở các kỳ thi THPT quốc gia trước đây như vụ ở trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), vụ ở trường THPT Phú Xuyên A, Hà Nội... chủ yếu thể hiện bệnh thành tích nhiều hơn. Các địa phương đôi khi muốn đẩy thành tích cơ sở lớn nên đã có những động thái tổ chức gian lận cho thí sinh thi tốt nghiệp.

Nhưng trường hợp sự cố, sự gian lận nghiêm trọng như vừa xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là chưa từng xảy ra, với sự tiếp tay của người làm quản lý giáo dục.

Chính vì vậy, sự cố đã tạo dư luận không tốt về kỳ thi này, thậm chí tôi cho rằng, dư luận rất phẫn nộ!

Điều này cũng dễ hiểu bởi vì kỳ thi này cần sự trung thực, khách quan để đảm bảo xét tuyển đại học. Nếu có những người gian lận thì thực chất là lấy đi cơ hội của những người trung thực khác.

Dư luận thời gian vừa qua hết sức nóng về chủ đề này. Cá nhân tôi cho rằng cần bình tĩnh, suy xét sự việc để tổ chức kỳ thi năm sau tốt hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa TS. Văn Đình Ưng, là đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, khi báo chí khơi lên những vấn đề gian lận thi cử như vậy, cá nhân ông có góc nhìn thế nào?

{keywords}
TS Văn Đình Ưng - Ủy viên Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT và nhà báo Phạm Huyền. Ảnh Lê Anh Dũng

TS. Văn Đình Ưng: Trước hết, tôi cảm giác rất buồn vì biết bao nhiêu năm từng công tác Bộ GD-ĐT, tham gia trong Ban chỉ đạo thi nhiều năm... và cũng dã có bao nhiêu năm chúng ta cải tiến tổ chức để có được phương án thi tốt nhất thì giờ, lại xảy ra sự cố như vậy. Sự cố không thuộc về học sinh mà thuộc về bộ máy quản lý giáo dục ở địa phương. Tôi thực sự bị sốc!

Nhân đây, chúng ta sẽ nói tới những lỗ hổng trong công tác thi cử. Tôi nghĩ lỗ hổng đã được phát hiện ra và tôi tin là chúng ta có đầy đủ phương tiện để khắc phục lỗ hổng đó. Chúng ta không nên quay lại cái cũ lại tốn kém, như thầy Tớp cũng nói thì rất nhiều phiền hà. Chắc chắn sẽ có biện pháp lấp lỗ hổng trong kỳ thi.

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN ƯU ĐIỂM TIẾT KIỆM CHI PHÍ, GIẢM ÁP LỰC CHO XÃ HỘI CỦA KỲ THI  “2 TRONG 1”

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng chúng ta đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi trong nhiều năm qua cũng là đều hướng tới mục tiêu lớn, vừa tiết kiệm nguồn lực xã hội, vừa đảm bảo chất lượng kỳ thi minh bạch, công bằng.

Thưa PGS.TS Trần Văn Tớp, vậy trong 2 năm vừa qua, với những thay đổi, cải tiến trong tổ chức kỳ thi như áp dụng đề thi trắc nghiệm, sở giáo dục chủ trì..., kết quả tuyển sinh và chất lượng học tập của “lứa” sinh viên gần đây có sự thay đổi tương quan ra sao?

Và đặc biệt, khi xảy ra những hiện tượng gian lận như vậy thì kết quả bước đầu tuyển sinh của trường có gì đáng lo ngại?

PGS.TS Trần Văn Tớp: Chúng ta đều biết Bộ GD-ĐT nỗ lực trong mấy năm qua để tìm ra một phương thức tuyển sinh. Tôi rất đồng quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước cho rằng  làm sao để khi kỳ thi diễn ra, các trường đại học nhận khó khăn về phía mình, dành cho người học và gia đình người học những thuận lợi.

Chính vì vậy, chúng ta đã từng bước đưa hội đồng thi về tận nơi. Trong đợt thi vừa rồi tôi thấy rất ít em phải đi khỏi khu vực mình trên 10km, tất nhiên các em vùng sâu vùng xa tôi không nắm được, nhưng ở Hà Nội thì hầu như các em không đi quá khu vực mình ở 10 km. Đây là việc được xã hội ghi nhận.

Nếu chúng ta tổ chức thi như trước đây thì rất tốn kém, ầm ĩ, tắc đường. Năm 2017, 2018 những ai không có con em đi thi chưa chắc biết rằng đang có 1 kỳ thi THPT quốc gia đang diễn ra. Đây là những mặt rất tích cực.

Cá nhân chúng tôi và các trường đại học cũng tham gia tích cực và ủng hộ chủ trương này. Chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm đi coi thi ở xa hoặc tổ chức kỳ thi riêng như năm 2015, 2016.

Kỳ thi này có mục đích chính là xét tốt nghiệp nhưng nó lại kèm theo mục đích nữa là các trường cao đẳng, đại học có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh. Vì vậy, kỳ thi không những yêu cầu phải công khai, minh bạch, trung thực, công bằng mà còn phải đảm bảo yêu cầu phân hóa được học sinh.

Tôi cũng chia sẻ quan điểm, muốn phân hóa học sinh thì đề phải khó, mức độ khó tăng dần. Có những người giỏi có thể làm hết nhưng có những người chưa đủ giỏi thì không làm hết, còn những người trung bình thì chỉ làm phần cơ bản. Như vậy đề khó mới phân hóa học sinh nhưng đề khó quá mà không phân hóa, phân loại học sinh thì điều đó trở nên thất bại.

Vấn đề này cũng gây áp lực cho ban đề, làm sao vừa đạt mục đích những em đủ năng lực, kiến thức sau 12 năm tốt nghiệp và đủ để các trường xét tuyển. Rõ ràng không hề dễ cho ban ra đề.

Năm ngoái, ta đánh giá đề dễ thì năm nay, đề lại đi theo hướng khó dần lên. Tôi cho rằng, hướng ra đề như vậy cũng phải xem xét lại.

Tôi cho rằng, phổ điểm năm nay có những cải tiến tích cực nhưng đã đạt mong muốn để các trường xét tuyển chưa lại là một câu chuyện khác mà sau này khi rút kinh nghiệm cho năm sau chúng ta phải xem xét.

Vậy, việc xét tuyển như vậy có ảnh hưởng chất lượng học tập ở các trường hay không? Chất lượng đầu vào như vậy có phản ánh chất lượng đầu ra không?

Xin lưu ý rằng, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội không dành cho những người thiếu cố gắng, thiếu năng lực ban đầu. Đào thải của trường rất lớn.

Hiện nay, mô hình lấy kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học mới thực hiện đến năm thứ 4, có nghĩa những sinh viên đầu tiên tham gia xét tuyển vào Đại học cũng mới học năm thứ 4, chưa thể có được kết quả chính xác.

Tuy nhiên chúng tôi có kết quả của những kỳ thi trước đây, kỳ thi 3 chung xét tuyển đại học.

Năm ngoái, trước khi kỳ thi diễn ra, tôi cũng yêu cầu làm phân tích dữ liệu, thống kê kết quả học tập trung bình đặc biệt là giai đoạn học đại cương. Hai năm đầu là học khoa học cơ bản Toán, Lý, Hóa của giai đoạn trước.

Khi lấy kết quả thi của sinh viên trong giai đoạn này so sánh với kết quả tuyển sinh đại học của năm 2015, 2016, theo phản ánh của các thầy cô qua mặt bằng điểm, qua điểm tích lũy năm đầu thì chúng tôi không nhìn thấy sự khác biệt.

Chúng tôi chỉ nhìn thấy sự khác biệt giữa nhóm ngành đầu vào cao với nhóm ngành đầu vào thấp nhưng so với các nhóm ngang đầu vào cao với nhau thì sự khác biệt này không có.

Vì vậy chúng tôi cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, tránh tất cả những lỗ hổng để lợi dụng gian lận thì cách thi như vậy rất hợp với số đông hàng triệu thí sinh. Cách thức tổ chức này theo tôi là phù hợp.

Nhà báo Phạm Huyền: Tôi cũng xin nói thêm, Bộ Giáo dục và đào tạo và Chính phủ dự kiến sẽ duy trì mô hình kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay cho đến 2020.

Thưa TS. Phạm Tất Thắng, từ góc nhìn của ĐBQH với vai trò giám sát, phản biện, ông nghĩ như thế nào về nguyên nhân khiến những gian dối bị phơi ra ánh sáng? Có một điều mà người dân hiện nay phân tích có vẻ nghịch lý, hài hước là chính vì đề thi khó, khó đến mức thầy giáo không giải được, lại là nguyên cớ để những gian dối như vậy lộ ra trước ánh sáng. Ông có đồng tình với những nhận xét như vậy không?

{keywords}
TS. Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Ảnh Lê Anh Dũng

 TS. Phạm Tất Thắng: Đúng là 2 năm nay (năm 2017, 2018), nếu theo câu hỏi nêu đề thi thì đúng là điều cần phải rút kinh nghiệm.

Năm 2017, có vẻ đề thi dễ quá dẫn đến số lượng điểm cao nhiều, khó phân hóa thí sinh. Năm 2018, đề thi khó quá nên điểm không cao.

Trong 2 năm nay, chúng đang tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng có 1 mục tiêu gắn với xét tuyển đại học cao đẳng. Thực ra 2 mục tiêu này hơi khác nhau.

Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là mang tính đánh giá trên mặt bằng chung, mang tính sát hạch xem thí sinh đó sau 12 năm học tập và đặc biệt sau 3 năm học THPT đã đủ nền tảng kiến thức cơ bản để tốt nghiệp THPT hay chưa, có thể bước vào thị trường lao động hay học lên bậc cao hơn?

Còn với mục tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng thì hơi khác. Xét tuyển đại học, cao đẳng là phải chọn những thí sinh, học sinh tiêu biểu, ưu tú, có năng lực tư duy nhất để vào học bậc cao hơn.

Khi chúng ta gắn hai mục tiêu này vào một thì nó cũng có những khó khăn về mặt kỹ thuật.

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận kết quả tích cực của phương thức tổ chức kỳ thi này, tổ chức 1 kỳ thi chung cho cả tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học, gắn trực tiếp với địa phương. Điều này đã giảm áp lực căng thẳng đối với xã hội, tiết kiệm chi phí cho cả Nhà nước và xã hội.  

Tuy nhiên rõ ràng năm 2018 có những lỗ hổng dẫn đến tiêu cực nghiêm trọng. Nguyên nhân nhìn thấy rồi nhưng những bất cập, tồn tại phải được khắc phục một cách triệt để nhằm tiếp tục tổ chức theo phương thức này cho năm sau.

Theo dự kiến của Chính phủ là đến năm 2020, làm sao đảm bảo kỳ thi khách quan, công bằng, trung thực, chính xác, đáp ứng được mục tiêu mà chúng ta đang theo đuổi là giảm áp lực cho xã hội, tiết kiệm chi phí cho xã hội cũng như cho người dân.

NHIỀU TRƯỜNG LỚN CŨNG SỢ TỰ CHỦ VỀ THI

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa TS. Văn Đình Ưng, mô hình kỳ thi “2 trong 1” chỉ là cách gọi nôm na, còn thực tế Luật Giáo dục vẫn cho phép các trường cao đẳng, đại học có thể không dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT mà có thể tự tổ chức 1 kỳ thi khác để đảm bảo chất lượng đầu vào tốt hơn, cũng như phân hóa thí sinh, chọn đúng đối tượng nhập học.

Vậy tại sao trong thời gian qua, hầu như các trường không áp dụng hình thức đó? Bây giờ khi kỳ thi tốt nghiệp THPT xảy ra những gian lận, lại có những ý kiến nói rằng trả lại quyền tự chủ cho các trường? Trên thực tế, Luật đã có nhưng tại sao các trường không áp dụng quyền tự chủ của mình?

TS. Văn Đình Ưng: Về việc này, Hiệp hội cũng tổ chức một số cuộc hội thảo. Trước khi tiến tới một kỳ thi, chúng ta cứ nói nôm na là kỳ thi “2 trong 1” nhưng thực chất, nó không phải như vậy. Chúng ta chỉ có có một kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Kỳ thi này mang tính quốc gia để các em tốt nghiệp 12 năm học phổ thông có tấm bằng. Có thể các em không học lên nữa mà đi bán hàng, du học hoặc học nghề thì tấm bằng này cần phải có.

Nhiều nước trên thế giới cho rằng đây là mốc quan trọng của cuộc đời con người. Cho nên không thể xét tuyển ở Sở, xét học bạ rồi cấp bằng, giá trị không có.

Nếu xét theo học bạ thì vô vàn người có thể làm lại học bạ mới, đẹp như vậy sẽ có đường dây chạy tiền rồi. Cho nên phải có một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là vì thế.

Trong Điều 34 Luật Giáo dục đại học có nêu giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh lo đầu vào của mình.

Nhưng rất nhiều trường trước khi chúng tôi hội thảo, họ đề nghị chúng tôi nếu tổ chức thì việc thành lập Ban ra đề thi không có, phải mời trường nọ trường kia. Mỗi lần ra đề thi các trường cũng phải bảo vệ vòng trong, vòng ngoài, có bảo vệ, công an đứng vòng nọ, vòng kia để bảo vệ đề thi. Cho nên nhiều trường lớn cũng sợ tự chủ về thi.

Khi có Điều 34 Luật Giáo dục, các trường không phải xin phép Bộ, thi hay phỏng vấn mà đó là quyền của các trường.

Kết quả thi THPT quốc gia chuẩn, an toàn thì các trường  sẽ áp dụng đa số. Tức tôi đoán trong khoảng hơn 400 – 500 trường đại học, cao đẳng thì ít nhất 400 trường xét tuyển, còn 100 trường trên như trường Đại học Bách Khoa có thể phỏng vấn hoặc thi trắc nghiệm thêm. Như trường sư phạm có thể xem xét thêm các kỹ năng ăn nói, ngoại hình thế nào của thí sinh.

Tôi nghĩ việc nhiều trường bây giờ khi đã được giao tự chủ về tuyển sinh nhưng lâu dần lại quên đi.

Tôi dám chắc nếu bây giờ Bộ thả cho thi như trước, chưa chắc đã làm được đâu và lại rất rối ren, xung quanh trường lại lập bao nhiêu ki ốt luyện thi, các học sinh cơm nắm, cơm đùm luyện thi trường này trường khác, xã hội rối ren. Mỗi lần như vậy tôi thấy kinh hoàng lắm.

Mỗi lần ra 30 Tạ Quang Bửu bắt phao thi, có lần chúng tôi cùng công an bắt 1 tấn phao thi được in từ Thái Bình lên Hà Nội. Tôi thấy chúng ta không nên quay lại kỳ thi như vậy.

HỌC BẠ CŨNG CÓ ĐƯỜNG DÂY ĐỂ LÀM ĐẸP, LỖ HỔNG SẼ RẤT LỚN

PGS.TS Trần Văn Tớp: Giao quyền tự chủ cho các trường tuyển sinh không phải hình thức xét tuyển duy nhất.

Ở các trường trên thế giới, họ xét tuyển và dựa vào kết quả thi, họ cho rằng tin cậy. Tại sao hiện nay các trường chưa mặn mà phương thức xét tuyển? Có nhiều lý do mà theo tôi, lý do xét tuyển theo học bạ có lỗ hổng rất lớn.

Ở đây, một kỳ thi chúng ta có quy chế chặt chẽ, nghiêm chỉnh, có vòng trong, vòng ngoài, từng bước đều có những giám sát chặt chẽ. Năm nay, chúng ta phát hiện lỗ hổng của yếu tố con người nghiêm trọng. Nếu xét qua học bạ, tôi dám chắc đây là một kẽ hở rất lớn.

Người ta có thể sửa toàn bộ học bạ và điều đó đã từng xảy ra chứ không phải không xảy ra.

Tất nhiên, nếu địa phương không vì thành tích, không vì những cái đó.. (như xét vào Đại học...PV) thì người ta không gian lận. Nếu các thầy, các cô ở cấp THPT đánh giá học sinh đúng năng lực, lực học nghiêm chỉnh, tôi nghĩ việc xét học bạ là cách thuận lợi.

Một số trường hiện có xét tuyển nhưng cũng chỉ xét tuyển cầm chừng, còn lại vẫn dựa vào một cái gì đó. Cái gì đó ở đây chính là kỳ thi này.

Rõ ràng, cần thước đo!

Hiện nay chúng ta đang tổ chức kỳ thi là thước đo cùng mặt bằng nhất. Nếu chúng ta làm đúng thì thước đo sẽ phản ánh khách quan đem lại công bằng cho các thí sinh.

Còn một phần nữa, các trường không tổ chức kỳ thi vì có vấn đề, có một số trường trước kia đã tổ chức kỳ thi riêng, rồi ngay sau đó, xuất hiện lò luyện thi, phao thi... Một vấn đề khác quan trọng là các cháu ở nông thôn không có điều kiện “luyện thi” thì không vào được đại học, như vậy rất bất công.

Trước kia, Đại học Bách Khoa cũng tổ chức kỳ thi như vậy trước khi có kỳ thi 3 chung. Chúng tôi cũng dựa trên ngân hàng đề chung để ra đề riêng. Nhưng có một điểm tôi rất chia sẻ bởi nếu tổ chức riêng, không biết thí sinh chạy đi đâu. Gọi 5.000 em nhưng nhập học chỉ 3.000 thôi. Đây là việc các trường phải xem xét.

Tới năm 2020, định hướng của Chính phủ, của Bộ là về cơ bản giữ kỳ thi như hiện nay, tôi cho rằng đây là một quyết định rất sâu sắc của Bộ.

Như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta duy trì một hình thức thi kéo dài 6 năm. Tới lúc ấy, tôi nghĩ mới có đủ thời gian đánh giá toàn diệnmô hình kỳ thi này.

Nếu sau này, Bộ nói không làm nữa, việc tuyển sinh là của các trường, mục đích chính của kỳ thi chỉ là xét tốt nghiệp thì úc ấy các trường không có con đường nào khác là phải đứng ra làm, còn cách làm thế nào thì mỗi trường có một cách. Chúng tôi cũng đã phải nghĩ tới việc này.

{keywords}
Các khách mời tham gia chương trình. Ảnh Lê Anh Dũng

CÓ HỌC PHẢI CÓ THI, KỲ THI LÀ THƯỚC ĐO TỐT NHẤT

TS. Phạm Tất Thắng: Vấn đề này được chi phối bởi 2 luật. Luật Giáo dục hiện hành quy định học phải tổ chức thi mặc dù Luật không quy định tổ chức thi thế nào song đã học là phải thi. Nó cũng có yếu tố tích cực.

Như anh Ưng, anh Tớp nói, chúng ta có 63 tỉnh, các khu vực kinh tế xã hội khác nhau nên cần tạo ra một kỳ thi để xác nhận lại mặt bằng chung trong việc giảng dạy phổ thông.

Luật giáo dục đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh. Hiện nay, các trường cũng đang thực hiện. Các trường có thể căn cứ kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia này, các trường cũng có thể kết hợp xét học bạ, tổ chức thêm các hình thức đánh giá năng lực năng khiếu để chọn thí sinh phù hợp yêu cầu.

Tuy nhiên như thầy Tớp nói, các trường hiện nay chưa thực sự mặn mà với tự chủ tuyển sinh với những lý do đã nêu.

Nhưng việc tổ chức một kỳ thi chung, các trường đã có một mặt bằng chung của một kỳ thi.  Về nguyên tắc, kỳ thi phải đảm bảo khách quan, công bằng, trung thực, nghiêm túc và đánh giá thí sinh cả nước trên một mặt bằng.

Dựa vào kết quả của kỳ thi đó cộng với xét thêm học bạ có thể có điểm sàn trên mặt bằng chung. Rõ ràng, việc tổ chức đánh giá thêm với một trường không phải dễ.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa THPT.

Vừa qua, Quốc hội cũng điều chỉnh từ năm 2019, sẽ áp dụng chương trình sách giáo khoa mới. Chính vì thế, Chính phủ dự kiến hết năm2020 sẽ đánh giá kỳ thi trên nền tảng kiến thức phổ thông theo chương trình sách giáo khoa hiện hành. Sau khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, chúng ta sẽ có lựa chọn phương thức thi và đánh giá phù hợp.

Tại phần 2, các diễn giả đã đề xuất hàng loạt giải pháp để hạn chế sự tiêu cực của con người. Mời bạn đọc đón xem vào ngày mai, 11/8.

(còn tiếp)

Thực hiện: Phạm Huyền- Hạnh Thúy

Video: Bạt Tuấn, Huy Phúc, Đức Yên, Xuân Quý

Ảnh: Lê Anh Dũng

email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn

Bộ trưởng Giáo dục lên tiếng sau bê bối thi cử ở Hà Giang, Sơn La

Bộ trưởng Giáo dục lên tiếng sau bê bối thi cử ở Hà Giang, Sơn La

Lên tiếng sau bê bối gian lận thi cử tối 24/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực và cầu thị.

Bộ trưởng Giáo dục yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát việc coi thi, chấm thi THPT quốc gia

Bộ trưởng Giáo dục yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát việc coi thi, chấm thi THPT quốc gia

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi nhất là khâu coi thi, chấm thi.

Gian lận thi cử ở Hòa Bình: Công an triệu tập thêm 5 cán bộ

Gian lận thi cử ở Hòa Bình: Công an triệu tập thêm 5 cán bộ

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vừa triệu tập 5 cán bộ liên quan đến vụ gian lận điểm thi, trong đó có 4 cán bộ trong tổ chấm thi.    

Khởi tố Phó Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La trong vụ gian lận điểm thi

Khởi tố Phó Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La trong vụ gian lận điểm thi

Phó GĐ Sở GD-ĐT Sơn La Trần Xuân Yến cùng 4 người khác bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Khởi tố vụ án gian lận thi cử tại Sơn La

Khởi tố vụ án gian lận thi cử tại Sơn La

Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc gian lận thi cử, sửa bài thi gốc của nhiều thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Sau ‘gian lận điểm thi’ có nên tự tin ‘quy trình tốt’?

Sau ‘gian lận điểm thi’ có nên tự tin ‘quy trình tốt’?

Đứng trên quan điểm về quản lý rủi ro cho cả kỳ thi THPT quốc gia, không thể nói một cá nhân, một hiện tượng xấu là số ít, để xóa nhòa rủi ro của toàn hệ thống.