Ba khách mời tham gia chương trình gồm:

- Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

- Ông PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách Tài
nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

- Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES)

 Mời quý vị xem video phần II của cuộc trò chuyện:

 MC Mỹ Hạnh: Thưa các vị khách, muốn phát triển du lịch thì điều đầu tiên là phải tìm hiểu nhu cầu của du khách. Hiện nay, nhu cầu của du khách cũng rất khác nhau: một số thích cảnh quan tôn trọng tự nhiên, hạ tầng ở mức chấp nhận được; một số khác lại thích ăn ở sang trọng, tại những điểm mà thiên nhiên cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Điều này là chính là chỉ dấu cho chính quyền, cho doanh nghiệp, trong việc thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư, nó cũng là điểm gây xung đột trong việc phát triển du lịch thế nào cho hài hòa.

Các vị khách có thể đánh giá về nhu cầu của khách quốc tế, và trong nước trong tương lai.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Theo ý kiến cá nhân của tôi, thì phần lớn các du khách quốc tế, sẽ không có nhu cầu vào vùng có thiên nhiên hoang sơ để hưởng thụ, ăn uống xa xỉ. Họ đến Việt Nam, đến những vùng hoang sơ ấy để được thưởng thức thiên nhiên, thay vì vào siêu thị, ăn uống đắt tiền, hay chơi casino.

Nhu cầu trong nước có thể có nhiều người, do ý thức về môi trường, ý thức về tôn trọng thiên nhiên rất thấp, nên họ thích vào đó để ăn uống, nhậu nhẹt, mua sắm...

Tuy nhiên, chúng ta không bắt buộc phải tuân thủ, hoặc thực hiện những nhu cầu đó của du khách bằng mọi giá. Chúng ta cần có những cuộc thảo luận rộng rãi trong xã hội, trong các nhà chuyên môn, báo chí, xã hội dân sự, để xem  rằng, với di sản thiên nhiên đó, chúng ta nên làm thế nào, với ai, ai làm, sở hữu, và làm đến mức độ nào, phát triển ra sao.

Câu chuyện phát triển đó phải được thảo luận rộng rãi, chứ không phải "gói ghém" giữa chính quyền và một số doanh nghiệp lớn.

{keywords}
Các vị khách mời trong chương trình.

 Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Nhu cầu của khách du lịch rất đa dạng, có những người họ muốn thiên về thiên nhiên, có người thiên về văn hóa, nhưng cũng có người thiên về hưởng thụ.

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của TS. Đặng Hoàng Giang. Nhu cầu của khách dù thế nào đi chăng nữa, khi cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách, cũng phải tuân thủ theo pháp luật. Tức, pháp luật cho phép hoặc không cho phép làm việc đó,  chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của khách.

Hiện nay, trên thế giới, những nước càng văn minh có trí thức cao, họ có ý thức trách nhiệm với môi trường. Đó là môi trường xã hội, cũng như môi trường văn hóa của dân cư, ở nơi họ đến du lịch. Nên họ sẽ  không đòi hỏi gì ngoài khả năng cung cấp của điểm đến đó.

Tuy nhiên,  một số du khách cũng có nhu cầu đòi hỏi ở những dịch vụ sang trọng hơn. Chúng ta cũng nên tôn trọng nhu cầu của khách, và nhìn nhận việc có thể đáp ứng theo quy định của pháp luật, thì cũng có thể đáp ứng.

Ví dụ, có một số khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, được xây dựng nội thất sang trọng, nhưng  bên ngoài vẫn phù hợp với cảnh quan, vẫn hòa mình vào thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên. Vì vậy, có thể hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đó. Một mặt, cũng phải đáp ứng được quy hoạch, bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Khi nói về nhu cầu của khách có hai loại. Một là khách trong nước, hai là khách nước ngoài.

Trước hết, nói về khách trong nước, tôi khẳng định, nếu tình hình tăng trưởng kinh tế như thế này, thì nhu cầu du lịch càng ngày càng tăng.

Đối với khách nước ngoài, phụ thuộc nhiều yếu tố. Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là ổn định về mặt chính trị, an toàn, chất lượng môi trường. Rõ ràng, nếu tình hình này, thì Việt Nam vẫn sẽ tăng khách du lịch.

MC Mỹ Hạnh: Thưa PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nếu không bảo vệ tốt môi trường, cảnh quan, nhiều điểm du lịch, thì trong tương lai việc phát triển du lịch sẽ rất khó khăn, nhìn nhận một cách ngắn gọn nhất, những năm qua, ông thấy thực trạng của việc này cụ thể ra sao?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Có hai vấn đề. Một là, nếu chất lượng môi trường của chúng ta không được cải thiện, thì chắc chắn người ta sẽ có sự hạn chế về lượng khách quốc tế.

Thứ hai, vốn tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên tự nhiên, nếu chúng ta không duy trì thì còn đâu nữa. Tôi cho rằng, đó là những vấn đề mà tới đây, chúng ta phải cải thiện rất nhiều.

MC Mỹ Hạnh: Thưa các vị khách, thời gian qua, việc phân cấp cho các địa phương đã và đang đặt ra những vấn đề gì đáng suy nghĩ, qua vụ việc ở Mã Pí Lèng (Hà Giang) như chúng ta đã biết?

{keywords}
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Nó là  minh chứng cho thấy sự yếu kém trong việc quản lý, mà cụ thể là của chính quyền tỉnh Hà Giang. Yếu kém trong chuyện cấp phép, trong việc phải bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.  Ví cảnh đẹp như một cô gái đang ngủ, thì ở đây chúng ta đã đưa một nốt ruồi lên mặt của cô gái đó. Đó là vấn đề về mặt quản lý.

Tôi thấy hiện tượng này xuyên suốt từ địa phương cho đến trung ương, chứ không phải chỉ là lỗi của địa phương. Địa phương có thể tạo ra những lỗ hổng nhỏ trong quản lý, nhưng khi mà lên đến mức trung ương, những rừng quốc gia lớn, quang cảnh lớn, sẽ là những phá hủy mang tính lớn hơn  như Phú Quốc, Sa Pa hay Cát Bà chẳng hạn.  

Cho nên, tình hình chung ở đây là sự yếu kém trong việc ra luật và thực hiện luật. Làm thế nào để  thay đổi hiện trạng này, tôi nghĩ, cần có sự vào cuộc của báo chí, các yếu tố phi nhà nước, xã hội dân sự, người dân địa phương, những tổ chức, những người dân yêu thiên nhiên. Họ mới là người phản biện, nêu vấn đề sớm để vào cuộc.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Trước hết, có thể nói tổng thể, không chỉ trong du lịch mà ở lĩnh vực khác, bên cạnh tăng trưởng kinh tế, chúng ta đang chuyển đổi thế chế. Cứ có động lực thị trường, thì có cầu có cung.

Trong thể chế, chúng ta phải có hành lang pháp lý. Ngay cả luật quy hoạch  chúng ta cũng mới ban hành. Trước đây,  thực ra chưa có luật, đó là vấn đề. Trong du lịch, bây giờ chúng ta phải sửa từ thể chế, quy định của pháp luật.

Thứ hai, vai trò của phân cấp quản lý. Trung ương là cơ quan ra thể chế, ra quy định, ra luật, nhưng địa phương là người thực hiện, thực thi. Nhiều trường hợp thực thi rồi, nhưng người thực thi ấy có hiểu không, nắm bắt được không.

Thứ ba là vai trò giám sát, trong đó có vai trò giám sát của cộng đồng giám sát cơ quan quản lý, giám sát từ trung ương đến địa phương. Cả một hệ thống như thế mới giải quyết được tổng thể.

Cuối cùng, quan trọng nhất, từ cái đó để tạo ra dư luận xã hội, hướng đến cái tốt, bảo vệ môi trường. Mỗi người dân nếu có ý thức tốt, sẽ trở thành văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Chủ trương phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước. Trên thực tế, thể hiện nhiều mặt tích cực như: giảm thiểu thủ tục hành chính, giúp công dân, doanh nghiệp ít phải đi lại xin phép.

Bên cạnh đó,  mặt hạn chế  là việc phân cấp cho các chính quyền địa phương, và thiếu sự giám sát của các cơ quan Bộ ngành, Trung ương. Từ đó, nảy sinh  các vấn đề như: không tuân thủ quy hoạch, không đúng theo chủ trương phát triển. Vì vậy, phải xử lý các hậu quả mất nhiều thời gian, tiền của.

Ví dụ, trong lĩnh vực du lịch chẳng hạn, về khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh,  phía Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch hay Tổng cục Du lịch chỉ quản lý trên lĩnh vực quản lý nhà nước, xây dựng quy hoạch. Nhưng việc triển khai, thực hiện các quy hoạch như thế nào,  giám sát các hoạt động ở các khu du lịch quốc gia hiện nay đang có lỗ hổng.

Thực sự, chúng tôi cũng đã nhận ra vấn đề này, nhưng chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Du lịch cũng chưa được rõ ràng trong việc được quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý quy hoạch, hay quản lý các hoạt động phát triển du lịch, ở các khu du lịch Quốc gia, chưa nói đến các khu du lịch cấp tỉnh.

Giống như TS. Nguyễn Hoàng Giang nói, các khu du lịch Quốc gia hiện nay đã định hình, nhưng mô hình quản lý các khu du lịch quốc gia rất đa dạng. Có địa phương thành lập ra ban quản lý, như mô hình sự nghiệp, có nơi giao cho doanh nghiệp, có nơi là bộ phận tổng hợp, nhưng không được gọi tên chính xác tổ chức như thế nào. Tức, mô hình rất đa dạng, và chính sự đa dạng này có khi lại chồng chéo,  buông lỏng quản lý và không thống nhất.

Như PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đã nói, có một số nơi đã xây dựng, phá vỡ cảnh quan. Có ban quản lý, nhưng ban quản lý làm chưa hết chức năng, nhiệm vụ hoặc ban quản lý không được giao việc đó. Doanh nghiệp, tổ chức khác lợi dụng việc đó, kẽ hở đó, để tự xây dựng lên.

Về lý thuyết, chính quyền địa phương phải quản lý trên địa bàn của mình, nhưng mặt khác, ngành dọc cũng phải có sự quản lý. Tôi nghĩ, trong tương lai, Tổng cục Du lịch sẽ có đề xuất, để nâng cao vị thế kiểm tra, giám sát của mình đối với các khu du lịch quốc gia.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương và PGS.TS Nguyễn Thế Chinh trong chương trình.

MC Mỹ Hạnh: Thực tế cho thấy, du lịch tuy là ngành kinh tế không khói, nhưng nếu chúng ta xâm phạm thiên nhiên, phát triển hạ tầng quá mức, thì không những đánh mất lợi thế, mà còn phải trả giá cực đắt, các vị khách có thể nêu lên giải pháp, để chúng ta có một ngành kinh tế mũi nhọn thật sự, nhưng cảnh quan, môi trường vẫn được gìn giữ ở mức độ tốt nhất có thể?

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Trước hết, chúng ta phải hoàn thiện khung pháp lý, để thực hiện được cần sự vào cuộc của nhiều nhà chuyên môn.

Thứ hai, về bộ máy giám sát, hiện nay còn yếu, không có, không phân chia rõ ràng ai được phân chia cấp nào, kể cả Tổng cục Du lịch, cũng không có vai trò giám sát đó nên rất đáng quan ngại.

Tôi cho rằng, song song với việc xây dựng bộ máy nhà nước và trao quyền giám sát, cấu trúc giám sát cụ thể hơn cho các cơ quan nhà nước, thì cần phải giao vai trò giám sát cho người dân. Cụ thể là báo chí và các tổ chức xã hội dân sự. Để người dân  ở mọi nơi mọi chỗ, có thể giám sát tốt hơn.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc đến sự minh bạch từ phía nhà nước và các doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Theo tôi, trước hết về thể chế. Về thể chế có ba nội dung chính.

Thứ nhất là pháp luật.

Thứ hai là tổ chức thực thi, là hệ thống từ trên xuống dưới.

Thứ ba là thanh tra, giám sát, phân cấp rõ ở mức nào.

Liên quan đến hạ tầng, chúng ta phải làm lại quy hoạch hoăc bổ sung để đáp ứng được sự phát triển đó mà dự báo được lượng khách.

Cuối cùng là con người, bao gồm nhiều vấn đề: con người cụ thể nhưng kết hợp với công nghệ. Trong tương lai, một xu hướng phát triển mới mà chúng ta thấy là vai trò của khoa học kỹ thuật, là cách mạng công nghiệp 4.0.

Tôi cho rằng, những yếu tố đó là sự đồng bộ của nhiều vấn đề, chứ không thể một vấn đề mà giải quyết được.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Tôi thấy bức tranh của du lịch vẫn sáng sủa. Tôi vẫn tin vào tương lai ngành du lịch sẽ tiếp tục phát triển.

Năm 2019, Việt Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách, trong khi đó,Thái Lan với diện tích tương tích và dân số tương tự, đón được 40 triệu lượt khách.

Số lượng khách quốc tế đến với Việt Nam đông, nhưng còn nhiều cơ hội, để thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa.

Trong quá trình phát triển, nó sẽ nảy sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến yếu tố bền vững, môi trường, cộng đồng chẳng hạn. Vì thế, phải có những điều chỉnh thích hợp, phù hợp, để đón nhiều khách hơn nữa, mà không bị ảnh hưởng đến các di sản văn hóa, cũng như thiên nhiên. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ, cũng như của các Bộ ngành, chính quyền địa phương.

Chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng, mục tiêu phát triển bền vững cũng sẽ được đảm bảo, bên cạnh sự phát triển của ngành du lịch, cũng như các ngành kinh tế khác.

Xin cảm ơn ba vị khách mời đã có đưa ra nhiều ý kiến xác đáng, giá trị trong bàn tròn hôm nay.

Kính chào quý vị và hẹn gặp lại.

VietNamNet