“Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư mở ra bước ngoặt, nhưng đấy không hẳn là bước ngoặt trong tư duy của mọi người. Với hai nước có hệ thống chính trị khác biệt, con đường hợp tác còn dài lắm” – ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ Ban Đối ngoại TƯ Đảng.

>> Xem phần 1:  Hậu trường chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư

VietNamNet giới thiệu phần 2 bàn tròn với ông Bùi Thế Giang và TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao.

Hội chứng Mỹ ở Việt Nam

Nhà báo Việt Lâm: Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói rằng, Tổng thống Mỹ thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN, tôn trọng thể chế chính trị của VN. Độc giả Thanh Hà có câu hỏi: liệu rằng sau chuyến đi này, hội chứng Mỹ ở VN mà ông Bùi Thế Giang vừa đề cập sẽ giảm bớt, sẽ có sự nhận thức lại, tư duy lại về cái gọi là “chiến lược diễn biến hoà bình” lâu nay chúng ta vẫn hay nói hay không?

Ông Bùi Thế Giang: Tôi nghĩ rằng chúng ta có cơ sở để mà hi vọng như vậy. Nhưng nếu cho rằng sau một chuyến đi, mọi thứ sẽ thay đổi, đang từ con gà mà thành phượng hoàng chẳng hạn, thì sẽ là ảo tưởng. Chúng ta là nước theo chủ nghĩa xã hội, là con cháu, học trò của Mác, Ăng -ghen thì chúng ta phải nhớ là nhận thức là một quá trình.

Chuyến đi này, một là khẳng định lại nguyên tắc trong quan hệ với nhau và phần thứ hai, rất quan trọng là xác định nhận thức chung trong việc đi tới.

Có thể như anh Tuấn nói, chuyến đi mở ra bước ngoặt trong quan hệ song phương, trước hết là bước ngoặt trong tư duy. Nhưng đấy không hẳn là bước ngoặt trong tư duy của mọi người và cũng không phải trong tư duy của toàn xã hội.

Tôi cho rằng, tư duy ấy có hình thành, có bước ngoặt đi chăng nữa nhưng chỉ trở thành sự thật nếu hai quốc gia, hai hệ thống chính trị, hai nhà lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị đi được với nhau một cách trọn vẹn. Chứ còn chúng ta phải sống trên mặt trái đất này, phải thực tế. 90 triệu dân VN, 320 triệu dân Mỹ, chuyện có tư duy khác nhau là bình thường. Trong khối 320 triệu ấy vẫn còn nhiều người Mỹ chưa ưng thuận với quan hệ này đâu, chứ đừng nói là để cho nó phát triển, đơm hoa, kết trái. Trong 90 triệu người VN cũng vậy.

Tôi vẫn luôn nhớ câu chuyện của Đại sứ Mỹ kể rằng, khi ông ấy đi vào miền Trung, gặp một bà mẹ có 9 con đã hy sinh. Bà mẹ đã ôm một ông cựu chiến binh Mỹ và nói rằng: ta là bạn với nhau. Anh cựu chiến binh Mỹ ấy đã khóc. Đấy là một bước chuyển lớn của một người dân thường.

Tuy nhiên, người dân thường có tư duy của người dân thường và người dân không thường có tư duy của người dân không thường. Bởi vậy, với hai nước có hệ thống chính trị khác nhau thì con đường chúng ta còn dài lắm.

Tại buổi chiêu đãi Tổng Bí thư ta, Phó Tổng thống Joe Biden đã có phát biểu rất hay. Chúng tôi có đề nghị phía Mỹ cung cấp văn kiện này nhưng bạn trả lời lại là tài liệu này không công bố với báo chí, nên hôm nay tôi không dám trích dẫn ở đây. Nhưng ông Joe Biden có nói đại ý rằng: con đường đi tới của chúng ta còn rất nhiều khác biệt nhưng điều quan trọng là chúng ta tôn trọng sự khác biệt của nhau và đi cùng với nhau.

Điều đó nói lên rằng, đừng bao giờ hi vọng con đường ta đi sẽ bằng phẳng, không có chông gai, sỏi đá gì cả. Bởi thế, để chuyến đi lịch sử này phát huy được vai trò, ý nghĩa của nó thì hai bên còn cần nhiều nỗ lực lắm, kể cả nỗ lực trong quan hệ song phương và nỗ lực vượt qua những rào cản do bên ngoài, bên thứ ba tạo nên.

{keywords}

Ông Bùi Thế Giang là người đóng vai trò tích cực trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Lê Anh Dũng


TS. Hoàng Anh Tuấn: Là người chứng kiến những thăng trầm trong quan hệ đối ngoại của VN và quan hệ quốc tế nói chung, tôi thấy có một điểm chung là mối quan hệ nào lên nhanh thì thường cũng xuống nhanh, thậm chí có trắc trở.

Điều mà tôi thấy khá tâm đắc trong quá trình làm nghiên cứu chiến lược là quan hệ Việt – Mỹ có lúc lên lúc xuống nhưng nếu nhìn cả quá trình sẽ thấy xu hướng là đi lên.

Điểm thứ hai, quan hệ tiệm tiến đó phải được xây dựng trên nền tảng quan hệ khá vững chắc. Tôi rất chia sẻ ý kiến của anh Giang, trong quan hệ Việt –Mỹ ta không chỉ lấy hình tượng của nhà chính trị mà còn lấy hình tượng của người dân, bởi người dân mới là cốt lõi, nền tảng của bất kỳ hệ thống chính trị nào. Nếu một mối quan hệ được cảm nhận bằng chính người dân, được thúc đẩy bằng chính người dân thì quan hệ đấy có nền tảng, có tương lai.

Điều quan trọng hơn cả là giữa VN và Mỹ có tồn tại khác biệt nhưng hai bên không ngần ngại mà thừa nhận các khác biệt này. Qua phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua các trao đổi tiếp xúc lần này, các khác biệt được đề cập một cách hết sức tự tin và thoải mái. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta nhìn thấy sự khác biệt nhưng không để nó cản trở quan hệ. Cả hai bên đều có nhận thức chung như thế, từ đó tìm ra các điểm đồng mà hai bên có cùng lợi ích để thúc đẩy quan hệ về phía trước.

Hợp tác an ninh – quốc phòng


Việt Lâm: Một khía cạnh dư luận rất quan tâm, đó là hợp tác an ninh quốc phòng, đã được đề cập trong Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt –Mỹ. Theo hai ông thì quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng trong thời gian tới, có thể có chuyển biến gì không sau chuyến đi này?

Ông Bùi Thế Giang: Câu hỏi này không liên quan trực tiếp đến chuyến đi nên tôi có nói gì cũng là võ đoán. Nhưng trước khi nói đến chuyện hướng tới tương lai quan hệ Việt – Mỹ thì tôi muốn nhấn mạnh rằng: Trong quan hệ của bất kỳ hai quốc gia nào, quan hệ an ninh – quốc phòng luôn là một trong những quan hệ nhạy cảm nhất và nó thể hiện mức độ gần gũi, tin cậy nhau nhiều nhất.

Ngay trước khi Tổng Bí thư sang Mỹ thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có chuyến thăm VN. Hai nước đã ký Tuyên bố về tầm nhìn chung trong quan hệ quốc phòng. Đây là một văn bản tổng hợp những nguyên tắc trong quan hệ hai bên trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và cũng đề ra tầm nhìn trong tương lai trên cơ sở nguyên tắc mà hai nhà nước đã thống nhất với nhau.

Tuy nhiên, tôi phải nói rằng chúng ta có cơ sở để hy vọng vào mối quan hệ an ninh quốc phòng tốt hơn giữa Việt Nam và Mỹ.

Trước hết, hai bên đều có nhu cầu hợp tác với nhau, ít nhất là trong lĩnh vực chúng ta cùng có lợi ích với Mỹ, ví dụ hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Thái Bình Dương. Nói đến hòa bình, an ninh, ổn định thì không ai có thể nói là chỉ có chính trị, kinh tế, mà khía cạnh an ninh quốc phòng là cực kỳ quan trọng. Những sự biến xung quanh nước ta trong một vài năm vừa rồi cho thấy việc giữ được an ninh, giữ được quốc phòng tốt giúp cho chúng ta có được cơ sở để giữ được hòa bình, ổn định.

Hai là, TNS John McCain là Chủ nhiệm Ủy ban quân vụ của Thượng viện. Là một trong những người bạn lâu năm của VN, chắc ông ấy sẽ quan tâm thúc đẩy hợp tác an ninh – quốc phòng với VN (TNS John McCain là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho VN – NV). Tất nhiên, không phải ông ấy đẩy cái gì chúng ta cũng ừ hết cả. Nhưng nhìn từ khách quan, khi một người bên kia có thiện chí, có khả năng còn chúng ta có nhu cầu thì hai bên có thể cân nhắc một cách thuận lợi.

{keywords}
TS Hoàng Anh Tuấn và ông Bùi Thế Giang

Lẽ dĩ nhiên, chúng ta sẽ phải cân nhắc bởi vì đừng nói là chỉ giữa VN với Mỹ mà bất kỳ hai quốc gia nào cũng sẽ có những khía cạnh nhạy cảm về lợi ích quốc phòng. Vừa rồi, báo chí có nhắc tới chuyện Bộ Ngoại giao Nga có bày tỏ ý kiến lo ngại về hợp tác an ninh – quốc phòng giữa ta và Mỹ. Tôi nghĩ chẳng có điều gì đáng ngại cả, bởi chủ trương của chúng ta từ lúc mở cửa đổi mới đến giờ là đa phương hóa, đa dạng hóa trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả hợp tác an ninh – quốc phòng. Mọi người theo dõi đều thấy Bộ Quốc phòng VN quan hệ với rất nhiều đối tác bên ngoài, đâu phải chỉ với mình Nga, hay Trung Quốc, Mỹ.

Điểm thứ ba, theo tôi chúng ta phải luôn nhớ rằng VN chủ trương không làm phương hại đến lợi ích của nước thứ ba, không nhắm đến kẻ thù nào cụ thể. Như Đảng luôn khẳng định: mục tiêu của chúng ta là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Cho nên, tăng cường quan hệ quốc phòng an ninh với Mỹ cũng là để góp phần vào hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.

Như vậy, chúng ta có cơ sở để tin rằng quan hệ an ninh – quốc phòng Việt – Mỹ sẽ tốt lên, nhưng tốt đến mức nào thì hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng của hai bên, đáp ứng được mục đích của hai bên khi phát triển lực lượng quân sự của mình, khi duy trì quan hệ an ninh quốc phòng với nhau.

TS. Hoàng Anh Tuấn: Khái niệm an ninh quốc phòng trong thế giới hiện nay đang có những thay đổi. Ở đây có hai khía cạnh của khái niệm an ninh – quốc phòng.

Một là ở khía cạnh hẹp thì hợp tác an ninh quốc phòng luôn là điểm nhạy cảm, mấu chốt trong quan hệ đối ngoại của bất kỳ nước nào. Anh có thể hợp tác về chính trị, thương mại khá tốt nhưng chưa chắc quan hệ an ninh quốc phòng đã tốt. Hợp tác an ninh quốc phòng là thước đo, chỉ số đánh dấu sự tin cậy của anh đến mức nào.

Nếu nhìn ở khía cạnh hẹp này thì chúng ta thấy hợp tác an ninh – quốc phòng giữa VN và Mỹ tiến triển tương đối chậm so với các lĩnh vực khác. Năm 1995, hai nước bình thường hoá quan hệ. 5 năm sau, hai bên ký kết Hiệp định Thương mại song phương và 6 năm sau nữa thì ký tiếp Quy chế Bình thường hoá quan hệ vĩnh viễn PNTR để mở đường cho VN vào WTO. Thế nhưng về hợp tác an ninh – quốc phòng thì phải đến 2011 chúng ta mới ký được bản ghi nhớ, thấp hơn nhiều so với thỏa thuận trong mức độ các văn bản chính trị. Bốn năm sau, nhân dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang VN, hai nước mới nâng cấp bản ghi nhớ thành Tuyên bố về tầm nhìn chung giữa Việt Nam –Hoa Kỳ về hợp tác quốc phòng, trong đó có 5 lĩnh vực hợp tác. Như vậy, hai bên phải mất một thời gian dài để đạt được tiến bộ nhưng mất thời gian ngắn hơn để chuyển hóa được sự hợp tác.

Nếu nhìn ở khía cạnh rộng hơn thì phải đặt mối quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng trong mối liên quan với các nhân tố khác, chẳng hạn như yếu tố kinh tế, chính trị và chiến lược của hợp tác an ninh quốc phòng. Ví dụ, TPP không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, về thương mại mà còn có ý nghĩa về mặt chiến lược nữa. Hay về mặt chiến lược, hợp tác an ninh quốc phòng Việt – Mỹ không chỉ ở cấp độ song phương mà còn ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

{keywords}
TS Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: Lê Anh Dũng


Ông Bùi Thế Giang: Anh Tuấn nói rất chính xác về tính chiến lược của an ninh quốc phòng. Tôi xin bổ sung là an ninh quốc phòng không chỉ hiểu theo nghĩa truyền thống mà còn có yếu tố an ninh phi truyền thống. Đây là vấn đề mà mọi quốc gia phải đương đầu. Là một trong những nước chịu tác động nhiều nhất của nước biển dâng, đối với VN thì vấn đề cứu hộ, cứu nạn, thích nghi với biến đổi khí hậu là những chuyện rất hệ trọng.

Cho nên, trong tuyên bố về tầm nhìn chung Việt –Mỹ vừa rồi, an ninh quốc phòng được đề cập toàn diện. Không ai có thể có ý gì được khi tuyên bố viết: xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, hợp tác an ninh hàng hải, nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, thương mại quốc phòng, chia sẻ thông tin, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và đặc biệt trao đổi công nghệ quốc phòng. Đặc biệt vế sau mới là quan trọng, hai nước hoan nghênh những nỗ lực chung nhằm xử lý những hậu quả sau chiến tranh bao gồm nhiệm vụ nhân đạo là tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, rà phá vật liệu chưa nổ, tẩy rửa chất độc đioxin và hỗ trợ hơn nữa với những nỗ lực nhân đạo này.

Tôi xin nói là chúng ta nhìn khái niệm hợp tác an ninh quốc phòng rộng hơn rất nhiều so với tư duy thông thường và tư duy truyền thống. Điều này cũng thể hiện bước tiến về chất trong quan hệ song phương Việt –Mỹ trong chuyến đi vừa rồi.

  • VietNamNet

    (còn nữa)