Bác sĩ giật mình vì bị… chôm tên

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - kể một nữ bệnh nhân khám ở khoa này cho biết, thường xuyên theo dõi các bài viết của bác sĩ Vân Thanh trên blog về giảm cân và chị này đang dùng sản phẩm giảm cân đó. Nghe tin, bác sĩ Vân Thanh vô cùng ngạc nhiên, nghĩ rằng bệnh nhân nhầm mình với ai đó, bởi mình chưa từng quảng cáo thuốc giảm cân. 

Đủ kiểu quảng cáo bán thuốc chữa bệnh trên mạng
Đủ kiểu quảng cáo bán thuốc chữa bệnh trên mạng

Trong một hội thảo khoa học mới đây, bác sĩ Vân Thanh tiếp tục giật mình khi một đồng nghiệp đùa rằng bác sĩ Thanh dạo này không chỉ quan tâm phát triển chăm sóc da mà còn lấn sang cả thẩm mỹ. Hỏi kỹ, bác sĩ Vân Thanh mới biết mình đã bị “mượn” hình ảnh, tên tuổi để quảng cáo sản phẩm giảm cân. “Đọc các bài viết trên mạng, đồng nghiệp còn tưởng do chính tôi viết thì người dân bị gạt cũng là điều dễ hiểu” - bác sĩ Vân Thanh nói. 

Gõ từ khóa tìm kiếm tên mình trên mạng, bác sĩ Vân Thanh thấy một blog chuyên đăng các bài viết về chăm sóc sắc đẹp và sử dụng hình ảnh, chức danh của mình. Chị vào mục bình luận gõ “sao lại giả mạo tôi” thì chưa đầy một giờ sau, hình ảnh bác sĩ Vân Thanh được đổi thành hình một cô gái khác nhưng vẫn giữ nguyên các bài viết và tên tuổi tác giả (bác sĩ Lê Thái Vân Thanh).

Bác sĩ Vân Thanh đã nhắn tin trong phần bình luận của blog trên, nhờ học trò và đồng nghiệp nhấn nút báo cáo (report) nhưng blog này vẫn tồn tại. Đến nay, bác sĩ Vân Thanh vẫn chưa biết dùng cách nào để chấm dứt được tình trạng mạo danh này. Theo bác sĩ Vân Thanh, việc mạo danh này không chỉ tổn hại uy tín của chị mà còn có thể gây tổn hại kinh tế và sức khỏe của người khác, bởi không rõ chất lượng thuốc thế nào.

Mới đây, vào cuối tháng 12/2020, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cũng bị lợi dụng tên tuổi để biến thành người bán thuốc tăng chiều cao, trị bệnh tiểu đường trên mạng xã hội Facebook. Trước đó, hình ảnh của ông từng bị nhiều trang mạng sử dụng để bán siro trị ho. Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ, cũng bị tư vấn viên của một trang web mượn danh để quảng cáo sản phẩm ngăn ngừa rụng tóc. 

Đe dọa tính mạng người dùng 

Bác sĩ Trần Đỗ Lan Phương - Trưởng khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết khoa này thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do dùng thuốc gia truyền, thuốc không nguồn gốc, được mua theo lời quảng cáo trên mạng. Trong đó, có bệnh nhân bị nhiễm toan axit lactic, dẫn đến suy đa tạng, tính mạng nguy kịch. 

Bác sĩ Trần Đỗ Lan Phương khám bệnh cho bệnh nhân đái tháo đường
Bác sĩ Trần Đỗ Lan Phương khám bệnh cho bệnh nhân đái tháo đường

Theo bác sĩ Lan Phương, một số bệnh nhân tiểu đường đang điều trị bằng thuốc tây nhưng đã chuyển sang dùng “thuốc gia truyền” sau khi nghe truyền miệng hoặc xem quảng cáo trên mạng xã hội YouTube. Có những bệnh nhân nhập viện mang theo bịch thuốc to không nhãn mác với những viên xanh, đỏ, vàng rất bắt mắt hoặc mang thuốc có xuất xứ nhưng là loại thuốc đã bị thu hồi.

Bác sĩ Lan Phương kể: “Khi chúng tôi đưa những thuốc này đi kiểm nghiệm, tất cả đều có chứa chất cấm phenphormin - loại thuốc trị tiểu đường đã bị cấm dùng từ hơn 40 năm trước tại Mỹ. Thuốc này khi uống vài ngày sẽ làm hạ đường huyết nên ai cũng thích, nhưng càng dùng lâu, càng nguy hiểm. Có những bệnh nhân đến bệnh viện trễ khi đã hôn mê, suy đa tạng, phải lọc máu, có bệnh nhân đã tử vong”. 

Bác sĩ Lan Phương cho biết, khoa vừa điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị C. - 60 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói, mệt mỏi sau khi uống thuốc gia truyền mua trên mạng. Chưa đầy một giờ sau nhập viện, bà C. bị khó thở, tụt huyết áp. Bác sĩ Lan Phương nghi ngờ bệnh nhân uống thuốc trôi nổi, có chứa chất phenphormin nên truy hỏi.

Tiểu Đường Hoàn là loại thuốc từng gây tử vong nhiều người, đã bị thu hồi nhưng người dân vẫn mua uống
Tiểu Đường Hoàn là loại thuốc từng gây tử vong nhiều người, đã bị thu hồi nhưng người dân vẫn mua uống

Người nhà bà C. đưa ra bịch thuốc hơn 100 viên, không có nhãn mác, viên trần với ba màu xanh, đỏ, vàng. Bà C. cho biết, thấy trên mạng quảng cáo là thuốc gia truyền trị dứt hẳn bệnh tiểu đường, bà mua hộp 300 viên với giá 420.000 đồng, ngày uống hai lần, mỗi lần năm viên, uống chừng mười ngày thì thấy đường hạ, không cần ăn uống kiêng khem như trước nên bà bỏ luôn thuốc tây. Bà uống được một năm, bỗng một tháng nay, bà thường bị đau bụng, nôn ói, mua thuốc uống cũng không hết. 

Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ kết luận bà C. bị suy gan, suy thận, chỉ định phải hồi sức, lọc máu liên tục, nhờ đó mới cứu được tính mạng bà. Theo bác sĩ Lan Phương, nếu bà C. được đưa đến bệnh viện trễ, sẽ tử vong. Đã có những trường hợp tương tự không qua khỏi do tình trạng nhiễm toan máu của chất phenphormin với tỷ lệ tử vong lên đến 50%. 

Ngoài đái tháo đường, yếu sinh lý là loại bệnh mà bệnh nhân thường mua thuốc qua mạng. Thạc sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) - cho biết khoa từng tiếp nhận nhiều trường hợp bộ phận sinh dục bị phồng rộp, hoại tử do dùng thuốc gia truyền dạng uống, bôi, được mua qua mạng.

Mãnh Hổ Vương là thực phẩm chức năng nhưng được quảng cáo như thuốc chuyên trị yếu sinh lý
Mãnh Hổ Vương là thực phẩm chức năng nhưng được quảng cáo như thuốc chuyên trị yếu sinh lý

Bác sĩ Tiến Dũng kể: “Khoa đã tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc không đúng với bệnh lý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan sinh dục nam. Có những trường hợp dị ứng thuốc bôi chống xuất tinh sớm nên bị phồng rộp da, tổn thương da vùng kín. Chúng tôi phải cắt lọc và ghép da cho họ. Có trường hợp cấp cứu do hạ huyết áp sau khi dùng thuốc điều trị rối loạn cương không đúng chỉ định”.

Không kiểm soát chặt sẽ còn… “tiền mất tật mang”

Trên mạng xã hội (YouTube, Facebook), nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là thuốc dưới tên gọi “thuốc gia truyền”, được quảng cáo rầm rộ với mật độ dày đặc, trong đó mượn mác người nổi tiếng, bác sĩ và cả những bệnh nhân “nhờ uống thuốc này mà bệnh khỏi hẳn”. 

Dạo một vòng các trang trên Facebook, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi bỗng thấy người quen của mình trở thành người bán thuốc chữa bệnh trĩ, bệnh gout, viêm loét dạ dày, ngừa đột quỵ… với lời tư vấn chắc nịch: “Uống một hộp, sẽ đánh bay tiểu đường”, “Chỉ một hộp, giảm 10kg”.

Hỏi kỹ mới biết, những “dược sĩ cõi mạng” này cũng chỉ nghe công ty, đại lý phân phối tuyên truyền như vậy, còn bản thân không biết đây chỉ là thực phẩm chức năng, không phải thuốc chữa bệnh. “Chân rết” của các sản phẩm này ngày càng lớn mạnh theo tỷ lệ chiết khấu, và bệnh nhân là người lãnh đủ, cả về tiền bạc lẫn sức khỏe, tính mạng. 

Bác sĩ Trần Đỗ Lan Phương lắc đầu: “Hiện nay, có quá nhiều quảng cáo thuốc chữa bệnh trên Facebook, YouTube nhưng không ai biết chất lượng thế nào, trong khi có nhiều bệnh nhân uống thuốc mua qua mạng khiến bệnh nặng hơn, có người còn mất mạng, rất đau lòng”. 

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cũng cho rằng, nếu không kiểm soát chặt chẽ kiểu quảng cáo thổi phồng công dụng tràn lan trên mạng, sẽ có nhiều người chịu cảnh tiền mất tật mang. Bác sĩ Tiến Dũng lưu ý: “Ngay cả thuốc bổ vẫn có những mặt tiêu cực khi sử dụng; nếu dùng liều cao, sẽ có những phản ứng phụ như tạo sỏi thận, tăng áp lực nội sọ gây nhức đầu kéo dài, kích thích đường tiêu hóa… Do vậy, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cũng phải cẩn trọng. Phải đi khám bệnh, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ; không nên mua thuốc trên mạng và tự ý dùng vì có thể nguy hiểm tính mạng”. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết kiểm tra nhưng những quảng cáo sai sự thật, gian dối, lừa người tiêu dùng vẫn tràn lan trên mạng xã hội. Ông Phong khẳng định: “Những quảng cáo biến thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành “thần dược” đều là lừa dối người tiêu dùng. Cục không bao giờ cấp phép cho những quảng cáo kiểu “vĩnh viễn chữa khỏi” hay có những cụm từ như trên trong giấy phép quảng cáo”. 

Ông Phong cũng cho biết, những mẩu quảng cáo “Nhà tôi ba đời chữa sỏi thận” hay các quảng cáo về thuốc Đông y gia truyền chữa huyết áp, viêm gan trên YouTube không thuộc lĩnh vực quản lý của Cục An toàn thực phẩm mà thuộc đơn vị khác. 

Việc quản lý, cấp phép lưu hành thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng hay cấp phép quảng cáo được quy định khá chặt chẽ. Cụ thể, thuốc chữa bệnh do Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp phép; thực phẩm chức năng do Cục An toàn thực phẩm cấp phép; quảng cáo sẽ do Bộ hoặc Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép, quản lý. Tuy nhiên, việc quảng cáo trên mạng xã hội có vẻ đang bị bỏ ngỏ. 

Theo các chuyên gia về y học cổ truyền, để không bị lừa, cần tránh mua những loại thuốc “chữa dứt tiểu đường”, “hết ngay đau nhức”vì thuốc Đông y không có hiệu quả tức thì mà cần có thời gian. Hơn nữa, thuốc không thể chữa khỏi những bệnh mạn tính, nên quảng cáo chữa khỏi, chữa dứt là sai sự thật. 

Website của Cục An toàn thực phẩm thường xuyên cập nhật việc xử phạt vi phạm hành chính của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã xử phạt hàng chục cơ sở với tổng tiền phạt gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù bị xử phạt, các sản phẩm trên vẫn tiếp tục được quảng cáo và bán rầm rộ trên mạng. 

Theo Phụ nữ TP HCM