Hiện nay, thuốc gia truyền được chào bán rất nhiều trên các trang mạng xã hội (MXH). Với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng, người mua dễ dàng mua thuốc gia truyền chữa nhiều loại bệnh. Tình trạng này là rất đáng lo ngại vì chất lượng thuốc không được kiểm chứng trong khi cơ quan chức năng khó kiểm soát các vi phạm.

Qua theo dõi, có tới hàng nghìn trang mạng quảng cáo bán các loại thuốc gia truyền, từ thuốc chữa đau dạ dày, thuốc tăng cân, thuốc xương khớp đến thuốc trắng răng, đẹp da, chữa hiếm muộn, thuốc bảo vệ “hạnh phúc gia đình”... Loại thuốc nào cũng quảng cáo, bài thuốc gia truyền của mình được bào chế “từ thảo dược quý hiếm”, “không độc hại với cơ thể”, “không hết bệnh hoàn lại tiền” đi kèm hình ảnh người bệnh đã khỏi với lời cảm ơn, địa chỉ, số điện thoại.

Đối với người bệnh, chỉ cụm từ “gia truyền” đã chiếm được niềm tin, cộng thêm những phản hồi của người đã khỏi bệnh, sự tận tình hỏi han về biểu hiện bệnh, nhận tư vấn 24/24 giờ của người bán, nhiều người, nhất là những người mới tiếp cận MXH đã bỏ ra hàng triệu đồng mua về mà không cần tìm hiểu thuốc gia truyền thật hay giả.

left
center
right
del
 Một trang facebook quảng cáo thuốc trị mụn gia truyền.

Bác tôi ở quê cũng là một trong số đó. Cứ mỗi lần lên mạng, thấy ai quảng cáo gì bác tôi cũng tin rồi tìm cách liên hệ để mua, nhất là những loại thuốc gia truyền. Mới đây thấy tôi về quê, bác mang số vỏ thuốc đông y gia truyền chữa đau xương khớp đã dùng hết ra nhờ xác minh giúp. Trò chuyện với tôi, bác cho biết, đã mua số thuốc này qua một tài khoản facebook, giá trị gần 3 triệu đồng và uống hết mà không thấy kết quả như quảng cáo.

Tìm theo địa chỉ ghi trên vỏ thuốc ở đường Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội), tôi không thấy một nhà thuốc gia truyền trị xương khớp nào mà chỉ là cửa hàng sửa điện thoại. Tôi gọi điện theo số ghi trên facebook và đề nghị được đến khám, mua thuốc thì chủ Facebook cho biết hiện giờ không ở nhà. Sau đó, người này hỏi về tình trạng bệnh khớp, rồi giải thích qua loa, không hẹn ngày đến thăm khám, nhưng lại hướng dẫn tôi có thể gửi tiền qua bưu điện hoặc qua tài khoản, thuốc sẽ được ship đến tận nhà. 

Ngoài những trang facebook, zalo tự xưng là thuốc gia truyền thì hiện nay ngày càng đông những “đại lý”, “nhà phân phối”, “nhà tư vấn”, những người không có chuyên môn cũng bán thuốc gia truyền. Ở quê tôi, có chị thợ may rỗi việc, nhưng không biết học nghề ở đâu mà bỗng trở thành người bán thuốc gia truyền kiêm tư vấn. Họ quảng cáo lấy thuốc trực tiếp từ các cơ sở của người dân tộc Mường, Mông, Sán Dìu… và đều cam kết khỏi 99%.

Nhẩm tính, trong bạn bè facebook, zalo của tôi và những người bạn cũng không hiếm “nhà phân phối” kiểu đó. Họ xem việc bán thuốc là “nghề tay trái hái ra tiền” nên dù chẳng hiểu gì về bài thuốc nhưng cũng không ngần ngại quảng cáo mà không nghĩ đến tác hại đối với sức khỏe người dùng. Hầu hết những thang thuốc gia truyền kiểu này được bảo quản trong túi nilon hoặc chai, lọ, chỉ ghi tên thuốc, không ghi thành phần và giá cũng không hề rẻ. Không ít người tiêu dùng cho biết, điều thuyết phục nhất đối với họ là đọc những phản hồi tốt của người dùng đã khỏi bệnh nên sẵn sàng kể bệnh cho thầy thuốc online và mua thuốc về sử dụng mà không cần bắt mạch, kê đơn.

Trao đổi với chúng tôi, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết: “Một trong những điều kiện cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, người thừa kế phải hiểu cụ thể về thành phần thuốc, bài thuốc, cách sử dụng, liều dùng, chỉ định, chống chỉ định của bài thuốc và biết chẩn đoán bệnh. Đông y phức tạp hơn Tây y là sau khi bắt được bệnh rồi thì dùng bài thuốc nhưng liều lượng khác nhau vì còn căn cứ tính hàn hay nhiệt, thể trạng, lứa tuổi của người bệnh. Điều này lương y sau khi bắt mạch, thăm khám cụ thể mới biết được, càng không thể qua “nhà phân phối kiêm tư vấn” trên facebook, zalo để sử dụng thuốc”.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực y, dược cổ truyền, việc tìm hiểu đối tượng trên MXH bán thuốc có đúng là thuốc gia truyền hay không là rất khó, vì nhiều tài khoản xã hội không ghi địa chỉ nên cơ quan chức năng khó gặp được đối tượng để yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận “gia truyền”. Mặt khác, các đối tượng nếu làm giả thường làm bằng những hợp chất, rễ cây vô hại, nên người bệnh khi dùng chỉ không có kết quả, chứ không gây hậu quả nghiêm trọng nên khó có thể xử lý người bán. Thế nhưng thực tế, kể cả việc dùng “thuốc” không tác dụng cũng là tội ác, vì ngoài moi tiền của người bệnh thì có những bệnh cần điều trị trong "giai đoạn vàng" lại bị bỏ qua chỉ vì đã lỡ tin dùng thuốc gia truyền rởm.

Thuốc gia truyền không bảo đảm chất lượng và tình trạng ai cũng có thể trở thành “đại lý thuốc”, “nhà phân phối” trên mạng là mối nguy của xã hội. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý truyền thông, Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Thanh tra Bộ Y tế, đơn vị cấp chứng chỉ hành nghề cần tăng cường tuyên truyền và phối hợp tích cực, cùng rà soát, có những biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh. Thuốc gia truyền quảng cáo trên MXH hiện nay có phần “thật giả lẫn lộn”, do đó mọi người dân khi có nhu cầu thì nên tìm những cơ sở uy tín, đến tận nơi thăm khám, tránh chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Theo Báo điện tử Quân đội Nhân dân