Các chủ shop liên tục bán hàng qua hình thức phát hình trực tiếp (livestream) với những lời mời hấp dẫn, giá thành giảm sâu “rẻ bất ngờ” để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, niềm tin và quyền lợi của người tiêu dùng.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện xưởng “pha chế” mỹ phẩm, nước hoa giả.

Mỹ phẩm giả sản xuất từ công nghệ xô chậu

Mới đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã bắt tại trận một xưởng sản xuất ở thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội đang sang chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Coco Chanel, Pink Lady Shower… Đáng chú ý, nhiều sản phẩm còn được sản xuất từ nhiều nguyên liệu hóa chất trôi nổi, đựng trong các xô, chậu.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở Hàn Quốc, Pháp... Chủ cơ sở sản xuất trên chưa xuất trình được bất cứ chứng từ, hóa đơn liên quan đến các nguyên liệu sản xuất và hàng hóa trên. Ước tính ban đầu giá trị hàng hóa tại cơ sở lên đến hàng tỷ đồng.

Trước đó, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) cũng thu giữ gần 2.300 sản phẩm các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và các loại hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci, Boss, Levis, Chanel tại cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại số 463 đường Phúc Diễn, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.

Trong khi đó, vào ngày 15/6, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Ninh Bình) khám và tạm giữ nhiều hóa mỹ phẩm vận chuyển trên xe ôtô tải mang biển kiểm soát 79C-042.34 do ông Nguyễn Văn Lợi (địa chỉ: Suối Hiệp, Diên Khánh, Khánh Hòa) điều khiển chạy trên tuyến quốc lộ 1A hướng từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh.

Qua quá trình khám phương tiện, lực lượng chức năng đã phát hiện xe đang vận chuyển hàng nghìn sản phẩm gồm: 60 hộp mỹ phẩm Jior niee loại 250g/hộp; 144 lọ nước hoa Karri loại 30ml/lọ; 65 hộp mỹ phẩm LANEIGE loại 3g/hộp; 100 túi bông tẩy trang cotton PADS; 1.000 gói mặt nạ dưỡng da do nước ngoài sản xuất; 150 hộp mút tẩy trang không nhãn hàng hóa; 4.320 gói dầu gội đầu Dove loại 6g/gói; 4.320 gói dầu gội đầu Clear loại 6g/gói; 143 tuýp kem đánh răng Closeup loại 180g/tuýp; 144 tuýp kem đánh răng P/S loại 190g/tuýp.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Văn Lợi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Tại Lạng Sơn, ngày 15/6, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn) chủ trì, phối hợp với Đội 389 tỉnh Lạng Sơn tổ chức khám phương tiện vận tải kiểm tra hàng hóa đang vận chuyển trên xe ôtô loại 16 chỗ, biển kiểm soát 19B-016.52, phát hiện trong xe ôtô có cất giấu 1 loại hàng hóa thuộc nhóm hàng mỹ phẩm có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam gồm 980 bộ son môi nước ba mầu (3 thỏi/bộ) loại 22g/thỏi có tổng trị giá ước theo giá thị trường khoảng 49.000.000 đồng.

Lái xe là Nguyễn Minh Nam (SN 1980), có địa chỉ thường trú tại phường Tân Dân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ không xuất trình được hóa đơn chứng từ, giấy tờ liên quan đến toàn bộ số hàng hóa đang vận chuyển.

Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cũng vừa xử phạt một chủ tài khoản bán mỹ phẩm lậu qua facebook. Cục QLTT tỉnh Nghệ An tịch thu lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gồm 1.200 mặt nạ dưỡng da, 280 lọ kem chống nắng với tổng trị giá 9.800.000 đồng. Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện, thu giữ trên 1.200 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu...

Tránh ham rẻ, tiền mất tật mang

Những vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện nêu trên là lời cảnh báo tình trạng mỹ phẩm giả, hàng hiệu giả đang đe dọa nghiêm trọng đến người tiêu dùng. Đây là những mặt hàng siêu lợi nhuận nên không ít doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đã bất chấp chạy theo lợi nhuận sản xuất, nhập lậu, tiêu thụ tiếp tay cho hàng giả, hàng không có nguồn gốc, coi thường sức khoẻ của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện, xử lý vi phạm còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi.

Theo chuyên gia về da liễu, những trường hợp dùng phải mỹ phẩm giả đa phần sẽ bị dị ứng, kích ứng vì có thể trong mỹ phẩm đó chứa những chất độc với cơ thể, gây tổn hại da.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội, trong tình hình dịch COVID-19, mua hàng online được xem là xu thế, hình thức bán hàng qua livestream đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng chuẩn như những lời quảng cáo. Trong hàng ngàn các mặt hàng kinh doanh, mua bán trên mạng xã hội thì thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng dễ bị lừa, mua phải hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp, trang cá nhân trên mạng xã hội không chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin, quảng cáo hàng hóa sản phẩm, bán hàng không đảm bảo chất lượng rất phổ biến.

Tình trạng livestream quảng cáo bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngày càng nhiều; việc phát hiện, ngăn chặn các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn do tính chất linh hoạt của trang điện tử, mạng xã hội là dễ dàng đăng phát nhưng cũng dễ dàng gỡ bỏ, giúp đối tượng xóa bỏ dấu vết, chứng cứ.

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, cần bổ sung và hoàn thiện pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái, trong đó có hành vi bán hàng giả thông qua kênh online.

Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tối đa từ 50 - 70 triệu đồng tùy trường hợp hàng giả, tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Riêng kinh doanh hàng mỹ phẩm giả thì người bán có thể bị xử phạt lên đến 100 - 140 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Như vậy, quy định mới đã tăng mức xử phạt hành chính lên gần gấp 2 lần so với mức phạt trước đây đối với sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả.

Trước “ma trận” hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, Tổng cục QLTT khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, người bán, đặc biệt khi mua hàng trên mạng internet để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang bày bán trôi nổi để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, lại vô tình tiếp tay cho các đối tượng bán hàng gian, hàng giả.

Theo Công an Nhân dân