Ngày 22/5, Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ 368), Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt ra quân và tiến hành kiểm tra tại 6 tụ điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm thuộc quận 1 và quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục ngàn mặt hàng có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, LV…, hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm có dấu hiệu làm nhái, làm giả các thương hiệu quốc tế.

Cụ thể, điểm kinh doanh Phương Hà I (địa chỉ số 58 Hàm Nghi, quận 1) kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng các loại... phát hiện 2515 sản phẩm, Tổng trị giá hơn 105,6 triệu đồng; tại điểm kinh doanh Phương Hà II (địa chỉ 69-71 Hàm Nghi, quận 1) kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng các loại... Với 6559 sản phẩm. Tổng trị giá hơn 136 triệu đồng.

Tại điểm kinh doanh YuMe Fashion (địa chỉ số 407/1 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10) kinh doanh túi xách, thắt lưng, ví, quần áo, đồng hồ...; điểm kinh doanh Taga (địa chỉ số 407/1 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10) kinh doanh trang sức, giày dép...; điểm kinh doanh Việt Hằng (địa chỉ 237 Lý Tự Trọng, quận 1); tại điểm kinh doanh Thủy Ngân (địa chỉ 114 Tôn Thất Đạm, quận 1) kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng các loại, nước hoa... Với 5267 sản phẩm. Tổng trị giá gần 402 triệu đồng

Tổng số hàng phát hiện tại các cơ sở này không đảm bảo chất lượng, thương hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu lên tới 20.876 sản phẩm, có trị giá hơn 877 triệu đồng, là một số tiền rất lớn theo nhận định của cơ quan chức năng.

Theo cơ quan quản lý thị trường, các cơ sở kinh doanh này đã lợi dụng mạng xã hội, Internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm trên trong một thời gian dài. Chủ các cơ sở này thừa nhận dùng những hình thức phổ biến như livestream trên Facebook để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua. Người tiêu dùng dường như không thể biết được mình đang xem và mua phải những hàng giả nhãn hiệu lớn. Thậm chí có cửa hàng còn quảng cáo nhận ship loại hàng giả này đi toàn thế giới.

Các đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ số hàng hóa vi phạm, tiếp tục các biện pháp nghiệp vụ để xử lý theo thẩm quyền. Để có được kết quả nêu trên là sự triển khai đồng bộ, phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường từ Trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, ngăn chặn việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng tại Hà Nội đã đồng loạt ra quân đợt đầu tiên kiểm tra, phát hiện hơn 2.370 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng tại phố Cổ, Hà Nội thu giữ gần 2400 sản phẩm nhái hàng hiệu.

Cụ thể, ngày 21/5/2020, trong ngày đầu ra quân, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 và Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất tại 7 điểm nóng hàng Ngang, hàng Điếu, hàng Bông, hàng Cân, Hai Bà Trưng, Hàng Cá, Hàng Đường, phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 2.373 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng và hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá.

Trong đó có 1.626 sản phẩm túi xách, ví da, phụ kiện thời trang, thắt lưng, quần, mũ, dép, áo sơ mi, giầy, xăng đan có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Burrbery, Lacost, Fendi, Nike, Adidas, Gucci, Chanel, LV, Hermes, Dior, Valentino, Ferragamo, LV, Salvatore Ferragamo, Goyard, Louboutin, Lascote, Versace, Polo, Calvin Klein, Montblanc và 748 sản phẩm quần áo, mỹ ký, dây lưng không có hóa đơn, chứng từ.

Kiểm tra tại cơ sở kinh doanh số 111 Hàng Bông, Đoàn kiểm tra tạm giữ 214 sản phẩm trang sức, giày, túi, ví, khăn có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Chanel, Dior, LV, Hermes, Salvatore Ferragamo, Goyard, Louboutin....

Tại số 23 Hàng Ngang, tạm giữ 565 sản phẩm bao gồm áo, quần, mũ, dép, áo sơ mi có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Burrbery, Lacost, Fendi, Nike, Adidas, Gucci.

Tại điểm kinh doanh số 46 Hàng Cân tạm giữ  174 sản phẩm gồm hàng hóa túi, ví dây lưng, dép, giầy, có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Louis vuitton; Dior; Chanel; Harmes; Gucci.

Tại số 3 Hàng Điếu lực lượng chức năng tạm giữ 171 sản phẩm bao gồm Túi, ví, áo, phụ kiện thời trang, thắt lưng có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Burrbery, Gucci, Chanel, LV, Hermes,. Dior, Valentino, Ferragamo, Tại số 71 Hàng Đường tạm giữ 131 sản phẩm gồm 91 sản phẩm dây lưng da do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ, chứng minh và 40 sản phẩm ví da, dây lưng da có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Versace, Polo, Calvin klein, Hermes, Gucci, Montblanc.

Tại cửa hàng số 51 Hai Bà Trưng tạm giữ 634 sản phẩm gồm 124 sản phẩm giầy, xăng đan, dép, mũ, túi xách... có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Chanel, LV, Gucci, Hermes và 510 sản phẩm đồ mỹ ký chưa xuất trình được hóa đơn. Số 27 Hàng Cá tạm giữ 338 sản phẩm quần áo, giầy, dép, thắt lương, túi xách, ví, kính đeo mắt thời trang... có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Channel, LV, Gucci, Hemes, Dior, Lascote, Buberry và 147 sản phẩm quần, áo các loại chưa xuất trình được hóa đơn….

Cơ quan chức năng cho biết qua kiểm tra, tình trạng gian lận nhãn mác, giả mạo thương hiệu mặc dù được lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều hình thức nhưng vẫn gia tăng. Đặc biệt qua đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng nhận thấy kinh doanh trên thương mại điện tử là một mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng khi những lỗi vi phạm phổ biến như thiết lập website thương mại điện tử bán hàng  mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước, không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website...

Cơ quan này cho biết từ nay đến hết năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát gắt gao, quyết liệt đấu tranh phòng, chống các đường dây, ổ nhóm này.

Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục rà soát các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới và các địa phương, địa bàn nổi cộm, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót và đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm QSHTT ngay tại cơ sở.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng khuyến cáo người dân nên tìm đến những địa chỉ uy tín để mua bán hàng hóa, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tránh mua và sử dụng những sản phẩm trôi nổi trên thị trường. 

Theo Đầu tư Chứng khoán