Chỉ vỏn vẹn một mẩu giấy nhỏ ghi chữ "Fom" được dán trên thân lọ nhưng sản phẩm này lại được hét giá tới 15 triệu đồng. 

Tương tự, chị Đặng Thị Thu Tú (Hà Nội) cho biết, sau khi xem quảng cáo trên Facebook chị cũng tìm đến cơ sở làm đẹp của bà Phạm L. Lúc đó bà L. đang ở trong một con ngõ trên đường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Bên ngoài không có biển treo spa nhưng khi bước vào trong chị Tú thấy rất đông học viên theo học. Chủ yếu những người này học phương pháp giống chị Tú để mở spa làm đẹp theo phương pháp của bà L.

"Tôi học phương pháp bấm huyệt cơ bản 16 triệu, một khoá tạo khối thông cơ là 25 triệu. Khi xem họ làm tại đây nhìn thấy có sự thay đổi. Tôi cũng đưa người nhà đến để thử nghiệm một hai lần đầu tiên nhìn thấy có sự thay đổi. Sau đó mình tin mua sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm và khoá học của tôi hết hơn 50 triệu đồng”, chị Tú nói.

Chị Tú cho biết đã mua một số lượng mỹ phẩm về pha chế cho người thân quen sử dụng nhưng bị nổi mẩn nên chị không dám dùng nữa.

Theo chị Tú, quá trình học tại đây được nghe những lời nói 'đường mật' của chủ cơ sở ai cũng tin. Tuy nhiên khi về thử nghiệm trên người nhà và một số khách hàng thì bị nhiễm trùng da.

"Tôi gọi điện thì họ chối bỏ, không chịu trách nhiệm. Sau đó, tôi gọi cho những học viên mình quen biết trong buổi học thì có người cũng bị như mình nên đã dừng không sử dụng sản phẩm này nữa. Tôi rất áy náy sau khi học xong không thấy hiệu quả gì mà thậm chí còn gây hậu quả trên người thân của mình như thế”, chị Tú kể.

Số sản phẩm mua của bà L. với giá 17 triệu đồng chị Tú vẫn đang để ở nhà, không dám sử dụng. Chị bảo, chị quyết định làm đơn tố giác này để mong muốn không ai bị lừa giống mình.

Hình ảnh một khách hàng sau khi sử dụng mỹ phẩm đã bị mẩn đỏ, tình trạng da mặt xấu đi. 

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hương (Nam Định) cho hay, quyết định chi hơn nửa tỷ đồng mua sản phẩm của bà L. về làm đẹp cho cơ sở spa là quyết định sai lầm lớn nhất để danh tiếng của chị bị ảnh hưởng. Cuối năm 2017, thấy phương pháp của bà L. chữa nám qua mạng xã hội, chị Hương đã liên lạc và trực tiếp lên Hà Nội xem cách làm rồi mua sản phẩm. Những lần đó chị Hương đều cho biết giao dịch qua người thân của bà L.

“Lúc lấy sản phẩm này tôi chưa mở spa, sau mới mở làm cho khách, ban đầu làm cho khách rất đẹp, nám bay mất khoảng 50-60%. Thế nhưng thời gian sau vết nám càng thâm và nhiều hơn. Tôi có gọi cho bà L. bà ấy nói do mới hút nám nên bị vậy. Sau nhiều khách đã quay sang bắt đền tôi và tôi phải đền cho họ sản phẩm khác hay làm lại cho khách”, chị Hương nói.

Đại diện một số spa khác cũng cho biết, sau khi thấy trên mạng xã hội xuất hiện một cô gái tên L. trong các buổi livestream giới thiệu mỹ phẩm trộn có công dụng trị nám nên đã tìm hiểu để nhập hàng về phục vụ khách. Tất cả các khách đến với L. đều được học miễn phí khóa ngắn hạn về cách "trộn" mỹ phẩm. Tuy nhiên, sau khi dùng mỹ phẩm nhiều khách hàng đã bị nổi mẩn, thậm chí có khách hàng hỏng toàn bộ "mặt tiền".

Để làm rõ những thông tin phản ánh, PV đã trực tiếp đến cơ sở làm đẹp trên nhưng nhân viên cho biết chủ đã đi công tác ở các tỉnh. Liên hệ qua số điện thoại của chủ cơ sở làm đẹp trên nhưng không ai nghe máy.

Về phía cơ quan chức năng, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, phía Tổng cục có nhận được một số đơn tố giác trình báo về sự việc trên. "Sau khi kiểm tra do liên quan đến ngành hàng mỹ phẩm nên chúng tôi đã trao đổi với bên Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế và Cục chủ trì chính. Nếu Cục Dược nhờ phối hợp kiểm tra chúng tôi sẽ phối hợp liên ngành”, ông Linh thông tin.

Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) sẽ tiếp tục thông tin!

(Tên các nạn nhân đã được thay đổi)

Theo VietQ