Giữa tháng 9, chúng tôi liên tục khảo sát tại Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, TP.HCM… Có một thực tế là những sản phẩm được giới thiệu làm từ ngà voi, móng hổ… được bày bán công khai tại các tiệm vàng bạc, đá quý phong thủy.

“Vào tiệm vàng bạc, đá phong thủy sẽ thấy”

Trên tuyến đường Đoàn Trần Nghiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), chúng tôi ghé vào tiệm vàng NH. Tại đây, ngoài những trang sức kim loại, tiệm vàng còn bán những sản phẩm được giới thiệu làm từ ngà voi như nhẫn, vòng tay… Khi thấy thái độ nghi ngại của chúng tôi, người bán khẳng định: “Này là ngà nguyên ký, ở đây làm nè”, đồng thời chỉ cách phân biệt vòng thật, vòng giả. Theo giới thiệu, nhẫn khoảng 250.000 đồng/chiếc, vòng đeo tay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/chiếc tùy khối lượng ngà của mỗi sản phẩm. Sản phẩm mắc nhất được giới thiệu là vòng tay giá 30 triệu đồng.

Ngoài tiệm vàng này, chúng tôi còn khảo sát nhiều cơ sở kinh doanh nữ trang khác trên cùng tuyến đường Đoàn Trần Nghiệp và thực tế không khó tìm mua những sản phẩm được giới thiệu làm từ ngà voi.

Trước đó chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại nhiều tỉnh, TP: Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… cũng tồn tại thực trạng này. Những sản phẩm được giới thiệu là ngà voi thật từ vài triệu đến cả chục triệu đồng.

Tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang), ghi nhận tại tiệm vàng ĐK (đường Nguyễn Huỳnh Đức) có bày bán một tượng Quan âm được giới thiệu làm bằng ngà voi. Sản phẩm này được bán với giá 25 triệu đồng. Người bán khẳng định là ngà thật, du khách có thể mua để trong ô tô trang trí cho đẹp, thể hiện đẳng cấp, đồng thời mang lại may mắn, tài lộc cho người sở hữu. Tại hiệu cầm đồ SS (đường Hùng Vương), gần trụ sở các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Tiền Giang, cũng bày bán sản phẩm được giới thiệu là chế tác từ ngà voi như vòng tay, nhẫn… Đặc biệt, nếu người mua muốn mua cả khúc ngà, chỉ cần đặt trước 1-2 hôm sẽ có hàng…

Tôi đi mua móng hổ, ngà voi: Toàn đồ giả! - ảnh 1

Nhẫn, tượng Phật… được giới thiệu làm từ ngà voi bày bán công khai. Ảnh: NT

Tôi đi mua móng hổ, ngà voi: Toàn đồ giả! - ảnh 2

Nhẫn được giới thiệu làm từ lông đuôi voi, ngà voi ở chợ Gò Dầu, Tây Ninh.

Tôi đi mua móng hổ, ngà voi: Toàn đồ giả! - ảnh 3

Đồ trang sức được giới thiệu là ngà voi bày bán ở Kiên Giang.

Coi chừng hàng giả, giá thật

Công dụng chỉ là lời đồn, đồ thật hay giả chỉ người bán rõ. Nhưng giá trị thiệt hại thì luôn có thật. Một vòng tay được giới thiệu làm bằng ngà voi có giá dao động 3-4 triệu đến gần cả chục triệu đồng. Cao hổ đúng chuẩn phải tầm vài chục triệu đồng. Móng hổ bọc vàng 8-30 triệu đồng, nanh hổ khoảng 40 triệu đồng là bình thường.

Qua nguồn tin bí mật giới thiệu và thuyết phục, T. (Nghệ An), một người đã lui về ở ẩn sau những năm tháng bán buôn mặt hàng này, mới đồng ý tiếp chuyện. T. cho biết mỗi con hổ sẽ có 20 cái móng và bốn nanh nếu không thương tật. Anh bật mí rất nhiều mặt hàng ngà voi, móng hổ hiện nay thực chất là đồ giả, được chế tác tinh xảo để lừa bịp những thượng đế lắm tiền nhiều của.

“Không phải dân trong nghề rất khó nhận ra. Móng hổ đổ nhựa khuôn vệ sinh đánh vân thành móng, ở Diễn Châu (Nghệ An) có. Trung Quốc là khách mua nhiều nhất. Hàng giả giá nhập chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn. Chỉ thợ mới nhìn được, từ đường vân, đường kẻ…, còn người ngoài không phân biệt được. Thợ bán cho thợ thì giá rẻ, cực rẻ. Thợ bán cho khách thì khác. Nanh thật 20-50 triệu đồng/bộ (bốn cái), nanh giả 1,8-2 triệu đồng/bộ. Móng giả mua chỉ mấy chục ngàn đồng/cái, ra bán cho khách rẻ 2 triệu đến vài chục triệu. Tùy to nhỏ, cong hay thẳng, càng cong thì giá càng đắt” - T. nói.

Ngộ độc vì dùng bột mài từ sừng tê giác

Trước đó, bà Teresa Telecky (Giám đốc bộ phận loài hoang dã, thuộc tổ chức Humane Society International) từng cảnh báo: “Để bảo vệ tê giác, người ta đã tiêm thuốc độc vào sừng của chúng. Do đó, có thể đã có trường hợp người Việt Nam mua phải sừng tê giác tiêm thuốc độc”. Theo bà Teresa, thuốc độc tiêm vào sừng tê giác không gây độc cho loài thú này nhưng lại gây độc hại cho người sử dụng.

Những công dụng kỳ bí từ động vật hoang dã chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ. Rất nhiều người bị ung thư khi uống sừng tê giác mài vẫn chết. Mới đây nhất là câu chuyện đứa trẻ 22 tháng tuổi ở huyện Củ Chi bị ngộ độc do uống bột mài ra từ sừng tê giác.

Cháu bé nhập viện tại BV Nhi đồng 2, cấp cứu trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân. Sau khi thăm khám, chụp X-quang và siêu âm tim, các bác sĩ cấp cứu loại trừ nguyên nhân tim, phổi và lập tức nghi ngờ bé bị ngộ độc. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ methemoglobin gấp 10 bình thường, lên đến 30%. Thông tin từ gia đình cho biết bé có hiện tượng sốt co giật nên sáng cùng ngày gia đình có cho bé uống bột mài ra từ sừng tê giác để chữa cho bé. Uống xong nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí có chiều hướng xấu đi, bé vẫn sốt, các đầu ngón tay bị xanh tím nên cha mẹ bé vội đưa con đi cấp cứu.

Các bác sĩ nhận định bé đã bị tình trạng methemoglobin máu do uống bột sừng tê giác. Ngay lập tức bé được cho thở máy, truyền dịch duy trì dấu hiệu sinh tồn, sử dụng than hoạt tính để hấp phụ độc chất, thay máu và áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ khác. Sau năm ngày điều trị cháu bé mới có dấu hiệu thuyên giảm, môi và các đầu chi đã hồng hào trở lại.

Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có hiệu lực, trong đó quy định cụ thể các chế tài đối với vi phạm liên quan đến ngà voi và sừng tê giác. Theo đó, hành vi vi phạm liên quan đến ngà voi từ 2 kg trở lên (bất kể loài voi) đã đáp ứng dấu hiệu định tội theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự.

Mức phạt tối đa cho vi phạm liên quan đến ngà voi cũng lên đến 15 năm tù giam đối với cá nhân. ENV cho rằng đây là một bước tiến đáng kể, cho thấy quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc đấu tranh với loại tội phạm này.

 BÙI THỊ HÀ, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV)  

Theo Báo điện tử PLTP HCM