Mất 1,2 triệu đồng sửa máy lạnh thành... máy sưởi

Anh Nguyễn Khắc Thủy (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, máy lạnh nhà anh gần đây chập chờn, anh lên mạng tìm thợ sửa của siêu thị điện máy N.K. Kết quả tìm kiếm dẫn đến trang web có tên trungtamdienlanhsg... Truy cập vào website, anh Thủy thấy logo N.K ngay đầu trang nên nghĩ đã tìm đúng trang web của siêu thị điện máy mình cần và gọi điện nhờ thợ sửa chữa đến hỗ trợ.

Sau khi đến nhà kiểm tra máy lạnh, anh thợ báo bộ lọc dàn lạnh bị hư cần phải thay mới với giá 1,2 triệu đồng. Không mảy may nghi ngờ, anh Thủy đồng ý thay, nhưng chỉ sau ba ngày, máy lạnh nhà anh mất hoàn toàn tính năng làm lạnh và phả ra toàn hơi nóng.

Anh Thủy vội liên hệ số hotline 0898... của trung tâm này để khiếu nại, nhân viên tiếp nhận nhưng không có ai đến kiểm tra. Những lần gọi tiếp theo của anh Thủy đều bị nhân viên tắt máy ngang. Anh Thủy không biết khiếu nại ở đâu vì không có hóa đơn, chứng từ.

{keywords}
Một website sử dụng hình ảnh Siêu thị điện máy N.k để thay thiết bị dỏm, lừa đảo khách hàng

Chị Minh Thùy (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) kể, việc mạo danh các trung tâm điện máy không chỉ xảy ra trên mạng mà còn dưới hình thức tờ rơi. Vừa qua, rất nhiều người đem các tờ rơi quảng cáo sửa chữa điện lạnh, điện máy đến tận cửa nhà. Trên các tờ rơi có in địa chỉ các website giống hệt N.K.Địa chỉ trên website mà anh Thủy gọi thợ sửa trùng khớp với trụ sở chính của hệ thống siêu thị N.K trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1). Theo tìm hiểu của chúng tôi, có ít nhất 5 website khác đều lấy địa chỉ na ná siêu thị điện máy N.K kèm logo để chào mời người tiêu dùng sửa chữa máy lạnh, máy giặt... Chẳng hạn, trungtamnguyenkim...., dienmay-hcm...., dienmay24hsg..., hcm-dienmay... 

“Tôi từng liên hệ theo tờ rơi quảng cáo là siêu thị điện máy N.K, có địa chỉ tại Trần Hưng Đạo, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 để sửa chữa máy lạnh. Nhân viên yêu cầu thay mainboard (bo mạch chủ), sạc gas với giá gần 2 triệu đồng. Sau đó máy lạnh nhà tôi gần như trở thành phế liệu. Tôi liên hệ đến số tổng đài in trên tờ rơi phản ánh thì cứ bị tắt máy ngang” - chị Thùy bức xúc.

Theo phản ảnh của nhiều khách hàng, họ cũng trở thành nạn nhân của Đ.M.X với các chiêu thức tương tự. Đặc biệt, gần đây còn rộ lên nhiều fanpage giả mạo Đ.M.X để bán các sản phẩm điện máy, điện thoại giá rẻ, kém chất lượng; hoặc thanh lý các dòng iPhone 5, 6 với giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Không ít khách hàng đã mất tiền bởi các trang này. 

Siêu thị điện máy bó tay? 

N.K hay Đ.M.X nhiều lần thông báo địa chỉ website, fanpage duy nhất của mình nhưng khi khách hàng tìm kiếm trên Google thì website nhái luôn nằm trên top đầu trong kết quả tìm kiếm khiến nhiều người bị lừa.

Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, một số đối tượng lập website, sử dụng hình ảnh và địa chỉ của doanh nghiệp nhằm mục đích mạo danh thương hiệu để làm nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Song để thực trạng nhiều website giả mạo trong thời gian dài vẫn không có biện pháp nào xử lý một phần là trách nhiệm của doanh nghiệp khi không kiên quyết trình báo cơ quan chức năng (Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Sở Công thương, mua tên miền các website bao vây để trả về tên miền chính của doanh nghiệp….) để xử lý, phát đi tín hiệu cảnh báo và yêu cầu chấm dứt hành vi đối với chủ sở hữu các địa chỉ giả mạo. Trường hợp địa chỉ giả mạo vẫn không chấm dứt hành vi, doanh nghiệp có thể khởi kiện.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có 8 quyền được bảo vệ như: Về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản; quyền được cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ; quyền được đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn… Tuy nhiên trong vụ việc này, người tiêu dùng đã bỏ lỡ quyền lợi của mình không không yêu cầu bên sửa chửa cung cấp hóa đơn, chứng từ - để làm bằng chứng khiếu nại khi có tranh chấp.

“Khi có nhu cầu sửa chữa, bảo hành thiết bị, người tiêu dùng nên tham khảo thông tin từ các nguồn tin cậy. Sử dụng các cụm từ “lừa đảo”, “mạo danh” khi tra cứu. Khi thực hiện quyền bảo hành, sửa chữa nên yêu cầu doanh nghiệp lập phiếu tiếp nhận bảo hành, sửa chữa, trong đó phải mô tả đầy đủ chính xác tình trạng sản phẩm tại thời điểm tiếp nhận, thời gian bảo hành. Nếu doanh nghiệp nào không chấp nhận lập phiếu thì kiên quyết nói không với doanh nghiệp này” - luật gia Phan Thị Việt Thu nói.

Theo Phụ nữ TP. HCM