Theo Cục An toàn thực phẩm, 7 loại sản phẩm mà cơ quan y tế của Singapore vừa phát đi cảnh báo có chứa chất cấm không được cấp công bố tại Cục nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 9.2014. Thế nhưng, lạ thay, tại Việt Nam, kẹo sâm "cường dương" có tên Hamer, 1 trong 7 sản phẩm kể trên lại bán tràn lan trên mạng.

Kẹo sâm được quảng cáo có tác dụng cường dương là loại kẹo sâm có tên Hamer. Đáng chú ý, đây là một trong 7 loại thực phẩm mà Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) vừa phát đi cảnh báo có chứa chất cấm. Chất cấm này là chất N-desmethyl Tadalafil, được sử dụng để kích dục.

Sau khi có cảnh báo của HSA, Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế ngay lập tức đã tiến hành rà soát nội bộ. Kết quả cho thấy từ tháng 9.2014 đến nay, các sản phẩm được cảnh báo chưa được cấp công bố tại Cục nhập khẩu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay kẹo Hamer được rao bán tràn lan trên mạng Internet. Chỉ cần gõ từ khóa kẹo Hamer, với hàng nghìn kết quả hiện lên trong vài giây, người mua có thể dễ dàng tìm thấy địa chỉ, số điện thoại của nhiều cửa hàng bán kẹo Hamer.

Hàng loạt website bán kẹo sâm Hamer. Ảnh: PV chụp màn hình

Loại kẹo "cường dương" được cảnh báo chứa chất cấm lại bán tràn lan ở Việt Nam. Ảnh: PV

Với những lời quảng cáo "có cánh" như "kẹo ông ngậm bà vui" hay loại kẹo "thần thánh" cải thiện chức năng sinh lý..., không ít người đã bỏ số tiền khá lớn ra để mua vài viên kẹo.

Trong khi một số website bán hàng online lớn như Lazada, Tiki gỡ bỏ mặt hàng này thì hàng loạt trang web có bán các sản phẩm kẹo sâm Hamer vẫn bán công khai.

Khi tiến hành đặt hàng trên trang web "lovetoy" (có địa chỉ cửa hàng ở Trung Hòa- Cầu Giấy- Hà Nội và Bình Thạnh- TPHCM)..., chúng tôi được một người bán hàng gọi điện thoại tư vấn mua hàng. "Kẹo này an toàn lắm, không có hóa chất, toàn thành phần tự nhiên, những người huyết áp, tim mạch đều ngậm được hết. 2 ngày ngậm 1 lần, đảm bảo muốn khỏe thế nào cũng được- người bán hàng nói liến thoắng.

Hình ảnh kẹo Hamer trên website bán hàng online. Ảnh: PV chụp màn hình

Loại kẹo "cường dương" được cảnh báo chứa chất cấm lại bán tràn lan ở Việt Nam. Ảnh: PV

Theo tìm hiểu, giá mỗi viên kẹo dao động từ 60.000-90.000 đồng/viên. Một hộp có giá khoảng (30 viên/hộp) thì từ 1.800.000-2.300.000 đồng. Chúng tôi đề nghị mua hộp kẹo gồm 5 viên, có giá 450.000 đồng.

Tiếp đó, người giao hàng gọi điện thoại nhiều lần để giao hàng, khi chúng tôi viện cớ không mua thì anh này tiếp tục nhắn tin quảng cáo và động viên khách hàng đảm bảo sự an toàn và tác dụng của viên kẹo. Sau cùng, chúng tôi nói về lý do không mua vì đọc được cảnh báo của Bộ Y tế, người giao hàng mới kết thúc cuộc mua bán tại đây.

Tại nhà thuốc M.H có cơ sở cả ở Hà Nội và TPHCM, website "nhathuocminhhuong", kẹo sâm Hamer được bán với giá 90.000 đồng/viên. Trao đổi với chúng tôi, người bán hàng cho biết: "Hàng của chị là hàng nhập khẩu, yên tâm nhé". Nhưng sau khi tôi hỏi nhập khẩu từ đâu thì người bán hàng thừa nhận: "Kẹo Hamer và tất cả các mặt hàng cường dương, sinh lý đều không được nhập khẩu chính ngạch, đều là hàng xách tay". Người bán hàng vẫn vô tư giới thiệu sản phẩm, không mảy may biết đến các cảnh báo của Bộ Y tế.

Nhà thuốc cũng bán kẹo sâm Hamer. Ảnh: chụp màn hình

Loại kẹo "cường dương" được cảnh báo chứa chất cấm lại bán tràn lan ở Việt Nam. Ảnh: PV

Theo HSA, loại kẹo này có chứa nortadalafil, có liên quan về mặt hóa học với tadalafil, một loại thuốc kê đơn dùng để điều trị chứng rối loạn cương dương ở nam giới.

Vì là thuốc nên tadalafil chỉ nên được sử dụng dưới sự giám sát y tế. Việc sử dụng tadalafil không thích hợp sẽ khiến người tiêu dùng có nguy cơ gia tăng các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm đột quỵ, đau tim, huyết áp thấp và chứng priapism (cương cứng gây đau đớn và quá lâu).

Nó cũng không nên được sử dụng cho những bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị bệnh tim, vì nó có thể gây ra huyết áp thấp đe dọa tính mạng, có thể dẫn đến tử vong. Do cấu trúc hóa học tương tự của chúng, nortadalafil có thể gây ra các tác dụng phụ tương tự hoặc thậm chí độc hại hơn tadalafil.

Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm được Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) cảnh báo và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.

Theo Báo Lao động