Người dân cho rằng sâm loại nào cũng như nhau, đều tốt cho sức khỏe. Song thực tế có đến hàng chục loại có tên gọi là sâm, không ít loại có hình dáng y hệt củ sâm nhưng gây ngộ độc cho người sử dụng. 

Sâm nhiều như rau

Tại chợ Thái Bình (Q.1, TPHCM), thi thoảng, một người phụ nữ trải tấm bạt mỏng dưới đất, đổ đầy những củ sâm nhỏ chừng hai ngón tay ngồi bán. Loại củ này cũng được bán tại các chợ Bàu Cát, Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình)… tại một số sạp rau củ với giá 200.000 đồng/kg. Theo người bán, đây là dây sâm Ngọc Linh, có nơi gọi là đẳng sâm hoặc đẳng sâm lấy từ vùng núi rừng Tây Bắc. Công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, trị nhức mỏi. Có thể ngâm rượu uống hoặc nấu nước uống, hầm xương, nấu canh ăn như rau hằng ngày. “Nhiều người có nhu cầu bồi bổ sức khỏe nên tìm mua các sản phẩm này. Đẳng sâm được ví là nhân sâm của người nghèo”, một tiểu thương tại chợ Bàu Cát nói. 

Nhiều loại sâm bán ở chợ, vỉa hè nhưng không phải sâm
Nhiều loại sâm bán ở chợ, vỉa hè nhưng không phải sâm

Dọc theo Quốc lộ 22 (từ H.Củ Chi về trung tâm TPHCM), các con đường tại khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Bình)… “sâm” đủ loại được đổ đống bán trên vỉa hè với giá rất rẻ. Tại góc đường Tây Thạnh và CN1 trong khu công nghiệp Tân Bình, các loại sâm cau và sâm quy bán với giá 150.000 đồng/kg. Đáng chú ý, sâm cau là thảo dược quý được ghi vào sách Đỏ Việt Nam, được ví như “Viagra” tự nhiên, nên được khách nam tìm mua ngâm rượu uống.

Sâm này có ba loại (màu đỏ hồng, trắng và đen), trên thân sâm cau tươi chi chít rễ nhỏ. Song, tại điểm bán đã phơi khô, sâm có màu nâu đất, thân nhẵn nhụi, thoạt nhìn giống như cây bồng bồng hơn là sâm. Tương tự, sâm quy (sâm quy đá) vốn có rễ nhỏ mọc tua tủa thành từng chùm, trong khi “sâm quy tươi” tại điểm bán này cũng được phơi khô, nhăn nhúm, bề ngoài giống hệt khoai lang khô, không thể nào phân biệt được. 

Tại trục đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), chúng tôi bị ngợp trước tên gọi các loại sâm, từ sâm Ngọc Linh, vũ điệp tam thất, đan sâm, đẳng sâm, sâm đại hành, sâm cau, sâm bố chính, thổ sâm cao ly, sâm đất, cát sâm, khổ sâm lấy lá, khổ sâm lấy rễ… Theo người bán, tất cả các loại kể trên đều là nhân sâm, công dụng chung là bồi bổ sức khỏe, ngừa ung thư, chống lão hóa (?)… 

Nhiều loại mang tên sâm nhưng không phải sâm

Tiến sĩ Nguyễn Thành Triết, bộ môn dược học cổ truyền, Khoa Y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TPHCM, cho biết sâm dùng để gọi một số loài thuộc chi Panax trong họ nhân sâm hay họ ngũ gia bì (Araliaceae). Có ba loại sâm có giá trị rất cao là sâm Triều Tiên (P. ginseng), sâm Việt Nam (P. vietnamensis) và sâm Mỹ (sâm Tây Dương - Panax quinquefolius). Hiện còn một số loài mang tên sâm khác do tên gọi từ lâu đời của người Việt mặc dù không phải là sâm “chính thống” như đan sâm, đẳng sâm, sâm đại hành, sâm cau, sâm bố chính, thổ cao ly sâm, sâm đất, cát sâm, khổ sâm lấy lá, khổ sâm lấy rễ… Vì vậy, có những trường hợp do nhầm lẫn, tuy nhiên cũng có nhiều người lợi dụng sự giống nhau trong tên gọi để đẩy giá lên.

Một số nơi trồng sâm bố chính ở tỉnh Long An cố tình gọi đây là nhân sâm bố chính và mang thành phần hóa học của nhân sâm (sâm Triều Tiên) để gán ghép, đẩy giá bán cao lên. Mặc dù sâm bố chính cũng có công dụng rất tốt nhưng hiện nay giá vẫn thấp hơn nhiều so với nhân sâm. Một dược liệu khác là thương lục, với công năng “trục thủy”, có tác dụng nhuận tẩy, lợi tiểu và giải độc nhưng nhiều người nhầm lẫm gọi là “sâm Đài Loan”, người dân thường ngâm rượu uống, nhiều trường hợp bị ngộ độc gây đau bụng, tiêu chảy… phải nhập viện cấp cứu. 

Theo ông Triết, các loại sâm khác nhau sẽ có thành phần hóa học và tác dụng dược lý, công dụng khác nhau. Chẳng hạn các loài sâm trong chi Panax (nhân sâm, sâm Việt Nam, sâm Mỹ) dù về thành phần hóa học và tác dụng dược lý có nhiều điểm tương đồng, trong vài trường hợp có thể dùng thay thế nhưng cũng không thể nói chúng giống nhau 100%. Như bố chính sâm tác dụng tăng lực là chính, trong khi sâm đại hành lại được sử dụng với tác dụng kháng khuẩn, giải độc, lương huyết… Nếu là những loại sâm nằm trong chi Panax với tác dụng bổ dưỡng thì sẽ có hiệu quả rõ đối với những trường hợp suy nhược, người già yếu. 

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Hội Dược liệu TPHCM, cho biết thêm đã từng có nhiều bệnh nhân khoe mua được bình rượu sâm Ngọc Linh thuộc chi Panax với giá vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhưng khi ông nhìn thì phát hiện đó là các loại thảo dược khác như: tam thất, sâm vũ diệp, thất diệp nhất chi hoa. Sở dĩ người bán có thể “treo đầu dê bán thịt chó” là vì tên khoa học, hình dáng, mùi vị của các loại cây trên rất giống sâm Ngọc Linh, công dụng cũng na ná, nếu không phải là người am hiểu về cây thuốc sẽ rất khó phân biệt.

Khi mua sâm dây Ngọc Linh được bán ngoài chợ, vỉa hè, người dân coi chừng mua nhầm. Vì hiện nay có một loại củ tên là sâm cao cẳng bách bộ, bề ngoài không khác mấy so với sâm dây Ngọc Linh. “Nhiều thương nhân đã lấy bách bộ giả làm sâm dây Ngọc Linh, bằng mắt thường sẽ khó phân biệt, nhất là sản phẩm đã phơi khô”, lương y Nguyễn Đức Nghĩa nói. 

Theo Phụ nữ TP HCM