Bánh, mứt, kẹo trở là những món ăn không thể thiếu trong mùa Tết của mỗi gia đình nên nhu cầu mua sắm trong dịp Tết tăng cao. Lợi dụng nhu cầu của người dân đã có không ít cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bánh, kẹo, mứt không đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.

Cách chọn bánh mứt an toàn ngày Tết - ảnh 1

Nhiều nơi bán bánh, mứt không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: NV

Để an toàn cho người tiêu dùng Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, đã đưa ra một số lưu ý khi chọn mua các sản phẩm bánh kẹo, mứt trong dịp Tết Nguyên đán:

Theo đó, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm đã được doanh nghiệp thực hiện tự công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Đối với các sản phẩm được doanh nghiệp đăng ký thực hiện tự công bố tại TP.HCM, người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin tại website Ban Quản lý ATTP TP.HCM.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần quan sát kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm, bao bì phải có đầy đủ các nội dung về nhãn theo quy định như tên sản phẩm, thông tin nơi sản xuất, xuất xứ, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm… Đối với sản phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt.

Lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng nhái kiểu dáng, nhãn hiệu. Đối với các sản phẩm bán theo khối lượng nên chọn mua ở những nơi uy tín, có giấy tờ, hồ sơ liên quan đến sản phẩm, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Nếu chọn giỏ quà Tết gói sẵn để biếu, người tiêu dùng cần chú ý chất lượng sản phẩm bên trong, kiểm tra kỹ hạn sử dụng của sản phẩm. Nên chọn mua riêng từng sản phẩm và nhờ người bán xếp thành giỏ quà.

Đối với các sản phẩm mứt khô, nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế những sản phẩm có nhiều màu sắc tổng hợp. Chọn sản phẩm bao bì còn nguyên vẹn, bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Nên quan sát kỹ bên ngoài sản phẩm nếu phát hiện mứt có bị mốc thâm kim hay mốc xanh, mùi hôi, chảy nước, mùi chua thì tuyệt đối không dùng.

Bên cạnh đó, người dân khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, cần chủ động thông tin, báo ngay đến các cơ quan như Ban Quản lý ATTP, Cục Quản lý thị trường, chính quyền địa phương… nhằm có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.

Theo Pháp luật TPHCM