Việc mua - bán thực phẩm trực tuyến (online) hiện nay tiềm ẩn một số rủi ro về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tuy nhiên, với lợi thế mặt hàng phong phú, không phải bỏ công đi chợ chọn lựa, nấu nướng, được “ship” tận nhà nên không ít người dân vẫn ưu tiên lựa chọn dịch vụ này.

{keywords}
Chỉ cần đặt mua online, sản phẩm sẽ được đội ngũ phục vụ “ship” tận nơi. Ảnh: Foody Đà Nẵng.

Nhiều rủi ro

Chị Nguyễn Thị Minh (39 tuổi, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) vừa bỏ 3kg mực một nắng được người bán hàng quảng cáo tươi ngon, phơi ngay ngoài biển. “Nhìn hình ảnh quảng cáo trên mạng rất bắt mắt; cơm mực dày, trắng, râu đầy đủ; loại 1kg tầm 2 con nên tôi đặt 3kg làm quà.

Tuy nhiên, khi nhận hàng, tôi thấy mực khá nhỏ, phần râu thâm đen, màu sắc kém tươi dù đang được cấp đông, hoàn toàn không ghi lại địa chỉ nơi bán. Tôi gọi điện cho người bán hàng thắc mắc thì được trả lời do hàng mua lại từ các tàu đi biển nên không thể bảo đảm 100% giống như hình, không thể ghi địa chỉ và mong tôi thông cảm. Do mực không ngon nên tôi không dám biếu ai nữa”, chị Minh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hồng (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) là thành viên một số fanpage như “Hội ăn vặt Đà Nẵng online”, “Hội ăn vặt Đà Nẵng”, “Hội mẹ và bé Đà Nẵng”… Mỗi lần lướt facebook, chị Hồng bị hình ảnh món ăn từ những trang này dẫn dụ nên đặt mua.

Chị Hồng chia sẻ: “Tôi thích ăn vặt nên thường đặt mua chân gà rút xương, khô gà lá chanh, ốc, gỏi cuốn tôm thịt. Đôi lúc cũng lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm nhưng vẫn mua vì thấy ngon và tiện”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các fanpage “Hội ăn vặt Đà Nẵng”, “Hội ăn vặt Đà Nẵng online”, “Hội ăn vặt Thanh Khê”, “Hội ăn vặt Sơn Trà”… có hàng ngàn thành viên tham gia. Đây được xem là diễn đàn mua bán, trao đổi của chị em phụ nữ, mẹ “bỉm sữa” tranh thủ làm thêm, kinh doanh online không có giấy phép.

Phần lớn thực phẩm rao bán không có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, người bán chỉ để lại thông tin sản phẩm, số điện thoại đặt hàng và nhận giao hàng tận nơi. Thỉnh thoảng những trang này cũng nhận một số ý kiến phàn nàn về chất lượng sản phẩm không như quảng cáo.

Chị Nguyễn Thị Mỹ (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho biết, chị từng là nạn nhân khi mua món lòng xào nghệ từ một địa chỉ đăng trên trang “Hội ăn vặt Đà Nẵng” có hơn 235.000 thành viên. “Chồng bị bệnh dạ dày nên tôi đặt mua món lòng xào nghệ tươi giới thiệu trên “Hội ăn vặt Đà Nẵng” và được “ship” tới sau 30 phút.

Khi nhận hàng, tôi cảm thấy mình bị lừa vì đĩa lòng trắng đục, chỉ có mấy lát nghệ tươi rời rạc, khác xa với hình ảnh tôi thấy trên mạng. Tôi phản ánh điều này với người bán nhưng chỉ nhận được vài câu trả lời qua loa. Tôi nghĩ giá trị của đĩa lòng không lớn lên bỏ qua và không bao giờ mua tại địa chỉ này nữa”, chị Mỹ bày tỏ.

Đừng im lặng khi quyền lợi bị xâm phạm

Theo thông tin từ Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, hiện nay các cá nhân kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hình thức mua bán trực tuyến trên trang web thương mại điện tử, mạng xã hội thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi do sự đa dạng và tiện dụng. Tuy nhiên, phần lớn mặt hàng rao trên mạng xã hội không bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể hoặc không có hóa đơn, chứng từ... Do đó, nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua mua bán online khi được phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không đủ cơ sở để xử lý.

Trước rủi ro khi mua thực phẩm online, Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm Đà Nẵng cảnh báo người dân không nên tùy tiện mua hàng khi không biết nguồn gốc, xuất xứ. Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL An toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa thông tin rộng rãi đến quần chúng nhân dân những dấu hiệu nhận biết thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, như hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố; thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm…

Nếu người tiêu dùng mua phải những sản phẩm trên sẽ ảnh hưởng không chỉ về mặt kinh tế mà có nguy cơ rối loạn tiêu hóa, dị ứng, tiêu chảy, ngộ độc và có thể tử vong. Theo ông Hải, việc lựa chọn thực phẩm cần vận dụng kiến thức, kỹ năng, xem xét vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng khuyến cáo, nếu phát hiện những hành vi vi phạm quyền lợi, người tiêu dùng không nên im lặng mà cần báo với cơ quan chức năng như lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, BQL An toàn thực phẩm để các cơ quan này kịp thời tư vấn, hỗ trợ, ngăn chặn, xử lý.

Thực phẩm được gọi là an toàn khi sản phẩm có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; thông tin nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất; ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm giữ chất dinh dưỡng, không bị ô nhiễm từ các tác nhân sinh học, không bị nhiễm hóa chất, không gây ngộ độc, được chế biến bảo đảm vệ sinh, không nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nguồn: Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng

Theo Báo Đà Nẵng