Hàng trăm cá nhân, tổ chức ở Đà Nẵng đang đổ xô mua hàng loạt lô đất ở khu vực ven biển sát sân bay Nước Mặn, vị trí được xem là rất nhạy cảm.

Chân bảo vệ thu gom ngàn m2 ‘đất vàng’

Theo tìm hiểu của VietNamNet, thời gian qua, vệt đất ven biển Đà Nẵng dọc theo sân bay Nước Mặn đã thực sự trở thành ‘đất vàng’ khi nhu cầu mua đất ở đây tăng đột biến. Điều đáng nói, nhiều cá nhân, tổ chức ồ ạt mua đất theo kiểu ‘thu gom’ đang làm nổi lên những nghi ngại.

Đơn cử, Công ty TNHH Du lịch & Dịch vụ V.N Holiday mua tới 24 thửa đất, diện tích gần 5.000m2. Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Diệp Phúc Lợi mua 17 thửa đất, diện tích gần 3.000m2. Công ty TNHH Thương mại Du lịch & Dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng mua 10 thửa. Công ty TNHH TM & DV Hoàng Gia Trung mua 12 lô...

Một số công ty khác cũng đổ tiền thu gom nhiều lô đất trong vệt sát tường rào sân bay Nước Mặn, rải rác 3 – 7 thửa đất.

{keywords}

Người dân Đà Nẵng đổ xô ‘thu gom’ các lô đất ven biển, ở khu vực được cho là nhạy cảm.

Không chỉ các công ty đua nhau mua đất, người dân địa phương cũng bất ngờ vào cuộc thu gom hàng loạt lô đất ‘vàng’ ở đây. Theo thống kế từ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn, có tới 74 lô đất ở đây đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các cá nhân.

Trong danh sách các cá nhân được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, một số cá nhân sở hữu rất nhiều lô đất ở khu vực này như ông Lý Phước Cang mua 12 lô (xấp xỉ 2.000m2); Lê Thanh Hà (6 lô)... Hàng chục người khác cũng thu gom được từ 2 – 5 lô đất ‘vàng’ ở đây.

{keywords}

Công trình khách sạn 5 sao JW Marriott nằm đối diện khu vực sân bay Nước Mặn, nơi thành phố Đà Nẵng chấp thuận cho nhà thầu đưa 300 lao động Trung Quốc đến làm việc.

Nguồn tin từ chính quyền địa phương, những người dân thu gom hàng loạt lo đất ven biển vốn không phải dư giả về kinh tế. Có trường hợp như ông Trác Duy Phúc, vốn là bảo vệ tại công trình Silver Shores , cũng có tiền mua nhiều lô với diện tích xấp xỉ ngàn m2.

Khó quản việc người Trung Quốc ‘núp bóng’ mua đất

Thời gian qua, dư luận tại Đà Nẵng xôn xao khi có thông tin cho rằng, hàng chục người dân địa phương đã đứng tên mua đất ven biển cho người Trung Quốc. Thông tin này do chính ông Đào Tấn Bằng, Bí thư quận ủy Ngũ Hành Sơn trả lời trên báo chí.

Điều này được xem là câu trả lời cho việc nhiều người dân địa phương bỗng dưng có rất nhiều tiền để thu gom hàng loạt lô đất ‘vàng’. Thực trạng càng đáng nghi ngại khi khu vực Ngũ Hành Sơn đang có khá đông người Trung Quốc, chủ yếu là lao động tại các công trình ở đây. Khu vực này liền kề sân bay quân sự Nước Mặn.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn thừa nhận, chính quyền đã nhiều lần bày tỏ sự nghi ngại về thực trạng này. Theo bà Thi, khu vực được cho là người Trung Quốc đang ‘núp bóng’ thu gom đất vốn có vị trí rất nhạy cảm. Tuy nhiên việc quản lý là khó khăn, bởi trên giấy tờ đều do người Việt đứng tên.

Trao đổi với PV, ông Tăng Hà Vinh, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn cho biết thêm, tất cả các trường hợp mua đất ở khu vực giáp sân bay Nước Mặn đều đứng tên người Việt, tiến hành đúng pháp luật.

{keywords}

Nhiều nhà hàng biển hiệu gồm tiếng Trung trên đường Võ Nguyên Giáp.

Theo tìm hiểu, nhiều dự án ven biển Đà Nẵng đang sử dụng lao động Trung Quốc. Hiện có khoảng 450 lao động nước này đang làm việc và sinh hoạt tại 10 dự án lớn ở đây. Nhiều trường hợp người Trung Quốc sang Đà Nẵng du lịch rồi ở lại lao động ‘chui’ đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Mới đây nhất, tháng 10/2015, Cty TNHH Sichuan Hua Shi (công ty mẹ ở Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã đề nghị Đà Nẵng cho phép sử dụng lao động nước ngoài từ công ty mẹ để làm việc tại công trình khách sạn 5 sao JW Marriott tại lô 8, đường Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn).

UBND TP. Đà Nẵng sau đó đã đồng ý, chấp thuận cho Sichuan Hua Shi đưa 300 lao động Trung Quốc sang làm việc tại dự án này, trong gia đoạn từ tháng 12/2015 – tháng 8/2017.

Thông tin từ UBND quận Ngũ Hành Sơn, riêng tại phường Khuê Mỹ hiện có 11 gia đình cho 43 người Trung Quốc ở thuê. Đã có 8 trường hợp phụ nữ địa phương kết hôn với người Trung Quốc. Dọc đường Võ Nguyên Giáp hiện có nhiều nhà hàng trưng biển gồm tiếng Trung.

Năm 2015, quận Ngũ Hành Sơn xử lý 11 vụ việc liên quan tới người nước ngoài. Đáng kể tới là vụ nhóm người Trung Quốc lừa đảo chiếm đoạt 20.000USD. Mới đây nhất, một người đàn ông Trung Quốc bị bắn tử vong tại quận Sơn Trà. Người này cũng kết hôn với phụ nữ bản địa.

Cao Thái