Những ngày qua, câu chuyện các hộ dân tại chung cư The Harmona (quận Tân Bình, TPHCM) bỗng nhiên nhận được thư đòi phát mãi căn hộ của ngân hàng vì những khoản nợ của chủ đầu tư cách đây hơn hai năm mà họ không hề hay biết, là lời cảnh báo. Trên thực tế, đây không phải là câu chuyện cá biệt và ngoài ra cũng đang có nhiều kiểu tranh chấp khác nhau ở các nhà chung cư khiến cho tâm lý người dân sống ở nhà chung cư ngày càng thêm lo lắng.

Làm con tin cho khoản nợ của chủ đầu tư

Câu chuyện mua nhà chung cư nhưng chờ mãi vẫn không nhận được sổ hồng vì sổ đỏ của dự án đã được chủ đầu tư mang đi thế chấp tại ngân hàng như tại dự án Harmona vừa qua trên thực tế đã nóng lên từ cuối năm 2015 khi mà Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở TN & MT TPHCM cho công bố danh sách một số dự án đang có sổ đỏ thế chấp tại ngân hàng.

{keywords}

Dự án Bảy Hiền Tower xây dựng trái phép khiến cư dân bị đuổi ra đường

Cũng tương tự như trường hợp chung cư Harmona, chủ đầu tư dự án chung cư Rubyland là Công ty Tân Hoàng Thắng cũng đang nợ tại ngân hàng với số tiền khoảng 286 tỉ đồng. Ngân hàng đã đồng ý cho Công ty Tân Hoàng Thắng, chủ đầu tư dự án nộp 70 tỉ đồng để lấy sổ đỏ ra, nhưng công ty này vẫn không có tiền để trả. Bên cạnh đó, dự án này còn vướng nhiều sai phạm như “xây lụi” quy mô lớn và có tình trạng lộn xộn. Được biết, ngân hàng đã bán khoản nợ xấu của chủ đầu tư là Công ty Tân Hoàng Thắng cho VAMC. Hiện VAMC đã kiện chủ đầu tư ra tòa án Tân Bình, yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo là gần 300 căn hộ tại chung cư Rubyland.

Ngay như với người dân tại chung cư Harmona mặc dù theo cam kết mới nhất của các bên thì đến ngày 15.6, BIDV đồng ý để Công ty CP Thanh Niên tất toán toàn bộ khoản vay tại BIDV Bắc Sài Gòn trước ngày 15.6.2016 và sẽ tiến hành giải chấp tài sản thế chấp sau khi công ty này thanh toán hết toàn bộ khoản vay tại ngân hàng. Trường hợp đến thời hạn trên, doanh nghiệp vẫn không thể trả hết nợ thì BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn phải chuyển sang nhóm nợ quá hạn và doanh nghiệp phải tìm nguồn trả nợ khác để thanh toán khoản vay, chứ ngân hàng không thể siết nợ chung cư và yêu cầu người dân ra khỏi nhà. Tuy nhiên, những người dân ở chung cư vẫn lo lắng vì nếu chủ đầu tư không trả được nợ đúng hạn thì không biết đến bao giờ căn nhà của họ mới có sổ hồng.

Chủ đầu tư xây dựng sai phép, cư dân bị đuổi ra đường

Trong thời gian qua, nhiều dự án trên thành phố chậm tiến độ dẫn đến sự căng thẳng giữa chủ đầu tư và người dân. Và để tránh bị những khoản tiền phạt chậm lãi suất, nhiều chủ đầu tư đã cho phép người dân dọn vào nhà ở khi công trình chưa hoàn thành. Từ đó, dẫn đến những điều không thể ngờ cho các cư dân này.

Tối ngày 1.6, các hộ dân sống ở chung cư Bảy Hiền Tower, do doanh nghiệp tư nhân Xây dựng - Thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư toạ lạc tại đường Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình hoang mang vô cùng khi họ nhận được thông báo là trong vòng 24h phải di dời khỏi chung cư, đồng thời toàn bộ hệ thống điện nước bị cắt do chủ đầu tư dự án mặc dù vẫn chưa hoàn thành nghiệm thu thi công công trình mà vẫn cho người dân vào ở.

Các hộ dân cho biết chủ đầu tư dự án, Công ty Long Hưng Phát đã cam kết giao nhà trong quý II-2014 nhưng mãi tới quý I/2016 mới giao nhà cho dân. Thậm chí còn rất nhiều người mua nhà vẫn chưa được bàn giao nhà do chung cư này xây dựng chưa xong.

“Đợi nhà gần 4 năm mới nhận được nhưng mới ở được mấy tháng đã bị cắt điện, nước, bị “đuổi” ra đường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã nhiều lần thất hứa về việc bàn giao nhà và thanh toán các khoản tiền lãi phát sinh do vi phạm hợp đồng. Đến khi gia đình tôi gây áp lực mạnh thì mới được nhận nhà, nhưng khi vào ở thì thiếu cả điện, nước và phải hứng chịu mọi bụi bặm từ các tầng dưới thốc lên” - chị Hà, chủ căn hộ ở tầng 10 dự án bức xúc.

Mua nhà như nắm dao đằng lưỡi

Theo một lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án Bảy Hiền Tower mắc rất nhiều sai phạm. Một là công trình xây vượt diện tích so với thiết kế, khi cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ thi công, chủ đầu tư vẫn lén lút làm. Hai là đưa người vào ở khi chưa xong hạ tầng, chưa được nghiệm thu là vi phạm pháp luật. Do đó, buộc cơ quan chức năng phải cắt điện, nước để buộc chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm quyết định xử phạt và quan trọng là đảm bảo tính mạng người dân.

Còn liên quan đến câu chuyện ở chung cư The Harmona, hay Rubyland có thể thấy nhiều lỗ hổng pháp lý liên quan đến giám sát quá trình bán hàng và cho vay trong việc giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai, mặc dù pháp luật hiện hành quy định khá chặt chẽ.

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, việc BIDV để tài sản thế chấp của mình như trong trường hợp căn hộ Harmona bị bán cho người dân và chủ đầu tư thu gần hết số tiền bán nhà thì trước hết là lỗi nghiệp vụ của chính nhà băng này. Bởi vì hệ thống ngân hàng cũng có những quy định chặt chẽ ở khâu thẩm định cho vay, kiểm tra thông tin khách hàng. Khi bán căn hộ thế chấp ở ngân hàng thì chủ đầu tư khi bán căn hộ cho khách hàng phải có sự đồng ý của ngân hàng thông qua việc giải chấp. Sau khi tiến hành giải chấp, chủ căn hộ mới có thể mang chính tài sản này đi thế chấp ngân hàng để vay tiền. Theo các chuyên gia, hiện nay, việc mua nhà ở hình thành trong tương lai diễn ra phổ biến, và để tránh những rắc rối có thể xảy ra như ở chung cư The Harmona, hay như trường hợp chung cư Bảy Hiền Tower người mua nhà nên tìm hiểu kỹ pháp lý dự án trước khi giao dịch.

Theo Lao động