-Dọn về ở cả năm vẫn không biết gia đình mình thuộc địa phận phường nào, sống trong khu đô thị tiền tỷ nhưng 2 năm vẫn phải chịu cảnh “chết khát”…là những chuyện tưởng khó tin nhưng có thật giữa thủ đô văn minh, hiện đại.

Chung cư vô thừa nhận

Chung cư Đông Đô (ngõ 100 Hoàng Quốc Việt) là dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ Học viện Quốc phòng, do Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Đô làm chủ đầu tư. Dự án khởi công từ giữa năm 2013 và bàn giao cho các hộ dân chuyển về sinh sống từ tháng 8/2015. Tuy nhiên dù đã dọn về ở cả năm nay nhưng các hộ vẫn không biết gia đình mình thuộc địa phận phường nào. Nguyên nhân chỉ vì chung cư Đông Đô nằm trên địa bàn 2 phường, 2 quận. Đó là phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Điều này khiến cho cư dân sống tại đây gặp rất nhiều khó khăn khi không thể làm hộ khẩu, xin học cho con… Thậm chí, sau nhiều năm, người dân không đổi được sổ đỏ dù địa bàn đã được sáp nhập về Hà Nội và lên quận.

{keywords}

Dù đã dọn về ở cả năm nay nhưng các hộ sống tại chung cư Đông Đô vẫn không biết gia đình mình thuộc địa phận phường nào.

Một cư dân sống tại đây cho biết, đến nay dù đã sinh con được 3 tháng nhưng cháu vẫn chưa làm được giấy khai sinh. Khi lên phường Nghĩa Đô thì chính quyền không dám xác nhận rồi chỉ sang phường Xuân La. Tuy nhiên, khi sang đó cũng chỉ nhận được cái lắc đầu vì họ chưa xác định được địa giới hành chính.

Nhiều cư dân đang sống tại khu chung cư cũng bức xúc về vấn đề này. “Đã đến ở được hơn một năm nhưng cư dân tại đây cũng không thể nhập hộ khẩu, hàng trăm trẻ em trong tòa nhà đều phải xin học trái tuyến ở nơi khác hoặc xin học trường tư” –một cư dân cho hay. Theo phản ánh do sống trong cảnh vô thừa nhận nên cư dân tòa nhà phải chịu điện giá cao gấp đôi so với người dân trong khu vực (3.000 đồng/số điện).

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cường - Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) cho biết, chung cư Đông Đô có hơn 300m2 thuộc phường Nghĩa Đô còn hơn 800m2 thuộc đất phường Xuân La.

“Đúng ra đất thuộc phường nào, phường đó quản lý. Nếu như 2 tòa nhà khác nhau sẽ dễ quản lý. Đằng này cùng một toà. Có trường hợp cùng một căn hộ nhưng nằm trên 2 phường nên chúng tôi không biết phân chia thế nào. Phường đang chờ UBND thành phố có văn bản giao cho địa bàn phường nào quản lý từ đó mới có căn cứ để làm những thủ tục khác cho cư dân”, ông Cường nói.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 31/8, Sở Nội vụ Hà Nội triệu tập cuộc họp với các địa phương và chủ đầu tư để có biện pháp tháo gỡ những bất cập tại chung cư Đông Đô.

Sở Nội vụ Hà Nội thống nhất đề xuất UBND thành phố giao cho UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Nghĩa Đô quản lý hành chính tòa nhà Đông Đô (ngõ 100 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) theo nguyện vọng của người dân và phù hợp với đặc điểm địa lý của tòa nhà này.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (Quận Cầu Giấy) cho biết, mặc dù đang trong thời gian chờ quyết định chính thức của UBND thành phố, nhưng trước mắt từ 1/9 để đảm bảo quyền lợi cho người dân chung cư Đông Đô, UBND phường Nghĩa Đô sẽ có thông báo tới các trường học trên địa bàn về việc tạo điều kiện tiếp nhận hồ sơ xin học của các cháu nhỏ sống cùng gia đình tại tòa nhà này. Công an phường cũng sẽ tiếp nhận quản lý về nhân hộ khẩu, an ninh trật tự của chung cư này.

“Chết khát” ở nhà tiền tỷ

Được coi là khu đô thị hiện đại bậc nhất ở khu vực phía Nam thủ đô, tuy nhiên dù đã bàn giao cho người dân về ở 2 năm nay nhưng khu biệt thự liền kề Ao Sào - Lexington Etaste (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư vẫn chưa có đường nước sạch. Cả trăm hộ dân đang sinh sống tại đây phải chịu cảnh “chết khát” giữa Thủ đô.

{keywords}

Được coi là khu đô thị hiện đại bậc nhất ở khu vực phía Nam thủ đô tuy nhiên dù đã bàn giao cho người dân về ở 2 năm nay nhưng đến nay khu đô thị vẫn chưa có đường nước sạch.

Vào khoảng năm 2013, dự án từng gây sốt với giá mỗi m2 biệt thự liền kề khoảng 18 triệu đồng/m2. Hiện nay chủ đầu tư đã bàn giao vài trăm căn liền kề tại dự án. Với số tiền 3-4 tỷ đồng để sở hữu một căn liền kề tại đây, tuy nhiên suốt 2 năm nay người dân chuyển về sinh sống tại đây trong cảnh thiếu thốn đủ thứ.

Người dân tại khu đô thị phải đầu tư hệ thống giếng khoan cỡ lớn với đầy đủ giàn mưa, bể lọc, bể khử khuẩn… từ đó cấp nước cùng dùng chung cho hơn hộ xung quanh. Các hộ còn lại trong khu đô thị do quá xa không sử dụng cùng được, buộc phải nối đường ống nước sang các khu dân cư bên cạnh và mua nước sạch với giá 30.000 - 50.000 đồng/m3.

Cùng với vấn đề nước sạch, người dân cũng phản ánh về vấn đề đường giao thông tại khu đô thị. Cho đến nay, hệ thống đường kết nối khu biệt thự với các trục đường lớn cũng chưa được hoàn thiện còn nhiều ngổn ngang. Gắn mác khu đô thị cao cấp nhưng khu đô thị Ao Sào hiện nay không khác gì “biệt khu” giữa thủ đô.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư Công ty cổ phần đầu tư Lũng Lô 5 cho biết, về vấn đề nước sạch, không phải là công ty không có trách nhiệm với cư dân. Vấn đề này khi bắt đầu thực hiện dự án, chủ đầu tư đã được sự đồng ý của công ty nước sạch Hoàng Mai là sẽ cung cấp nước sạch cho khu vực. Sau khi bàn giao nhà cho cư dân, chủ đầu tư cũng đã nhiều lần làm công văn đề nghị nước sạch Hoàng Mai cung cấp nước sạch cho cư dân. Tuy nhiên, khi thực hiện đấu nối tiếp vào khu đô thị Ao Sào thì bị một số cư dân tại làng này cản trở vì họ cho rằng, khi đấu nối nước vào khu đô thị sẽ khiến họ không có nước sạch để dùng.

“Về vấn đề này TP đã có chỉ đạo. Chúng tôi đã lên phương án cùng với quận để có công an cưỡng chế bảo vệ lúc đặt ống nước. Sau dịp nghỉ lễ tới đây, công ty sẽ trình phương án lên quận phê duyệt sớm đảm bảo cung cấp nước cho người dân” – đại diện chủ đầu tư cho biết.

Hồng Khanh