Nhiều khu vực, nhiều tuyến phố dù hạ tầng, đường sá đã quá tải nhưng vẫn phải gồng mình gánh những khu nhà chọc trời đua nhau mọc lên, thậm chí nhiều dự án đã điều chỉnh theo hướng tăng chiều cao, tăng mật độ kéo theo nhiều hệ luỵ.

LTS: Được quảng cáo rầm rộ là những chung cư cao cấp với hạ tầng và tiện nghi hiện đại, đẳng cấp, nhưng nhiều dự án chung cư dù được bán với giá cao ngất ngưởng nhưng vấn đề hạ tầng thật đáng báo động. Nhiều chung cư chui sâu vào những ngõ nhỏ, phố nhỏ chỉ chưa đầy 3m, 2 xe máy tránh nhau còn khó. Vậy đến khi hoàn thiện, dự án đi vào hoạt động, hàng nghìn hộ dân chuyển đến sinh sống thì áp lực hạ tầng, giao thông còn quá tải đến mức nào?

Bài toán quy hoạch lại thêm những câu hỏi hóc búa chưa có cách nào giải quyết. Tại sao đường đã đông, phố đã chật mà các chung cư, nhà cao tầng vẫn được phép xây dựng, mọc lên như nấm?

Nhiều chuyên gia cho rằng việc quản lý, thực hiện quy hoạch Thủ đô và hạ tầng giao thông đang bộc lộ quá nhiều bất cập.

VietNamNet thực hiện tuyến bài Những bất cập khi chung cư chui vào ngõ nhỏ, “nhồi nhét” cao ốc vào nội đô...

Cao ốc mọc lên như nấm

Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính từng được ví như một khu vực phát triển hiện đại nhất của Hà Nội. Đến nay sau gần 1 thập niên đi vào sử dụng, hình hài của một khu đô thị hiện đại đang dần bị “phá nát” khi cao ốc trong khu vực đua nhau mọc lên trong khi đường không được mở rộng thêm. Sự quá tải về cơ sở hạ tầng và giao thông đang trở thành nỗi ám ảnh kinh khiếp của khu vực này.

{keywords}
Đại công trường Lê Văn Lương

Cùng với 19 toà chung cư cao tầng trong khu Trung Hòa- Nhân Chính xung quanh liên tục xuất hiện các tòa nhà cao tầng san sát nhau. Ghi nhận từ năm ngoái, nhiều tổ hợp thương mại - dịch vụ - chung cư cao cấp như N04, N05 chính thức hoạt động hết công suất, tiếp tục tạo nên sức ép giao thông nội bộ từ các tòa nhà đi ra đường Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng, Hoàng Ngân xảy ra tình trạng tắc đường liên tục.

Không chỉ dừng lại ở đó, dự báo sức ép lên hạ tầng giao thông tại đây còn tăng lên gấp bội khi hàng loạt dự án chung cư Dianmond Flowers, Golden Palace Lê Văn Lương, dự án chung cư Handico,…đang được chủ đầu tư cấp tốc bán hàng. Nếu ước tính mỗi hộ sẽ có 4 người thì các dự án này sẽ đưa đến khoảng 8000 cư dân mới thường xuyên tham gia sử dụng chung hạ tầng trong khu vực.

{keywords}
Hình hài của một khu đô thị hiện đại tại Trung Hòa – Nhân Chính đang dần bị “phá nát” với sức ép về hạ tầng ngày càng lớn.

Trong khi đó, tuyến “huyết mạch” khác là Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Huy Tưởng đấu nối vào Trung Hòa – Nhân Chính cũng đang trong tình trạng bị chung cư vây kín, tắc đường thường xuyên. 

Cử tri Hà Nội không đồng tình việc nâng tầng các nhà chung cư

Tổng hợp các kiến nghị cử tri Hà Nội trước kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội diễn ra từ ngày 1 đến 5/12, ngoài những nội dung bức xúc về những công trình vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng sai phép, cử tri không đồng tình với việc thời gian qua thành phố cho phép điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ và nâng tầng các nhà chung cư. Điều này dẫn tới ảnh hưởng tới mật độ dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dân sinh đi kèm không đáp ứng. Cử tri quận Hoàng Mai đề nghị UBND thành phố Hà Nội cần xin ý kiến dân cư trước khi chấp thuận thay đổi quy hoạch.

Với chiều dài khoảng 700, phố Vũ Trọng Phụng cũng dần “chung cư hóa” với hàng loạt dự án chung cư cao tầng. Đơn cử tại số 47 của tuyến phố hiện có dự án khu nhà chung cư văn phòng Sakura Tower với tòa nhà cao 22 tầng, bao gồm trên 180 căn hộ đang được đưa vào sử dụng.

Tại số 59 là dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng thương mại cho thuê với hàng trăm căn hộ đang được hoàn thiện trên khu đất 3.279m2. Đối diện với dự án này là khu nhà cao tầng của Đại học quốc tế Bắc Hà (số 54 Vũ Trọng Phụng). Kế tiếp tại số 69 là dự án khu nhà ở và trung tâm thương mại được xây dựng trên khu đất 11.235m2, quy mô hai khối nhà cao tầng cao 22 tầng với hàng trăm căn hộ.

Nằm cuối của tuyến phố Vũ Trọng Phụng là một dự án bất động sản “khủng” mang trên tổ hợp chung cư cao cấp Hapulico Complex (số 85 Vũ Trọng Phụng) được xây dựng trên diện tích 4,3 ha bao gồm khu nhà biệt thự, nhà vườn và 7 tòa tháp căn hộ cao từ 17 đến 24 tầng (khoảng trên 800 căn hộ) và 1 tòa tháp văn phòng 24 tầng...

Cũng phải nói thêm rằng, con đường huyết mạch Lê Văn Lương – Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) vốn được coi là “cứu cánh” giảm tải áp lực cho tuyến đường Nguyễn Trãi nhưng đến nay những cư dân của khu vực này cũng đang ngày đêm phải đối mặt với vấn nạn tắc đường ngày một nghiêm trọng.

{keywords}
Dọc theo tuyến đường Tố Hữu mọc lên hàng loạt cao ốc, những cư dân của khu vực này cũng đang ngày đêm phải đối mặt với vấn nạn tắc đường ngày một nghiêm trọng.

Dọc theo tuyến đường Tố Hữu, hàng loạt dự án xây dựng các tòa nhà, khu chung cư cao cấp đang được triển khai xây dựng trong đó không ít dự án quy mô lên tới hàng nghìn căn hộ. Như Khu đô thị Park-City Hà Nội (La Khê – Hà Đông) có có quy mô 7.004 căn hộ các loại.

Dự án Usilk City do Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư là dự án xây dựng quy mô lớn gồm 13 toà nhà cao từ 25 đến 50 tầng với tổng diện tích sàn 130.000 m2. Tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng với khoảng gần 2.800 căn hộ cao cấp.

Hay khu đô thị Dương Nội do Công ty Nam Cường làm chủ đầu tư với tổng diện tích qui hoạch 197,3 ha, quy mô dân số lên tới 2,5 – 3 vạn người. Phía trên có thể kể tới các dự án chung cư cao tầng ngay mặt đường của Hải Phát, Bắc Hà, Tây Hà,… với chiều cao từ 20-30 tầng.

Sự bất cập trong quy hoạch đã khiến tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu từ tuyến đường coi là “cứu cánh” giảm tải thì nay lại phải loay hoay tự giải cứu cho chính mình.

Nhồi cao ốc vào nội đô

Năm 2010 sau khi có lệnh dừng các dự án cao tầng tại 4 quận nội thành (gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình) của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã rà soát và tiến hành lập quy hoạch phân vùng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng. Tuy nhiên, trên thực tế hàng loạt dự án cao ốc chọc trời vẫn đua nhau mọc lên, thậm chí nhiều dự án đã điều chỉnh theo hướng tăng chiều cao, tăng mật độ gây áp lực lớn cho hạ tầng khu vực nội đô.

{keywords}
Dự án 131 Thái Hà “đắp chiếu” nhiều năm lại được “gật đầu” điều chỉnh nâng tầng.

Trong danh mục 91 dự án cao tầng của quận Đống Đa có dự án thi công 5 năm trời vẫn không chịu đưa vào sử dụng như dự án chung cư số 131 Thái Hà do công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư, với lý do đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để nâng thêm tầng.

khởi công từ năm 2008. Theo giấy phép xây dựng số 45 được Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 3/2/2005, dự án có quy mô 1 tầng hầm, 11 tầng nổi, 1 tum thang máy và phòng kỹ thuật tòa nhà.

{keywords}
Trong khi quỹ đất dành cho giao thông chỉ nhúc nhích chút ít thì cuộc đua từ những cao ốc chọc trời lại ngày càng sôi động.

Cuối năm 2010, sau khi thi công tầng hầm và 11 tầng nổi thì chủ đầu tư tạm dừng thi công. Thay vì xử lý dự án chậm tiến độ thì ngày 27/5/2015 chủ đầu tư đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch số 2068 với nội dung chính là điều chỉnh nâng tầng. Cụ thể dự án được điều chỉnh có quy mô 16 tầng sử dụng chính gồm 8 tầng dịch vụ và văn phòng, 8 tầng dành cho chức năng căn hộ ở. Thêm 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái – kỹ thuật và 2 tầng hầm.

Trong khi trục đường Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Thái Hà, lâu nay vốn luôn trong tình cảnh ùn tắc giao thông bởi người và phương tiện quá đông đúc thì các cao ốc vẫn đua nhau mọc lên thậm chí còn được Sở Quy hoạch – Kiến trúc “gật đầu” điều chỉnh nâng tầng?!

Một trong những “điểm đen” giao thông tại thủ đô hiện nay là tuyến đường Trường Chinh. Trong khi dự án mở rộng đường với chi phí hơn 2.560 tỷ đồng ì ạch vẫn mãi chưa xong thì đã nhanh chóng rơi vào thực trạng “đường chưa xong cao ốc đã mọc kín”.

{keywords}
Quy hoạch thủ đô đến bao giờ thực hiện được hy vọng của người dân Thủ đô về những con đường thông thoáng?

Đầu tiên tại ngõ 102 Trường Chinh hiện đã mọc lên hai dự án chung cư cao chót vót với hàng trăm căn hộ. Hàng loạt dự án cao tầng khác như số 68 Trường Chinh; tổ hợp khu chung cư, văn phòng cho thuê một mặt đường Trường Chinh, một mặt ở số 3 Lê Trọng Tấn hay dự án khu chung cư 317 Trường Chinh đã xuất hiện đẩy tuyến đường này vào tình trạng càng mở rộng càng tắc đường.

Trong khi quỹ đất dành cho giao thông chỉ nhúc nhích chút ít thì cuộc đua từ những cao ốc chọc trời lại ngày càng sôi động. Quy hoạch thủ đô đến bao giờ thực hiện được hy vọng của người dân Thủ đô về những con đường thông thoáng?

Hồng Khanh