Theo báo cáo của Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 60 nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trong đó có những chung cư đang trong tình trạng nguy hiểm như chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5; chung cư Cô Giang, quận 1; lô 4, lô 6 chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh… Đặc biệt, sự kiện ngôi biệt thự cổ ở Hà Nội bất ngờ đổ sập mới đây đã gióng lên hồi chuông báo động tình trạng chờ sập của hàng trăm chung cư cũ tại TP.HCM.

Điển hình xuống cấp

Trong số hàng trăm chung cư có tuổi thọ trên 50 năm và đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể nói chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) tiêu biểu cho sự xuống cấp. Được xây dựng từ năm 1960, đến nay trải qua hơn 50 năm chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng.

{keywords}

Chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) xuống cấp nghiêm trọng.

Hơn 600 hộ dân với khoảng 2.500 nhân khẩu đã phải di dời khỏi chung cư này theo chủ trương của UBND TPHCM để xây dựng lại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng chục hộ dân bám trụ vì cho rằng chưa được đền bù thỏa đáng nên không đủ tiền tìm kiếm nơi ở mới.

Từng là khu chung cư một thời sầm uất bậc nhất Sài Gòn, nay toàn bộ tòa nhà cao 13 tầng này mang vẻ hoang tàn, xuống cấp như muốn đổ sập bất cứ lúc nào. Bước vào bên trong chung cư một cảm giác bất an, trống vắng, lạnh người ập tới. Sự hoang vắng, xuống cấp của chung cư một phần còn do thiếu vắng bóng người, rác rưởi bề bộn.

Men theo lối cầu thang chính dẫn lên chung cư, nhiều căn phòng bỏ trống, các cánh cửa ra vào, cửa sổ mục nát, xiêu vẹo, tường rêu loang lổ, rác rưởi ngổn ngang, mùi hôi nồng nặc bốc lên, khiến người dù có thần kinh thép cũng phải rùng mình ớn lạnh. Trong căn phòng ẩm thấp, tồi tàn, bà Hồ Thị Kim Hồng (51 tuổi) than thở: “Có ai muốn sống trong hoàn cảnh tồi tàn như thế này đâu. Nhưng với số tiền đền bù chỉ 150 triệu đồng, chúng tôi làm sao mua được căn hộ khác để ở”.

Theo bà Hồng, hiện còn 13 hộ dân sinh sống ở đây, toàn là người lao động nghèo, buôn gánh bán bưng, nên với số tiền chủ đầu tư bồi thường, không ai có thể mua được căn hộ nơi khác. Chính vì thế, dù biết đang sống trong cảnh hiểm nguy rình rập nhưng họ vẫn phải bám trụ.

Ông Trần Đình Thọ, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 5, cho biết đa số các hộ dân ở chung cư 727 đã di dời hết và hiện chỉ còn 13 hộ chưa chịu di dời dù cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động. Lãnh đạo UBND quận 5 đã giải quyết cho những hộ này mua căn hộ ở chung cư tại Bình Trị Đông B, quận 6 với giá 80% so với thị trường, đồng thời họ được trả góp trong 10 năm với lãi suất 6%/năm, nhưng đến nay các hộ vẫn chưa chấp nhận di dời.

Sắp tới, nếu vẫn không vận động được, quận sẽ xin ý kiến UBND TP để áp dụng biện pháp chỉ định nơi cư trú bắt buộc đối với những hộ dân còn lại này.

Đẩy nhanh tiến độ xây chung cư mới

Theo kế hoạch, sắp tới TP.HCM sẽ di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000m2 sàn. Đồng thời TP sẽ khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696m2 sàn.

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng mới để thay thế các chung cư cũ hư hỏng nặng vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu công tác chỉnh trang đô thị của TP, cũng như nhu cầu, nguyện vọng của người dân đang cư ngụ trong các chung cư này. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các chung cư, nguyên nhân chủ yếu do chưa có chính sách, cơ chế phù hợp với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng chỉ có thực hiện phương thức xã hội hóa, thu hút nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước, của cộng đồng chủ sở hữu chung cư, mới có thể thực hiện nhanh và hiệu quả công tác phá dỡ, xây dựng lại các chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, góp phần chỉnh trang đô thị.

Mới đây, Bộ Xây dựng ban hành dự thảo nghị định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nhiều cơ chế vẫn chưa thực sự thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước. Nếu chỉ cho phép xây dựng lại chung cư mới với chỉ tiêu quy hoạch giống như chung cư cũ sẽ không khả thi và sẽ không nhà đầu tư nào có thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, cần xem xét, khẳng định phương thức tập thể chủ sở hữu căn hộ chung cư có quyền tự mình quyết định phá dỡ, xây dựng lại mới chung cư nếu có đủ điều kiện và năng lực. Đối với những hộ đông người, hoặc có nhiều hộ khẩu trong cùng một căn hộ chung cư, cần bổ sung nguyên tắc ngoài căn hộ chung cư xây dựng mới được hoán đổi, còn được quyền mua thêm căn hộ với giá ưu đãi phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của từng dự án và của từng địa phương.

Trong lúc chờ chính sách mới, để tránh những hiểm họa đáng tiếc, TP cần quyết liệt di dời người dân khỏi những chung cư chờ sập này, bố trí tái định cư giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính