Thuê nhà là việc một cá nhân, tổ chức kí hợp đồng với chủ sở hữu nhà ở để thuê nhà ở trong một khoảng thời gian nhất định và thanh toán tiền thuê theo thỏa thuận của hai bên. 

Điều 129, Luật nhà ở năm 2014  quy định như sau: Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà theo định kỳ hoặc trả một lần; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở thì các bên phải thực hiện theo quy định đó. Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình thuê và cho thuê nhà ở.

{keywords}
Có 3 trường hợp người thuê nhà được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường (Ảnh minh hoạ)

Thường thì khi thuê nhà, bên thuê và bên cho thuê sẽ thực hiện việc giao kết hợp đồng bằng miệng hoặc lập thành văn bản để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, mang tính chất ràng buộc nhau. Pháp luật dân sự hiện hành thừa nhận hợp đồng cho thuê nhà bằng miệng nhưng khi phát sinh tranh chấp, giao kết bằng miệng sẽ rất khó để chứng minh. Chính vì vậy, tốt nhất các bên nên giao kết bằng văn bản, có hợp đồng với những điều khoản cụ thể như thời gian thuê, giá thuê tài sản, quyền và nghĩa vụ của các bên, đền bù khi đơn phương chấm dứt hợp đồng….

Khi đã ký kết hợp đồng, hai bên phải thực hiện theo đúng quyền và nghĩa vụ được nêu trong hợp đồng đó, nếu bên nào vi phạm sẽ bị phạt, phải bồi thường cho bên kia.

Hiện nay, các tranh chấp về hợp đồng thuê nhà ở chiếm tỷ lệ khá lớn trong các tranh chấp dân sự tại tòa án, thường phát sinh khi các bên chấm dứt hợp đồng (chấm dứt khi hết hạn hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng).

Trong hợp đồng thuê nhà thường ghi rất rõ về thời hạn cho thuê. Tuy nhiên, không phải bao giờ người thuê cũng thuê nhà theo đúng thời hạn đó. Nhiều trường hợp muốn chấm dứt hợp đồng cho thuê trước thời hạn. Trong tình huống này, sẽ phát sinh 2 trường hợp: Một là người thuê nhà phải bồi thường cho chủ nhà, hai là không phải đền bù.

Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 132 Luật nhà ở năm 2014, người  thuê nhà sẽ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong 3 trường hợp sau đây:

- Bên cho thuê không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;

- Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận;

- Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

Bên thuê phải thông báo cho chủ nhà biết về việc muốn chấm dứt hợp đồng; cũng như lý do vì sao muốn chấm dứt hợp đồng trước hạn. Nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì bên thuê sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà không xuất phát từ những nguyên nhân trên, thì bên thuê nhà sẽ phải bồi thường cho chủ nhà theo quy định tại Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015. Mức độ bồi thường sẽ tùy thuộc vào thiệt hại xảy ra đối với chủ nhà.

Khi đã thống nhất được giá trị khoản bồi thường, hai bên nên lập một hợp đồng xác nhận mức độ bồi thường, thời hạn thanh toán tiền bồi thường, quyền và nghĩa vụ của 2 bên sau khi đã bồi thường xong. Việc bồi thường không nên chỉ thỏa thuận miệng, vì nếu xảy ra tranh chấp sẽ không có căn cứ, giấy tờ pháp lý nào để giải quyết.

Đăng Duy  (Tổng hợp)

Dồn tiền tỷ mua nhà cho thuê, lao đao ở trọ trả nợ ngân hàng

Dồn tiền tỷ mua nhà cho thuê, lao đao ở trọ trả nợ ngân hàng

Tiền cho thuê căn nhà ở Long Biên đập vào tiền trả ngân hàng. Tiền đi thuê trọ ở Cầu Giấy, điện nước hàng tháng khoảng hơn 5 triệu đồng vợ chồng chị vẫn kiểm soát tốt, 2 tháng nay dịch phức tạp khiến gia đình lao đao.