Ông Phạm Tuấn Long - Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, lát đá tự nhiên trên mặt đường tại 11 tuyến phố trong phố cổ Hà Nội đang là chủ trương đề xuất mới là giai đoạn đề xuất phương án, chưa triển khai thực hiện.

Liên quan đến việc UBND quận Hoàn Kiếm có đề xuất UBND TP Hà Nội cho lát đá tự nhiên với kích thước 10x10x10 cm mặt đường 11 tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ, theo ông Phạm Tuấn Long - Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội lát đá có mục đích thúc đẩy khai thác tối đa cảnh quan kiến trúc ở phố cổ Hà Nội. 11 tuyến phố này có thể được chia làm hai nhóm. Một, gồm 5 phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy sẽ trở thành tuyến phố thương mại. Nhóm còn lại Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Giầy, Đào Duy Từ sẽ là khu phố ẩm thực đi bộ.

{keywords}
Một đoạn phố Tạ Hiện khoảng 50m đã được lát đá tự nhiên từ năm 2011.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Long cho biết, vấn đề này hiện đang là chủ trương đề xuất mới là giai đoạn đề xuất phương án, chưa triển khai thực hiện. “Để thực hiện dự án chúng tôi sẽ tiến hành tham vấn ý kiến chuyên gia, lấy ý kiến của cộng đồng và sẽ có kế hoạch cụ thể” – ông Long nói.

Nêu quan điểm về việc này, GS – KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Việc cải tạo nâng cấp phố cổ là bình thường nhưng vấn đề là phải làm như thế nào. Thứ nhất, cải tạo nâng cấp phải ăn nhịp, hòa nhập với cuộc sống. Thứ hai là ở thời điểm nào? Cái nào cần ưu tiên? Và vì cái gì? Theo tôi việc lát đá phố cổ thực hiện thời điểm này chưa đúng. Phố cổ còn nhiều việc cần ưu tiên hơn . Thời điểm này ban quản lý phố cổ có thể đặt ra vấn đề quảng cáo áp phích, văn hóa quảng cáo”..

“Thực tế Ban quản lý phố cổ đã thực hiện nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội tốt.. Như ở phố Tạ Hiên, phố Lãn Ông…đều rất tốt. Vừa rồi Hà Nội đã phủ nhựa bê tông nên đừng làm vội để thời điểm thích hợp hãy làm. Việc này cần phải nghiên cứu cho kỹ nên làm theo trình tự” – GS. Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh.

H. Khanh