Ông Võ Văn Hoan - người phát ngôn UBND TP.HCM cho biết, tổng dự toán chi phí đầu tư bãi chôn lấp số 3 khu xử lý rác Phước Hiệp là 970 tỷ đồng chứ không phải 1.000 tỷ, trừ dự phòng phí thì còn 720 tỷ.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội chiều 24.3, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về nguyên nhân đóng cửa bãi rác Phước Hiệp dành cho chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.

{keywords}
Ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP.HCM trao đổi với báo chí

Theo ông Hoan, nguyên nhân đóng cửa bãi rác Phước Hiệp là xuất phát từ thực tế là người dân phản ánh đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Thành phố đã cố gắng xử lý tuy nhiên không thể triệt để được.

“UBND có báo cáo và HĐND cũng có ý kiến là cần xem xét để xây dựng lộ trình tiến tới đóng cửa bãi chôn lấp số 3 của khu xử lý rác Phước Hiệp chứ không phải một đến hai lời nói mà chúng ta đóng”, ông Hoan lý giải.

Sau đó người phát ngôn của UBND TP khẳng định: “như vậy rõ ràng là có cảnh báo, có lộ tình chứ không phải thành phố đóng cửa ngay. Đến giờ này ở bãi rác vẫn tiếp nhận rác bình thường, khoảng 500 đến 600 tấn/ngày, chỉ ngưng tiếp nhận với số lượng lớn. Thành phố cũng có chính sách giải quyết vấn đề tiền lương, việc làm cho người lao động khi đóng cửa hẳn”.

{keywords}
Theo người phát ngôn của UBND TP.HCM thì nguyên nhân đóng của bãi rác Phước Hiệp xuất phát từ thực tế ô nhiễm môi trường

Đến tháng 2.2016, Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố cân nhắc chủ trương đóng cửa bãi rác số 3 trong khu xử lý rác Phước Hiệp nhằm tránh lãng phí ngân sách. Theo số liệu thì nếu thành phố quyết đóng cửa bãi rác sẽ mất khoảng 1.000 tỷ đồng, gồm 600 tỷ đã đầu tư xây dựng và 400 tỷ dự kiến phải bồi thường cho nhà đầu tư Hàn Quốc.

Liên quan đến thông tin nếu đóng cửa bãi rác Phước Hiệp để đưa rác về bãi rác Đa Phước sẽ tốn 1.000 tỷ đồng, người phát ngôn UBND TP cho biết, tổng dự toán chi phí đầu tư bãi chôn lấp số 3 khu xử lý rác Phước Hiệp là 970 tỷ đồng chứ không phải 1.000 tỷ, trừ dự phòng phí thì còn 720 tỷ. Hiện nay dự án được triển khai khoảng 60% (tương đương hơn 400 tỷ đồng).

“Công trình này vừa thi công vừa tiếp nhận rác, chúng ta chưa nói đến yếu tố khấu hao nên không thể nói là lãng phí cả ngàn tỷ. Đến giờ này đề nghị đơn vị có báo cáo để thanh toán quyết toán thì đơn vị chưa báo cáo được. Đấy còn chưa kể UBND TP đã có chỉ đạo vẫn tiếp tục đầu tư hoàn thiện bãi rác này thành bãi dự phòng”, ông Hoan nói.

Còn ý kiến cho rằng giá xử lý rác ở bãi Đa Phước cao hơn những nơi khác, ông Hoan lý giải do dự án của doanh nghiệp tư nhân nên được tính toán cặn kẽ, đầy đủ các chi phí, trong đó có cả chi phí vận hành sau khi bãi rác đóng cửa. Nếu là doanh nghiệp nhà nước xử lý thì tính có mức độ, chưa đầy đủ. Giai đoạn đầu thì chi phí xử lý của Đa Phước có cao nhưng hiện nay thì gần như tiệm cận với giá của đơn vị khác.

“Ngoài ra UBND TP cũng khống chế mức tăng giá của bãi rác Đa Phước theo chỉ số tăng CPI. Nếu chỉ số CPI âm thì không tăng, còn chỉ số CPI trên dưới 3% thì chỉ chốt anh tăng 3% thôi”, ông Hoan cho hay.

Theo Dân Việt