Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng vừa yêu cầu huyện Hòa Vang báo cáo, làm rõ việc nhiều héc-ta rừng ở khu vực Ngầm Đôi (xã Hòa Phú, Hòa Vang) bị “hô biến” thành khu du lịch.

{keywords}
 

Khu du lịch Ngầm Đôi. Ảnh: CTV Khu du lịch Ngầm Đôi. Ảnh: CTV

"Vụ biệt thự trái phép trên núi Hải Vân mới xảy ra, giờ lại đến chỗ này, tạo ra hiện trạng du lịch đã rồi. Đây tiếp tục là một bài học về kinh nghiệm quản lý đất đai”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nói.

Đất rừng thành khu du lịch

Vướng mắc tại Khu du lịch (KDL) Ngầm Đôi chiếm thời gian lớn để lãnh đạo thành phố cho ý kiến giải quyết trong cuộc họp rà soát một số đồ án quy hoạch kiến trúc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào sáng 4/8. Theo đó, việc huyện Hòa Vang cho phép KDL Ngầm Đôi hoạt động từ năm 2010 đến nay là trái quy định, trái luật.

Năm 2014, sau khi có ý kiến của UBND thành phố giao Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, sự việc mới vỡ lở. Theo đó, qua phối hợp với chủ đầu tư là bà Lê Đình Thủy Châu, Sở Xây dựng được cung cấp một số công văn của lãnh đạo thành phố cũng như UBND huyện Hòa Vang về việc đồng ý về chủ trương chọn địa điểm xây KDL Ngầm Đôi.

Cụ thể, quyết định (số 1085/QĐ-UBND ngày 27/1/2003) của UBND huyện Hòa Vang về việc thu hồi đất, giao đất để trồng cây lâm nghiệp cho ông Mạc Như Giác (là chồng bà Lê Đình Thủy Châu), bà Nguyễn Thị Mai và bà Trương Thị Lâm, diện tích 155.208m2. Công văn (số 4372/UBND-QLĐT ngày 06/8/2005) của UBND thành phố về việc chọn địa điểm xây dựng KDL sinh thái Ngầm Đôi cho Cty CP khoáng sản Hòa Phú với diện tích 20ha.

Đặc biệt là quyết định (số 4285/QĐ-UBND ngày 24/5/2010) của UBND huyện Hòa Vang về việc thu hồi đất, cho thuê đất để xây dựng KDL sinh thái cho bà Lê Đình Thủy Châu với diện tích 18.403,6m2.

Theo hồ sơ đề nghị phê duyệt quy hoạch của bà Châu gửi UBND huyện Hòa Vang, thì địa hình hiện trạng có thể hiện khu vực đang tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch khoảng 5 ha và phần mở rộng mới ra suối nước khoảng 2,6 ha.

Tháng 1/2015, báo cáo của UBND huyện Hòa Vang cho thấy, quy hoạch 7,6446 ha KDL sinh thái Ngầm Đôi nêu trên có hiện trạng bao gồm: 18.403,6m2 đất du lịch của bà Lê Đình Thủy Châu và phần còn lại là đất lâm nghiệp do ông Mạc Như Giác, bà Nguyễn Thị Mai và bà Trương Thị Lâm quản lý, sử dụng.

Như vậy, phần lớn KDL đang là đất rừng. Ông Nguyễn Điểu, GĐ Sở TN&MT, khẳng định: “UBND huyện Hòa Vang ban hành quyết định thu hồi, cho thuê đất để xây dựng KDL sinh thái cho bà Lê Đình Thủy Châu khi chưa được phê duyệt quy hoạch là chưa phù hợp.

Đồng thời, trong quá trình hoạt động, chủ đầu tư tự ý mở rộng diện tích KDL sang phần diện tích đất rừng của các hộ lân cận là vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. “Tất nhiên việc cấp đất của huyện là không đúng. Quy hoạch của thành phố đâu có chỗ cho du lịch ở Ngầm Đôi, đó là đất rừng”, ông Điểu nói.

Lúng túng giải quyết

Ông Đặng Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho rằng, câu chuyện KDL Ngầm Đôi đã hơn 10 năm nay rồi, lãnh đạo huyện thời đó cấp phép cũng đã mất. Trên thực tế thì bây giờ Ngầm Đôi cũng đã hình thành KDL bài bản, vì vậy đề nghị thành phố nghiên cứu giải quyết.

“Quyết định giao đất là trái quy định, các thủ tục về mặt pháp lý của chủ đầu tư cũng chưa đảm bảo, đề nghị lãnh đạo thành phố hướng dẫn về mặt thủ tục để doanh nghiệp (DN) tiếp tục hoạt động”, ông Thương nói.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các cán bộ tham mưu của huyện Hòa Vang đã tham mưu để giúp lãnh đạo ra quyết định cấp đất rừng cho DN kinh doanh du lịch khi chưa có sự đồng ý của UBND thành phố.

Ông Thơ cho rằng, việc xây dựng biệt thự trái phép trên núi Hải Vân bị xử như thế nào thì vụ việc này cũng phải xử nghiêm minh. Được biết, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang trước đây là ông Huỳnh Minh Nhơn (đã mất) là người ra quyết định. “Anh Nhơn mất rồi, nhưng ai tham mưu cho anh ấy, phải xử nghiêm”, ông Thơ khẳng định.

Mặc dù vậy, theo đại diện Sở Xây dựng, xét thấy việc phát triển KDL Ngầm Đôi với diện tích khoảng 7,6ha tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú là phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố, phù hợp với quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt.

Vì thế, Sở đề nghị giao Sở TN&MT đề xuất hướng xử lý việc chủ đầu tư sai mục đích từ trước đến nay, đồng thời hướng dẫn bà Lê Đình Thủy Châu và các hộ đang sử dụng đất rừng thống nhất đại diện làm chủ đầu tư phù hợp Luật Đất đai, tránh khiếu kiện về sau trước khi lập thủ tục trình duyệt quy hoạch.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Đức Thơ không đồng ý. “Phải xử lý việc cấp đất rừng trái quy định trước đã, sau đó mới tính đến việc sai mức độ nào để có hướng. Thành phố chưa bao giờ đồng ý cho lập KDL, sao lại có quyết định trồng rừng thay thế?”, ông Thơ nói.

Bí thư Thành ủy Trần Thọ đồng ý với phương án xử lý nghiêm của ông Thơ và cho rằng, cần lưu ý thêm nhiều trường hợp xây nhà ở khu vực này vì sắp tới, nhiều khả năng sẽ làm đường QL 14G từ Đà Nẵng lên tới Đông Giang (Quảng Nam) nên sẽ rất phức tạp với việc đền bù, giải tỏa sau này.

Theo Tiền phong