Ngày 3/7, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị lần thứ 17, về tình hình các mặt công tác 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 của Thành Ủy Đà Nẵng, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có dấu hiệu suy giảm và đạt khá thấp so với kế hoạch.

Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của TP Đà Nẵng chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức tăng 7,24% cùng kỳ năm trước. Đà Nẵng xếp vị trí thứ 3 trong 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đà Nẵng cũng là địa phương có mức tăng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc TƯ.

Với việc nhiều chỉ tiêu suy giảm, Thành ủy Đà Nẵng chỉ ra nhiều nguyên nhân như: Một số doanh nghiệp quy mô lớn của thành phố, tỷ lệ đóng góp cao chững lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

{keywords}
Đà Nẵng tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc TƯ.

Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc triển khai thực hiện thông báo của Ban Thường vụ Thành ủy còn kéo dài, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh các doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của TP trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, vì sự phát triển bền vững của thành phố, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thật sự đồng thuận, khởi kiện thành phố do ảnh hưởng quyền lợi.

Tiến độ triển khai một số công trình, dự án tuy có chuyển biến nhưng còn chậm, nhất là đối với các dự án cấp bách về cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải...; việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục, công tác giải tỏa đền bù, tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến đầu tư, giải ngân vốn xây dựng cơ bản.

Đặc biệt, Thành ủy Đà Nẵng thừa nhận công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập; quản lý thị trường bất động sản chưa kịp thời, chặt chẽ; tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu vực, nhất là ven biển chưa được xử lý triệt để; tình trạng xây dựng không phép, trái phép, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở kinh doanh còn diễn biến khá phức tạp…

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ông Trương Quang Nghĩa đề nghị, chính quyền TP cần tìm ra giải pháp nâng cao chỉ tiêu đạt thấp, nhất là các chỉ tiêu về GRDP, phát triển công nghiệp, xây dựng… theo hướng tiệm cận mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân ở mức cao.

{keywords}
Đà Nẵng mạnh tay tháo dỡ các ki-ốt bất động sản trái phép.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”; tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư tại Chương trình Tọa đàm mùa Xuân 2019 và một số dự án của các chủ đầu tư trên địa bàn thành phố.

Về thị trường bất động sản Đà Nẵng, thời gian qua cho thấy, từ đầu năm 2019 thị trường đất nền  liên tục diễn ra các “cơn sốt” giá. Khi đó có ngày giá đất tăng cao điểm lên đến 100 triệu đồng trên một lô nên khách hàng nóng lòng phải mua ngay để ôm đất bán kiếm lời, “cò đất” được thời đẩy giá.

Không chỉ tại các khi vực trung tâm hay các trục Tây Bắc, Nam Đà Nẵng vốn rất thu hút nhà đầu tư, một số vùng được cho là hẻo lánh, xa trung tâm ở Hòa Vang cũng bị đẩy giá dựng đứng khiến người dân sốt ruột muốn mua bán để kiếm lời.

Chiêu quen thuộc của cò là tung tin về các dự án lớn thành phố sắp triển khai ở Hòa Vang để thổi giá đất.

Đội quân môi giới, cò đất “đông như quân Nguyên” hoạt động nườm nượp càng khiến giá đất thay đổi chóng mặt. Các dự án dân cư nam Đà Nẵng dù pháp lý chưa rõ ràng cũng rao bán rầm rộ.

Trước thực tế trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã có những biện pháp để chấn chỉnh lại thị trường đất. Các quận, huyện đã mạnh tay tháo dỡ các ki-ốt bất động sản trái phép. Trong tháng 3 vừa qua, quận Ngũ Hành Sơn tháo dỡ hơn 400 ki-ốt, quận Sơn Trà khoảng 45 ki-ốt, quận Liên Chiểu 300 ki -ốt.

Chỉ sau vài tháng, cơn sốt đất tại Đà Nẵng đã xuống dốc không phanh, nhiều cò đất tháo chạy.

Lê Bằng

Đà Nẵng sốt đất không tưởng: Hám lãi khủng dễ rước họa

Đà Nẵng sốt đất không tưởng: Hám lãi khủng dễ rước họa

 Thị trường thay đổi chóng mặt, giá cả lúc thực lúc hư, tiền lãi bỏng tay khiến khách hàng đứng ngồi không yên, người dân ai cũng muốn lao vào đầu tư bất chấp rủi ro.