Doanh thu 2 đồng, lãi 1 đồng

Theo báo cáo thường niên, Viwasupco là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm ba quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long.

Công ty bán nước cho 13 khách hàng, trong đó 90% lượng nước bán cho 3 khách hàng lớn nhất là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông.

{keywords}
Doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng, Viwasupco lo ngại về vấn đề cạnh tranh thị trường bị đe doạ theo hướng dừng tăng trưởng.

Sau một khoảng thời gian dài được nhắc tới với bê bối vỡ ống nước, những ngày gần đây, dư luận một lần nữa nhắc tên Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) về chất lượng nước bị nhiễm Styren khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân Thủ đô bị đảo lộn. Tuy vậy, là một trong những cái tên đứng đầu thị trường cung cấp nước sạch Hà Nội, nhờ cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu vực phía Tây Nam Hà Nội, mỗi năm Viwasupco đều ghi nhận hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Mảng kinh doanh nước sạch của công ty cũng có biên lợi nhuận gộp lên tới 57,2% trong năm gần nhất (2018). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cung cấp nước sạch khác ở TP.HCM như nhà máy Thủ Đức, Nhà Bè, Gia Định với biên lãi gộp dưới 40%/năm.

Năm 2018, Công ty Nước sạch Sông Đà đã bán ra 91 triệu m3 và đạt doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận của một công ty nước sạch khi cứ 2 đồng thu về công ty lại lãi 1 đồng.

Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 534 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ. Theo cập nhật của công ty, 6 tháng năm 2019 doanh nghiệp đạt doanh thu 263 tỷ, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng chỉ 113 tỷ. Trong khi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh tăng lên 133 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 126 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ.

Thị trường bị đe doạ

Dù doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng, trong báo cáo gửi các cổ đông, Viwasupco cũng nêu ra một số khó khăn, đặc biệt là lo ngại về vấn đề cạnh tranh.

Viwasupco cho biết, 90% tổng lượng nước được bán cho 3 khách hàng chính gồm Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông. “Vì vậy mà những thay đổi bất thường trong nhu cầu của các công ty này sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty", báo cáo thường niên năm 2018 của Viwasupco nêu rõ.

Theo ban lãnh đạo, hiện nay đã xuất hiện một số đối thủ cạnh tranh có tiềm lực. Những đối thủ mới của Viwasupco trong quá trình thâm nhập thị trường với ưu tiên hàng đầu là tăng trưởng sản lượng có thể đe dọa đến khả năng tăng trưởng, thậm chí giảm sản lượng của công ty. Hệ thống tuyến ống cấp 1 và cấp 2 của các đối thủ cũng được đầu tư mạnh và triển khai rất nhanh.  

{keywords}
Vốn “cuồn cuộn” vào nước sạch (Ảnh: Nhà máy nước mặt sông Đuống vừa khánh thành ngày 5/9).

“Thị trường hiện tại của công ty đang bị đe doạ theo hướng dừng tăng trưởng và có khả năng giảm sản lượng. Trong khi đó, các đối tác lớn hiện trong quá trình tái cơ cấu, cấu trúc thượng của đối tác có thể có các thay đổi lớn và có thể ảnh hưởng quan hệ đối tác hiện tại”- ban lãnh đạo Viwasupco nhận định.

Để đối phó với những thách thức mới, mục tiêu của công ty là mở rộng mạng lưới khách hàng, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp nâng cao sản lượng tiêu thụ. Bên cạnh đó, Viwasupco cũng cho biết đang triển khai hệ thống cấp nước giai đoạn II với mục tiêu nâng công suất từ mức 250.000 m3 ngày đêm hiện nay lên 600.000 m3.

Vốn “cuồn cuộn” vào nước sạch

Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn đạt 75%. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nước.

Mới đây Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai cũng rẽ hướng sang đầu tư với mục tiêu trở thành doanh nghiệp tư nhân số 1 về cung cấp nước sạch tại Việt Nam. Nhận thấy ngành nhựa ngày càng khó khăn, biên lợi nhuận giảm, "tay chơi mới" Nhựa Đồng Nai đã dần chuyển sang ngành sản xuất và kinh doanh nước sạch.

Thị trường còn ghi nhận nhiều "ông lớn" ngành nước đang tích cực mở rộng mạng lưới như Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) và Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (Tdmwater)…

Hay tại Hà Nội, trước khi sự cố nước sạch của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà -Viwasupco chứa thành phần dầu thải xảy ra, ngày 5/9 vừa qua, Tập đoàn AquaOne khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống. Đây là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc (300.000 m3 ngày/đêm) phân kỳ 2 của giai đoạn 1.

Theo kết hoạch đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2019 do UBND TP Hà Nội ban hành từ tháng 7 vừa qua thì Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ tham gia điều tiết bổ sung nguồn cấp cho Công ty CP Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông khi có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ nhà máy nước sạch sông Đà.

Những lo ngại về vấn đề cạnh tranh như ban lãnh đạo Viwasupco đánh giá từ năm 2018 đang hiện hữu. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi sau sự cố về chất lượng nước sạch sông Đà thị trường của Viwasupco có “bị đe doạ”?

Hồng Khanh

Khoanh vùng khu vực Hà Nội khuyến cáo không dùng nước sạch sông Đà ăn uống

Khoanh vùng khu vực Hà Nội khuyến cáo không dùng nước sạch sông Đà ăn uống

- Nhà máy nước sông Đà do Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) quản lý với lưu lượng cấp cho Hà Nội trung bình khoảng 250.000-260.000m3/ngày đêm…