5 dòng vốn đổ vào bất động sản

Đánh giá về thị trường bất động sản 2019, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, đây cũng là năm thứ hai, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn.

Theo hiệp hội, quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời.

“Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản” – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đánh giá.

{keywords}
Theo dự báo sẽ có sự sụt giảm đáng kể đối với hoạt động đầu cơ đất nền và phân khúc cao cấp trong năm 2020.

Từ thực tế thị trường, ông Châu cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn sẽ có thể gặp khó khăn.

Nhận định về xu hướng dòng vốn vào bất động sản, trao đổi tại diễn đàn "Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020" mới đây, ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn vào bất động sản thời gian qua có thận trọng nhưng rất tích cực.

Theo ông Lực, có 5 dòng vốn trong năm 2019 và năm 2020. Về tín dụng, vị này cho rằng, không phải tín dụng ngân hàng giảm đối với bất động sản mà thực tế mà theo số liệu 10 tháng 2019 cho vay xây lắp tổng dư nợ 800 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5%; cho vay kinh doanh bất động sản vẫn tăng 5,5%, cho vay mua nhà, sửa nhà tăng 19,6%.

“Năm nay, Chính phủ chỉ đạo gộp cho vay bất động sản và vay mua nhà, sửa nhà vào thành cho vay bất động sản như vậy thực tế là tăng 14,5%, cao hơn bình quân cho vay của hệ thống ngân hàng hết 10 tháng 2019 là khoảng 10%”, ông Lực chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, về vốn từ tư nhân, 11 tháng đầu năm 2019 có 16 nghìn doanh nghiệp xây lắp thành lập mới, tăng 2%; 7,3 nghìn doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, vốn tăng 27,5%.

Về vốn FDI, tổng cả hai dòng vốn đăng ký mới và góp vốn 4,8 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam).

Về trái phiếu doanh nghiệp, tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 11 tháng 237.000 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ 2018; trong đó doanh nghiệp bất động sản là 71.000 tỷ đồng. Đây là mức ấn tượng trong năm qua và là một dòng vốn quan trọng. Các quỹ trong tương lai sẽ phát triển rất tốt. Ta đã được phép thành lập quỹ tín thác đầu tư bất động sản, đây là một kênh tiềm năng trong tương lai.

Về Fintech, đây cũng có thể là một kênh thu hút vốn cho bất động sản vì fintech hiện chủ yếu là thanh toán, nhưng trong tương lai, sẽ có những fintech huy động vốn cộng đồng để đầu tư vào bất động sản hoặc góp phần tạo hệ sinh thái bất động sản.

Đầu tư đất nền, phân khúc cao cấp sụt giảm

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư 22, với nội dung sẽ siết lại các hoạt động của ngân hàng theo hướng “an toàn hơn”. Theo đó, thông tư 22 quy định rõ lộ trình tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo đó, từ 1/1/2020 đến 30/9/2020 tỷ lệ này là 40%; từ 1/10/2020 đến 30/9/2021 là 37%; từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 là 34% và kể từ 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%.

Như vậy, với thông tư này, việc cho vay trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục bị hạn chế, hệ số rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%. 

Đánh giá về thông tư này, nêu tại báo cáo chiến lược mới phát hành, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, hệ số các khoản vay chỉ tác động đến khoản vay cho các căn hộ cao cấp hoặc hạng sang.

Theo tính toán của VNDirect, khoản vay cho các phân khúc tầm trung hay bình dân thông thường có giá trị thấp hơn 1,5 tỷ đồng, dựa trên giả định hệ số giá trị khoản vay trên giá trị tài sản đảm bảo là 70% đối với căn hộ có giá trị từ 1,9-2,1 tỷ đồng. Như vậy, các khoản phải thu lớn hơn 1,5 tỷ đồng là những khoản vay dành cho căn hộ từ phân khúc cao cấp trở lên có giá trị từ 3,5 đến 5 tỷ đồng và phân khúc hạng sang có giá trị trên 5 tỷ đồng và phân khúc đầu cơ đất nền.

“Chúng tôi tin rằng các ngân hàng sẽ giảm tỷ lệ hệ số giá trị khoản vay trên giá trị tài sản đảm bảo đối với phân khúc cao cấp trở lên trong khi đó phân khúc tầm trung và bình dân vẫn tiếp tục được hưởng mức cao nhất là 70%. Các ngân hàng cũng sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ hệ số giá trị khoản vay trên giá trị tài sản đảm bảo đối với khoản vay đầu cơ đất nền” - báo cáo của VNDirect nhận định.

Theo báo cáo của Savills, tỷ lệ đầu cơ đối với phân khúc chung cư vào khoảng 3,1%, dưới 10% đối với nhà phố và dưới 20% đối với đất nền. VNDirect cho rằng, sẽ có sự sụt giảm đáng kể đối với hoạt động đầu cơ đất nền và phân khúc cao cấp.

Nhìn chung, VNDirect nhận định, việc áp dụng các hệ số rủi ro theo Thông tư 22 sẽ mang lại hiệu quả tích cực do sẽ thúc đẩy các ngân hàng hướng tới khoản vay dành cho người mua ở thực, từ đó thị trường sẽ hoạt động bền vững.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, dù chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thắt chặt nhưng vẫn ở mức độ hợp lý. Việc kiểm soát thị trường tài chính với thị trường bất động sản phải thận trọng, không làm đóng băng mà phải hướng tới sự phát triển ổn định, dài hạn. Trên thực tế đã thực hiện nhiều phép thử và chưa thấy có tình trạng đóng băng nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định. Nên xét về tổng thể, cầu và giá có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới nhưng đến cuối năm 2020, thị trường có thể trở lại "bình thường" – ông Nghĩa nhận định. 

Đánh giá về thị trường bất động sản 2020, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng tỏ ra lạc quan, với sự tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cơ quan có thẩm quyền có thể từ quý III/2020 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây.

Phân khúc thị trường căn hộ chung cư nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ, có giá vừa túi tiền (trên dưới 2 tỷ đồng/căn) tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong thị trường bất động sản, đi đôi với nguồn cung dự án nhà ở xã hội tăng thêm trong năm 2020.

Hồng Khanh

Đất nền lao dốc, phân lô bán nền bát nháo lĩnh phạt nặng

Đất nền lao dốc, phân lô bán nền bát nháo lĩnh phạt nặng

- Từ ngày 5/1/2020, việc tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở; Phân lô, bán nền sai; Lấn, chiếm đất… là những vi phạm sẽ bị phạt nặng lên đến 1 tỷ đồng.