Thông tin trên được ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại phần trả lời chất vấn trong kỳ họp của HĐND TP diễn ra vào chiều ngày 10/12.

{keywords}

Người dân đi qua đường Lương Định Của (quận 2) trong đợt ngập tháng 9 vừa qua.


Bất cập ngay từ vị trí của thành phố

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, các nguyên nhân khách quan gây ra ngập lụt của TP gồm có điều kiện địa lý, biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số.

Về địa lý, TP.HCM có diện tích khoảng 2.000km vuông, trong đó 48% có cao độ thấp hơn 1m (so với mực nước biển), 30% cao từ 1 đến 1,2m và còn lại cao từ 1,2 đến 1,5m.

Ngoài ra, TP cũng được bao bọc bởi 3 con sông lớn là Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ với 13 cửa sông lớn. Đây cũng là điều kiện rất phức tạp và liên quan chặt chẽ đến các cơn lũ.

Về biến đổi khí hậu, ông Tín nhận định trong 10 năm gần đây tình trạng này đã tác động lớn đến mưa lũ, triều cường từ đó trực tiếp gây ra tình trạng ngập lụt.

“Trong 40 năm, từ 1960 đến 2001 TP chỉ có 9 trận mưa trong 3 giờ đạt vũ lượng 100mm. Tuy nhiên chỉ từ 2012 đến nay TP đã có tới 29 trận mưa lớn, đặc biệt trong năm 2013 và 2014 đã xuất hiện 3 trận mưa chỉ trong 60 phút đã đạt vũ lượng 100mm” – ông Tín cung cấp các số liệu.

Mực nước thủy triều cũng được ghi nhận tăng lên đáng kể. Trong 27 năm, từ 1980 đến 2007 đỉnh triều cao nhất chỉ ở mức 1,5m nhưng từ năm 2008 đến nay đỉnh triều luôn cao hơn 1,5m.

“Trong khi đó cao độ trung bình của TP chỉ khoảng 1,2m nên đã gây ra tình trạng ngập úng nặng nề” – ông Tín phân tích.

Về sự tăng dân số, TP.HCM trước đây vốn chỉ được quy hoạch cho 2,5 triệu người, do đó các đường ống nước thải cũng chỉ có đường kính từ 600 đến 800mm với tổng chiều dài khoảng 5.000km. Ngày nay dân số đã tăng lên gấp 5 lần quy hoạch nói trên và lượng nước thải cũng tăng tương đương nhưng TP chưa thể thay thế hết 5.000km đường ống, điều này đã tác động trực tiếp đến thoát nước.

Cống đã hẹp còn bị đổ rác

Về nguyên nhân chủ quan, ông Tín cho biết, dù đã nhận thức được cách đây 10 năm và đã lập quy hoạch nhưng tổ chức thực hiện rất chậm do “chưa đủ nguồn lực và tổ chức thực hiện chưa tốt,  nạo vét kênh rạch cũng chưa đáp ứng nên ngày càng bồi lắng”.

“Chúng ta quản lý cũng lỏng lẻo, cống đã nhỏ, không được nạo vét lại còn bị xả rác nên nhiều tuyến tắc nghẽn khi mưa xuống. Nhiều nơi không kiểm tra, giám sát để cho người dân xây nhà cả trên hố ga, bít đường ống. Có công trình san lấp kênh rạch thoát nước nhưng không thay thế hoặc bù đắp không đủ…” – ông Tín nêu ra hàng loạt nguyên nhân.

Nhiều đơn vị tổ chức cũng bị đánh giá thi công ẩu, không tròn trách nhiệm, biểu hiện qua quá trình tổ chức không giám sát nên mỗi lần làm đường lại gây ngập.

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín

Hai giải pháp chiến lược để chống ngập

Từ những nguyên nhân trên ông Tín cho biết TP đã đề ra hai giải pháp lớn để giải quyết tình trạng ngập úng.

 

"Chúng ta thực hiện các giải pháp trên có nhanh cũng phải 5 năm, vậy 5 năm tới tiếp tục ngập thì sao? Trong quá trình làm ta vẫn phải có giải pháp tình thế để giảm ngập như bơm di động, bể lọc túi lọc có thể hút nước…nhưng đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế, lâu dài phải là 2 giải pháp lớn đã trình bày" 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín

Đầu tiên là thực hiện việc thoát nước trong nội thành (nước thải, nước mưa). Ông Tín cho biết để làm được điều này phải cần nguồn tiền khoảng 88.000 tỷ đồng.

“Kênh Nhiêu Lộc – Thị nghè làm 10 năm mới xong giai đoạn 1 và tốn khoảng 200 triệu USD, trong khi giai đoạn 2 còn cần 250 triệu USD nữa. Kênh Tân Hóa – Lò Gốm, Kênh Đôi, Kênh Tẻ cũng vậy. Hệ thống kênh rạch nào đầu tư cũng không dưới 200 triệu đô” – ông Tín thông tin mức vốn của các công trình chống ngập.

Cũng theo ông Tín, hiện nay TP đã có nghiên cứu để phân kỳ các công đoạn và đã làm việc với Chính phủ, các bộ ngành cùng các nhà đầu tư, nhà tài trợ để tìm kiếm nguồn vốn.

Giải pháp thứ hai ông Tín đề cập là ngăn chặn thủy triều. “Chuyện này hết sức nan giải, vì xâm nhập triều có 13 cửa lớn và hàng trăm cửa nhỏ dọc các hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai – Vàm Cỏ” – ông Tín nhận định.

Ông cho biết hiện giải pháp của TP là xây dựng cống có van tự động ngăn triều. Để làm được điều này vừa qua Thủ tướng cũng đã đồng ý ứng dụng những cơ chế, chính sách rất đặc biệt để cho TP vay 10.000 tỷ đồng, đồng thời xuất thêm 10.000 tỷ đồng từ một quỹ khác. Ngoài ra TP cũng đang đàm phán với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về vấn đề này.

“Làm xong hệ thống bờ bao quanh sông Sài Gòn sẽ tốn khoảng 68.000 tỷ đồng (theo tính toán sơ bộ, có thể tăng thêm khi thực hiện). Hiện nay nguồn lực tuy chưa đủ nhưng TP đã triển khai một số hạng mục” – ông Tín nói.

Theo Infonet