Nếu bị phát hiện, chủ đầu tư dự án có hợp đồng trục lợi gói 30.000 tỉ đồng, tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự.

Thông tin về việc chủ đầu tư “hỗ trợ” khách hàng mua nhà “làm đẹp” hồ sơ để trục lợi gói 30.000 tỉ đồng đang gây bất bình trong dư luận xã hội. Sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng dành cho những đối tượng thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở theo quy định đã không đến được đúng địa chỉ. Một chủ trương đầy tính nhân văn, thể hiện sự ưu việt của chế độ theo cách nói của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đang bị trục lợi, bị bóp méo.

Và đáng buồn hơn, hiện tượng này không chỉ diễn ra ở 1 hay 2 dự án, tại 1 hay vài khu vực mà với những thông tin phản ánh trên các phương tiện truyền thông, nó đang đang diễn ra trên quy mô lớn, Hà Nội có và TP Hồ Chí Minh cũng có.

{keywords}

Tòa K chung cư Park View Residencen.

Ông Lê Ngọc Quỳnh-Giám đốc Sàn giao dịch Nhà đất 24 giờ khi được hỏi đã thừa nhận với báo chí là thực trạng “chẻ nhỏ” hợp đồng để khách hàng mua nhà đủ điều kiện vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng rất phổ biến ở Hà Nội, đặc biệt tại một số hệ thống phân phối lớn.

Ở Hà Nội, thực tế tìm hiểu của phóng viên cho thấy, tại dự án Park View Residencen, nếu người mua có nhu cầu, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ tách hợp đồng mua nhà thành 2 hợp đồng, một là hợp đồng mua nhà và một là hợp đồng hoàn thiện căn hộ.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, nhiều khách hàng khi mua nhà tại các dự án chung cư Triều An (đường Bùi Tư Toàn, quận Bình Tân), chung cư Tecco Tower Tham Lương (quận 12), căn hộ chung cư GP (quận Bình Tân)… đã phản ánh: Tại những dự án này, chủ đầu tư đã tác hợp đồng mua bán căn hộ thành hợp đồng mua bán căn hộ và một phần hợp đồng được ghi là “tiền chênh lệch hệ số tầng”, “thu hộ chủ đầu tư Tecco tiền chênh lệch căn hộ”, hợp đồng nội thất… Mục đích của những cách làm này là “giúp khách hàng” đáp ứng được các tiêu chuẩn cho vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.

Trước thực tế trên, mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội và xử lý theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới, Luật sư Nguyễn Văn Tú-Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, nếu hợp đồng mua bán căn hộ được xác định là trục lợi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng thì khi bị phát hiện sẽ không còn giá trị, khách hàng thậm chí còn phải bồi thường lãi suất.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, để đảm bảo việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đúng quy định, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 07/2013/TT-BXD. Theo Điều 6 Thông tư này thì:

“1. Các hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Thông tư này được xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

2. Các tổ chức, cá nhân có hành vi gian dối về đối tượng, điều kiện được vay hỗ trợ nhà ở để thuê, thuê mua, mua nhà ở theo quy định trong Thông tư này thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý và phát triển nhà ở, còn bị buộc phải trả lại số tiền đã vay, chấm dứt hợp đồng vay đã ký với các tổ chức tín dụng.

3. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định liên quan đến xác nhận đối tượng đủ điều kiện được vay để hỗ trợ nhà ở theo quy định trong Thông tư này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường”.

Như vậy, trong trường hợp hợp hợp đồng mua nhà được xác định là trục lợi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng thì người mua nhà ngoài việc bị xử phạt theo quy định trong lĩnh vực quản lý và phát triển nhà ở, phải trả lại tiền vay, chấm dứt hợp đồng đã ký với tổ chức tín dụng. Còn chủ đầu tư dự án thì tuy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Báo Năng lượng mới