Những cử tri thiểu số như Quinn Đặng rất thú vị vì họ đại diện cho tập thể các cử tri ngày một lớn mạnh trong đời sống xã hội của Mỹ.

Quinn Đặng, một sinh viên 25 tuổi học ngành báo chí ở Đại học Bang San Jose, quan niệm sống là phải chân thực. Cậu xăm cả lên cánh tay cụm từ: “Chúng ta chỉ có thể là chính mình”.

Ngồi trước khối nhà thư viện hoàng tráng của trường đại học, cậu kể về vấn đề lớn nhất của các sinh viên Mỹ: vay nợ.

Quinn kể: “Tôi đã vay 17000 USD để đi học đại học và phải bắt đầu trả nợ 6 tháng sau khi tốt nghiệp, tức là mỗi tháng phải trả thêm 200 USD. Với tốc độ đó thì 10 năm sau tôi mới trả hết nợ.”   

“May mà có chú tôi cằn nhằn suốt nên tôi cũng tiết kiệm được hơn 7000 USD rồi. Ngoài học ở trường và đi thực tập ra thì tôi còn làm việc hơn 40 giờ một tuần nữa (làm công việc bảo vệ)".

“Tôi tính trong 5 năm sẽ trả hết khoản nợ vay để học đại học. Một số người đến 40 tuổi rồi mà vẫn chưa trả hết khoản nợ đó".

“Gia đình tôi có mức thu nhập thấp, các thành viên đều phải làm việc rất vất vả mới đủ tiền duy trì cuộc sống. Cứ tưởng tượng độ khó khăn của một gia đình mà mẹ kết hôn lúc 18 tuổi và 22 tuổi đã một nách bốn con thì mới hiểu được.“

Vẻ ngoài trẻ trung với nước da sáng và dáng người mảnh khảnh của Quinn làm người khác không nghĩ rằng cậu lại có những suy nghĩ thật chín chắn: “Tôi tận dụng mọi cơ hội để đi trước đón đầu trong lĩnh vực của mình. Tôi đã làm trong ngành thực phẩm và bán lẻ từ khi ra khỏi nhà lúc 18 tuổi.”

Những cử tri thiểu số như Quinn Đặng rất thú vị vì họ đại diện cho tập thể các cử tri ngày một lớn mạnh trong đời sống xã hội của Mỹ.

{keywords}
Quinn Đặng với niềm đam mê xe mô tô. Ảnh: Karim Raslan

Quinn không chỉ là một phần của thế hệ mới đã tốn bao giấy mực của báo chí, cậu ấy còn là một người Mỹ gốc Việt, một thành viên của cộng đồng nhỏ trong các cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Viện chính sách nhập cư (MPI) ước tính có khoảng 1,8 triệu người Việt Nam và con cái họ đã nhập cư vào Mỹ.  

Khu Việt kiều lớn nhất ở ngoại quốc nằm ở Quận cam California. Vậy nên nước Mỹ cũng là nơi sinh sống của một trong những nhóm Việt kiều lớn nhất trên thế giới.

Nhiều nhà bình luận đang băn khoăn về những ảnh hưởng của nhóm cử tri Mỹ gốc Á đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Liệu họ có thể gây ra những thay đổi đến chính sách của Mỹ, đặc biệt là đối với khu vực Đông Nam Á, nơi Mỹ đang tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc hay không?

Không nên quên rằng trong năm 2012, người Mỹ gốc Việt đã chuyển 5,7 tỉ USD về "nhà", lượng kiều hối này chiếm đến 7,1% GDP của Việt Nam.

Khảo sát gần đây cho biết mặc dù 36% người Mỹ gốc Việt ủng hộ đảng Cộng Hòa vào năm 2012, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 29% vào cuộc bầu cử 2016, so với 32% năm 2012 và 45% năm 2016 ủng hộ đảng Dân Chủ.

Tuy nhiên, khái quát càng nhiều lại càng thiếu khôn ngoan, quan điểm chủ chốt của Quinn trong cuộc bầu cử 2016 là:  

“Tôi tôn trọng Bernie Sanders vì ông ấy là một người trung thực. Ông ấy chỉ trích việc làm giáo dục và y tế hoàn toàn vì lợi nhuận. Nếu không nhờ có ông ấy, bà Hillary Clinton sẽ không bao giờ chịu đối mặt với những vấn đề này. Bà ấy không phải là một người tiên phong. Bà ấy thiếu cam kết và những lời nói thì làm người ta cảm thấy giả tạo. Nhưng vẫn có thể tôi sẽ bỏ phiếu cho bà ấy.”

Thật vậy, cậu ấy nghĩ Trump là một người cuồng tín và thừa nhận rằng Clinton có đủ điều kiện.

Điều gì tạo ra sự khác biệt như vậy?

Có lẽ là do hoàn cảnh gia đình.

Ông bà Quinn đến Mỹ vào năm 1976 khi mẹ cậu mới chỉ 5 tuổi, họ là những người tị nạn chiến tranh Việt Nam. Cậu nói rằng điều này có thể đã tạo cho cậu một môi trường lớn lên thoải mái, theo hướng Mỹ hóa hơn so với các bạn cậu có bố mẹ nhập cư vào Mỹ lúc là thiếu niên.

Nhưng cậu ấy có cảm nhận được mối liên hệ với mảnh đất tổ tiên mình hay không?

Quinn Đặng nhấn mạnh: "Tôi là người Mỹ". Cậu chưa bao giờ về Việt Nam và tuy rằng có thể hiểu được tiếng Việt, cậu không thể nói trôi chảy. Không như mẹ, cậu không đi học lớp tiếng Việt ngoại khóa hay vào cuối tuần.  

Có phải những người Việt kiều đang sống trong giấc mơ Mỹ?

Viện MPI đưa ra mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình người Mỹ gốc Việt trong khoảng thời gian 2009-2013 là 52 nghìn USD, so với mức trung bình ở nước Mỹ là 50 nghìn USD. Ngoài ra, 22% người Mỹ gốc Việt trên 25 tuổi có bằng đại học.  

Ngược lại, chỉ có 24% người Mỹ gốc Việt từ 16 tuổi trở lên làm việc trong các ngành nghề chuyên môn, so với 31% người Mỹ và số người tốt nghiệp trung học phổ thông cũng ít hơn mức trung bình toàn quốc.

Những con số này đi ngược lại với quan niệm rằng tất cả người Mỹ gốc Á đều nằm trong "thiểu số kiểu mẫu" có được thành công nhanh chóng.

Vậy nên 1% người Mỹ gốc Việt như Quinn phải ra những quyết định thực tế. Là một người trẻ tuổi xuất thân từ gia đình lao động thiểu số, cậu luôn phải lo lắng về vấn đề sinh tồn. Cậu không thể ra quyết định mang tính rủi ro trong khi bản thân đang ở đáy xã hội, nếu không muốn nói là hoàn toàn bị loại trừ khỏi nó.

Sự cố chấp của Trump có thể sẽ ngăn người Mỹ gốc Việt bầu chung lá phiếu giống tầng lớp người lao động da trắng bất mãn, nhưng liệu họ có còn bầu cho bên Dân Chủ nếu ứng viên Cộng Hòa là một người có kỷ luật hơn?

Ngay cả khi người Mỹ gốc Việt và gốc Á có xu hướng bầu cho đảng Dân Chủ, chúng ta cũng không nên kết luận rằng họ sẽ luôn hành động như vậy.

Karim Raslan, (viết  cho Tuần Việt Nam từ nước Mỹ)