Có thể nói, trong lịch sử nhân loại nói chung, lịch sử Việt Nam nói riêng, hiếm có cuộc cách mạng xã hội nào lại đáp ứng cùng một lúc ba nhu cầu lịch sử của một dân tộc như Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là: (1). Đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập dân tộc. (2). Xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, giải phóng xã hội, xây dựng hệ thống chính trị dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở. (3). Xây dựng Nhà nước với Hiến pháp, chế định quyền công dân và tôn trọng quyền con người cho nhân dân Việt Nam.

{keywords}
Bước ngoặt vĩ đại trong bảo đảm quyền công dân, quyền con người ở Việt Nam. Ảnh minh họa: LAD

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Theo đó, quyền công dân, quyền con người của nhân dân ta có sự thay đổi mang tính bước ngoặt lịch sử, từ thân phận nô lệ, lầm than đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kế tiếp trên truyền thống lịch sử của nhân dân Việt Nam mà còn dựa trên tính chất của thời đại. Đó là, các dân tộc có quyền giành lại độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, có trách nhiệm bảo đảm các quyền công dân và quyền con người. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại bản Tuyên ngôn độc lập (năm 1776) của nước Mỹ, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791) để “suy rộng ra”: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Ngay sau khi giành được chính quyền, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, một quy trình chính trị lập hiến, lập pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng ta lãnh đạo đã ngay lập tức được thực hiện.

Ngày 1/1/1946, Chính phủ Liên hợp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Trong chính phủ Liên hợp có nhiều nhân sĩ, trí thức, trong đó có cả một số người từng làm việc cho chính quyền cũ (như Nguyễn Hải Thần, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Tố) cũng được mời tham gia. Ngày 06-01-1946, tiến hành Tổng tuyển cử trong cả nước. Cuộc Tổng tuyển cử theo nguyên tắc tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín - cho đến nay, đây vẫn là nguyên tắc công bằng và hiện đại nhất của cộng đồng thế giới. Ngày 06-01-1946, Quốc hội đầu tiên của nước ta ra đời.

Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp hiện đại, không chỉ vào thời điểm ra đời mà cho đến nay vẫn giữ nguyên tính chất mới mẻ về nhiều phương diện, kể cả kỹ thuật lập pháp. Trong đó, không chỉ quy định các quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực; quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của người Việt Nam được ghi nhận, mà còn nhiều quyền con người, kể cả quyền của người nước ngoài sống ở Việt Nam cũng được Nhà nước ta bảo hộ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta đã xây dựng một Nhà nước dân chủ, pháp quyền trên nguyên tắc: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Có thể nói, hiếm có một cuộc cách mạng nào, đảng chính trị nào lại có đủ niềm tin vào con đường cách mạng của mình, ý thức về vai trò của pháp quyền và sự tôn trọng quyền của nhân dân như Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là thành tích “khai hóa” của “mẫu quốc”, cũng không phải là “tặng phẩm” của các nước Đồng minh như với một số quốc gia, mà là thành quả từ cuộc vận động cách mạng suốt 15 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 1945); đồng thời, là kết quả của chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn, quyết đoán của Đảng ta và sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào, đảng viên trong suốt quá trình cách mạng đầy khó khăn, gian khổ để thay đổi vận mệnh của dân tộc.

Dân tộc có được độc lập thì con người mới có thể có tự do, hạnh phúc; không thể có được quyền con người, quyền công dân khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp. Đó cũng là tư tưởng, mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định với cả thế giới ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời và đứng vào hàng ngũ tiên phong của các dân tộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Viết Chung