Do vậy, giải pháp bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm:

Trước nhất, sử dụng ngày càng phổ biến và sâu rộng cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước; Và bảo đảm một cách thực tế các quyền con người, nhất là quyền sống, quyền phát triển và quyền của các nhóm yếu thế, trên cơ sở từng bước bảo đảm quyền con người một cách bình đẳng. 

{keywords}
Bảo đảm quyền con người theo phương châm thực hiện các giá trị nhân quyền phổ quát trên cơ sở chủ quyền quốc gia và gắn với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.

Những thành tựu rất quan trọng

Trong một nghiên cứu công phu, PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đến công tác bảo đảm quyền con người, trước tiên, diễn biến theo hướng tích cực.

Cụ thể: Cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội để thúc đẩy công tác bảo đảm và giải quyết vấn đề quyền con người; phát triển theo hướng đa dạng nhu cầu về quyền con người và thách thức mới đối với bảo đảm quyền con người; tạo ra những cơ hội thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế nhanh và bền vững - điều kiện cần thiết để bảo đảm quyền con người;

Góp phần làm thay đổi tư duy pháp lý về quyền con người; thúc đẩy công tác bảo đảm quyền con người tiệm cận ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn luật pháp, chuẩn mực và tập quán quốc tế; qua đó quyền con người không chỉ được bảo đảm ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ quốc tế; bầu bạn trên thế giới hiểu được thành tựu về nhân quyền của Việt Nam; và các quốc gia phương Tây cũng buộc phải điều chỉnh thái độ, chính sách của họ đối với vấn đề quyền con người của Việt Nam, cơ bản theo hướng hợp tác.

Ông cũng cho rằng, trong quá trình đổi mới, đồng thời có những tác động đan xen cả tiêu cực và tích cực đến thực hiện quyền con người, như: gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, tiềm ẩn những bất bình đẳng trong quá trình bảo đảm quyền con người;

Sự bộc lộ một cách đa dạng, có khi gay gắt, nhiều vấn đề cũ đồng thời xuất hiện những vấn đề mới liên quan đến công tác bảo đảm quyền con người (quyền sở hữu đất và bất động sản; bảo vệ quyền có việc làm và nghề nghiệp; bảo vệ quyền của người tiêu dùng; quyền về môi trường; quyền sở hữu trí tuệ; quyền của kiều dân nước ngoài định cư tại Việt Nam và Việt kiều; gia tăng vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quyền con người; quyền của người đồng tính,...).

Sự tác động của biến động kinh tế, nhất là của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam; sự tác động đa chiều của truyền thông và dư luận xã hội trong điều kiện tồn tại, phát triển các mạng xã hội; sự tác động của pháp luật và cơ chế nhân quyền quốc tế, khu vực đến công tác bảo đảm quyền con người,... cũng tác động đến thực hiện quyền con người. 

Trong điều kiện như vậy, công tác bảo đảm quyền con người ở nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nhờ các chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền con người, trước hết và chủ yếu là Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, đã tích cực và từng bước chủ động thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền con người; hệ thống thiết chế và thể chế bảo đảm quyền con người từng bước được xây dựng theo hướng hoàn thiện; sự tham gia tích cực của người dân và các tổ chức xã hội vào công tác bảo đảm quyền con người.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế của công tác bảo đảm quyền con người, thể hiện trong tổ chức, hoạt động của một số thể chế, thiết chế liên quan đến bảo đảm quyền con người; trong thực tế bảo đảm quyền con người cho người dân và trong công tác giáo dục, nghiên cứu, hội nhập quốc tế và đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người. Nguyên nhân xuất phát từ hạn chế trong nhận thức, trong công tác lãnh đạo, quản lý; và từ những khó khăn trong công tác bảo đảm quyền con người.

Tầm nhìn đến năm 2030

Trên cơ sở chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước; căn cứ thực trạng và những vấn đề đang đặt ra trong bảo đảm quyền con người và có tính đến những vấn đề lớn về nhân quyền trên thế giới, có thể dự báo trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra:

Xu hướng phát triển theo hướng đa dạng và gia tăng phân hóa xã hội trong nhu cầu về quyền con người;

Xu hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, thiết chế bảo đảm quyền con người theo hướng dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa với sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn việc bảo đảm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khi đất nước đã chuyển sang nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình;

Xu hướng tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm vào việc bảo đảm các giá trị phổ quát của quyền con người và tích cực, chủ động đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền trong hội nhập quốc tế.

Do đó, quan điểm chỉ đạo công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xác định theo hướng:

Nhân dân là chủ thể của quyền và bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa;

Quyền con người vừa có tính phổ biến vừa có tính đặc thù và trong xã hội cơ bản được thể hiện ở tính nhân loại gắn với tính giai cấp và tính dân tộc;

Bảo đảm quyền con người theo phương châm thực hiện các giá trị nhân quyền phổ quát trên cơ sở chủ quyền quốc gia và gắn với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa;

Quyền con người không đồng nhất với quyền công dân, gồm cả quyền tập thể và quyền cá nhân, quyền gắn liền với nghĩa vụ, giới hạn quyền do luật định, trên cơ sở xác định rõ chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền;

Từng bước bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền, có ưu tiên quyền sống, quyền phát triển và quyền của các nhóm yếu thế;

Quyền con người được bảo đảm bằng chế độ dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Thu Thủy lược ghi