Kể từ khi nộp Báo cáo quốc gia lần thứ hai về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 2002 đến nay, Việt Nam ngày càng chú trọng công tác xây dựng pháp luật và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là sau Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, rất nhiều luật quan trọng liên quan trực tiếp đến các quyền dân sự, chính trị đã được ban hành và liên tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích ngày càng ghi nhận đầy đủ nhất các quyền này.

{keywords}
Hệ thống pháp luật về quyền con người trong Nhà nước pháp quyền ngày càng hoàn thiện.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, trong đó bao gồm các nội dung về quyền con người, quyền công dân.

Tính từ tháng 1/2014 đến nay, đã có khoảng hơn 100 luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều luật quan trọng về quyền con người, chẳng hạn như: Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Luật Báo chí năm 2016; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Tố cáo năm 2018; Luật Đặc xá năm 2018... Các đạo luật này quy định đầy đủ, rõ ràng hầu hết các quyền dân sự và chính trị; các cơ chế bảo đảm và phát huy các quyền này tại Việt Nam...

Tính đến tháng 6/2018, cả nước đã có tới có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép đến hết tháng 6/2018 là 1.510. Hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Internet phát triển vô cùng nhanh chóng đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập internet là 28,35%, số người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 50 triệu người, chiếm 54% dân số (so với 30,8 triệu người năm 2013). Việt Nam có 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook.

Quyền bình đẳng trước tòa án và quyền được xét xử công bằng đã được quy định trong Hiến pháp, các đạo luật liên quan và đã đi vào thực tế. Năm 2017, Tòa án gia đình và người chưa thành niên đã được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em dưới 18 tuổi. Các cơ chế tố tụng được bảo đảm theo hướng công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người; thủ tục phiên tòa được đổi mới. Việc tiếp cận công lý của người dân luôn được khẳng định … Năm 2018, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiếp nhận, thực hiện 58.887 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 51.608 lượt người, trong đó có 18.358 vụ việc tham gia tố tụng (tăng 12,7% so với năm 2017). Đặc biệt, 100% các vụ án hình sự mà yêu cầu phải chỉ định luật sư bào chữa thì đều có sự tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý.

{keywords}
Việt Nam ngày càng chú trọng công tác xây dựng pháp luật và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Ảnh minh họa

Lĩnh vực hành chính và tư pháp - lĩnh vực gắn chặt với người dân, doanh nghiệp - đã được chú trọng nâng cao chất lượng. Một khối lượng lớn nhu cầu liên quan đến vấn đề hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã được giải quyết, trong đó các cơ quan có chức năng của Việt Nam thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, từng bước hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho người dân cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước. 

Năm 2018, số lượng đăng ký hộ tịch đều tăng so với năm 2017, đặc biệt là số lượng đăng ký khai sinh lại tăng rất lớn (đăng ký khai sinh mới cho 2.180.030 trường hợp, đăng ký khai sinh lại cho 1.413.987 trường hợp và 5.354 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài; đăng ký kết hôn cho tổng số 787.764 cặp, trong đó có 20.849 trường hợp có yếu tố nước ngoài). Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 5.452 hồ sơ về quốc tịch (gồm 5.278 hồ sơ xin thôi, 164 hồ sơ xin nhập, 10 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam); trả lời tra cứu quốc tịch Việt Nam của 1.875 trường hợp theo đề nghị của các cơ quan.

Thu Thủy