Năm 2019, Quốc hội đã chọn chuyên đề giám sát tối cao liên quan đến trẻ em.

Theo chương trình công tác Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UBVHGDTNTNNĐ) tổ chức khảo sát tình hình triển khai Luật Trẻ em 2016 nhằm mục đích đánh giá việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách đối với trẻ em; từ đó Ủy ban sẽ có những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTNNĐ đánh giá, “so với nhiều luật, Luật Trẻ em đi vào đời sống khá nhanh, cho thấy sự vào cuộc sát sao của Cơ quan thường trực”.

{keywords}
“So với nhiều luật, Luật Trẻ em đi vào đời sống khá nhanh, cho thấy sự vào cuộc sát sao của Cơ quan thường trực”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Uỷ ban quốc gia về trẻ em thông báo, thời gian qua các cơ quan liên quan đã nỗ lực đã cụ thể hoá 5 nhóm nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, công tác tăng cường phối hợp liên ngành trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công tác trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em, phù hợp với quy định của Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em được triển khai tích cực.

Hàng năm, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về trẻ em và trách nhiệm của thường trực Ủy ban, Bộ LĐ-TBXH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện Luật trẻ em và các chương trình, đề án, dự án về trẻ em đã được phê duyệt; chỉ đạo tổ chức tập huấn cho cán bộ trung ương và địa phương về thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tập huấn về vận hành cơ sở dữ liệu cho cán bộ làm công tác trẻ em các tỉnh, thành phố. Đồng thời xây dựng kế hoạch liên ngành nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TBXH tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch triển khai truyền thông về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội rà soát, xây dựng tài liệu, sản phẩm truyền thông và tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em ( các chiến dịch “lan toả yêu thương”; chiến dịch “suy nghĩ trước khi chia sẻ”…).

Đẩy mạnh thông tin, quảng bá về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trên các kênh tuyền thông đại chúng và mạng xã hội. Đồng thời truyền thông vận động xã hội, thúc đẩy phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”.

Trong năm nay, Ủy ban đã ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra liên ngành tình hình thực hiện quyền trẻ em và công tác trẻ em: (i) Kiểm tra liên ngành đối với 02 Bộ: Giáo dục và Đào tạo và Y tế; (ii) Kiểm tra 07 tỉnh/thành phố: Đồng Nai, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Bình Dương và Hà Nội. Đoàn công tác gồm đại diện các bộ, ngành là thành viên Ủy ban và đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; (iii) Thanh tra liên ngành (Bộ LĐ-TBXH, GD&ĐT, Tư pháp) đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cở sở trợ giúp xã hội tại: Thái Bình, Đà Nẵng, An Giang và TP Hồ Chí Minh. Tính đến hết tháng 7/2019, Lãnh đạo hai Bộ LĐ-TBXH, VHTTDL làm trưởng đoàn đã kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình.

Năm ngoái UBQGVTE đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra giám sát việc thực hiện quyền trẻ em ở 04 tỉnh: Lào Cai, Điện Biên, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Các Bộ, ngành cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện công tác chuyên môn của ngành và kết hợp kiểm tra công tác trẻ em theo trách nhiệm được giao. Trung ương Đoàn đã thành lập 22 đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ và theo chuyên đề tại 44 tỉnh, thành phố, trong đó nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến nguyện vọng của trẻ em được lồng ghép, gắn với các nội dung công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Thông qua kiểm tra, giám sát nắm bắt thực tiễn triển khai tại cơ sở; kịp thời định hướng những chủ trương, nội dung mới, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; ghi nhận và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Luật trẻ em. 

Xung quanh những nỗ lực bảo đảm quyền trẻ em trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tổng kết, hơn 1 năm từ ngày thành lập, UBQGVTE đã bước đầu thực hiện trách nhiệm tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ được giao theo chức năng nhiệm vụ, điều phối hoạt động với các cơ quan liên quan.

Cụ thể, thời gian qua, UBQGVTE đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành được 3 Đề án: Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025, Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 và Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025. 

Tuy nhiên, nguồn lực dành cho công tác trẻ em ở cấp TW ít, ở địa phương càng ít hơn, chủ yếu phải thực hiện lồng ghép trong các chương trình có liên quan. Mà, "trách nhiệm bảo vệ chăm sóc trẻ em cần phải được cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo của HĐND, UBND các địa phương một cách cụ thể. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các vấn đề bạo lực xâm hại trẻ em, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em làm con nuôi", thứ trưởng nhấn mạnh.

Dự kiến trong năm nay, Bộ LĐ-TBXH sẽ hoàn thiện hướng dẫn hoạt động của Ban điều hành, Ban Bảo vệ trẻ em các cấp, đồng thời, rà soát các văn bản pháp luật liên quan, chuẩn bị kiến nghị gửi tới các cơ quan, đoàn giám sát tối cao, tập hợp những vấn đề đã đôn đốc các đơn vị, cơ quan thực hiện làm cơ sở báo cáo lên Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban về Các vấn đề xã hội và Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội. 

Nhiều chính sách về bảo đảm quyền của trẻ em đã được ban hành

Hiến pháp năm 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em...

Luật trẻ em 2016 tạo dựng khung pháp lý quan trọng về quyền trẻ em; thể hiện rộng hơn các nội dung về quyền trẻ em, các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em, quy định cụ thể các yêu cầu bảo vệ trẻ em, cấp độ bảo vệ trẻ em, trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, các biện pháp chăm sóc thay thế, bảo vệ trẻ em trong tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời có riêng một chương quy định về trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 dành riêng Chương XVIII với 18 điều về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, đặc biệt là Điều 414, Điều 415, Điều 418 và Điều 4192. Tòa gia đình và người chưa thành niên được thành lập tại TAND Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 4/2016) và tại TAND tỉnh Đồng Tháp (tháng 8/2017).

Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 hướng dẫn chi tiết một số điều Luật trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020; Dự án phát triển Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”...

Thanh Lan