Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Kế hoạch tăng cường thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR), sau khi Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước lần thứ 3 trong Phiên đối thoại tại Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc.

Điều này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện nghiêm túc, nhất quán, toàn diện chủ trương tôn trọng và thúc đẩy quyền con người, được quốc tế đánh giá cao.

{keywords}
Đại diện Ủy ban Nhân quyền LHQ và đại diện đoàn công tác liên ngành Việt Nam tại phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR), ngày 11/3/2019 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh minh họa: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc – Trưởng Đoàn Việt Nam tham gia Phiên đối thoại đã chia sẻ với báo chí: Thành công có được của Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền vừa qua về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 là do Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, được quốc tế ghi nhận về cải cách sâu rộng, toàn diện, trong đó có cải cách pháp luật và tư pháp, cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đặt con người vào trung tâm của các chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có tiếng nói, đóng góp vào sự phát triển đất nước và được hưởng thụ một cách công bằng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau Phiên đối thoại, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và địa phương có trách nhiệm ban hành kế hoạch thực hiện riêng của mình hoặc bổ sung, lồng ghép các nhiệm vụ vào các kế hoạch, đề án, chương trình, chiến lược quốc gia và cơ chế khác; có báo cáo việc thực hiện Kế hoạch gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Là cơ quan chủ trì, Bộ Tư pháp đang tích cực xây dựng để sớm ban hành kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện đối với từng lĩnh vực công tác có liên quan.

Sau những việc mà chúng ta đã làm được trong ghi nhận, tôn trọng bảo đảm và bảo vệ quyền con người, trong đó có những nội dung quan trọng tại Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và kết quả xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp gần đây thì có thể thấy chúng ta có nhiều cơ hội lớn hơn so với trước đây để thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR.

{keywords}
Chúng ta có nhiều cơ hội lớn hơn so với trước đây để thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR. Ảnh LAD

Đó là chưa kể tới các cơ hội đem lại từ quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, năng lực, trình độ, nhận thức của cán bộ, công chức và trách nhiệm phục vụ, làm đúng pháp luật đã có nhiều cải thiện... Trong số rất nhiều cơ hội đó, theo tôi, một trong những cơ hội lớn nhất chính là chúng ta đã và đang đi đúng hướng, những nỗ lực và cố gắng vừa qua của Việt Nam đã đem lại những kết quả tích cực, cụ thể.

Nói như vậy không đồng nghĩa với việc mọi việc sẽ đều thuận lợi hoặc sẽ không có khó khăn, thách thức gì đối với Việt Nam trong thực hiện Công ước này trong thời gian tới. Bởi vấn đề quyền con người có thể được mổ xẻ, phân tích, đánh giá và khai thác từ nhiều góc độ khác nhau, phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Việc hiểu đúng vấn đề này, đặt đúng vào bối cảnh, hoàn cảnh, điều kiện của mỗi quốc gia luôn là một thách thức.

Bản thân khuôn khổ pháp luật quốc tế về quyền con người luôn phát triển phù hợp với sự phát triển của tình hình quốc tế. Chính vì vậy, việc cập nhật, nâng cao hiểu biết để theo kịp sự phát triển của pháp luật quốc tế về quyền con người là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Công ước ICCPR đã tồn tại 53 năm mà chưa có sửa đổi, nhưng những bình luận, giải thích chính thức về các quy định tại Công ước của Ủy ban Nhân quyền đã có những sự phát triển mạnh mẽ, đi cùng với đó là sự gia tăng trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam.

Với vai trò đặc biệt, trung tâm của Công ước ICCPR trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người thì việc thực hiện Công ước này đã, đang và sẽ luôn là nội dung quan trọng trong các cuộc thảo luận về chính sách, pháp luật ở tầm quốc tế, khu vực và quốc gia. Trong khi đó, với điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam thì ngoài những khó khăn, thách thức chung như đối với các công việc khác, những thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện Công ước đã được thể hiện ở 03 nhiệm vụ chính mà Kế hoạch đã nêu: thứ nhất là cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thứ hai là nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và thứ ba là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo về Công ước ICCPR.

Nói về cơ hội và thách thức thực hiện Công ước ICCPR là để chúng ta cùng hiểu đúng, thống nhất về nhận thức để cùng hành động, nhất là thực hiện hiệu quả Kế hoạch. Tuy nhiên, cơ hội và thách thức là đan xen nhau và phụ thuộc nhiều vào cách mà chúng ta tiếp cận, giải quyết vấn đề.

Hải Văn