Chia sẻ về công tác rà soát lại những chính sách kể từ khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị từ năm 2004 đến nay nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong thời gian tới, Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ, trọng tâm công tác trong thời gian tới Ủy ban NVNONN sẽ đẩy mạnh công tác tham mưu và xây dựng chính sách.

Cụ thể là rà soát lại những chính sách kể từ khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị từ năm 2004 đến nay, những gì còn bất cập, chưa phù hợp thì phải chỉnh sửa. Ví dụ như Luật Quốc tịch, vấn đề hai quốc tịch hay là những quy định liên quan đến việc kiều bào của chúng ta trở về trong nước để kinh doanh, đầu tư hay mua nhà ở, rồi đăng ký thường trú,… Tất cả những điều đó thì hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng ở trong nước tiến hành rà soát và sẽ có những kiến nghị lên cấp cao để chúng ta sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình mới.

{keywords}
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thân mật tiếp Đoàn kiều bào tiêu biểu về nước dự chương trình “Xuân quê hương 2018 – Việt Nam rạng ngời tương lai” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, Luật Quốc tịch quy định mỗi công dân chỉ có một quốc tịch, trong khi chính sách quốc tịch rất linh hoạt, mềm dẻo. Do vậy, nhiều kiều bào hiện nay trên thực tế có hai quốc tịch Việt Nam và nước ngoài. Đối với nững trường hợp muốn quay lại quốc tịch Việt Nam hoặc nhập quốc tịch Việt Nam thì thủ tục cũng rất mất nhiều công sức. Do vậy, Ủy ban NVNONN đang kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quốc tịch làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con của chúng ta có trở lại quốc tịch Việt Nam. Hướng thứ hai nữa là rà soát lại các cơ chế, chính sách, đặc biệt là những biện pháp trọng dụng, trọng đãi nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài.Liên quan đến công tác xây dựng chính sách pháp luật, hiện Ủy ban NVNONN đang phối hợp với Bộ Tư pháp vừa có tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam vì “chúng tôi thấy có một số điểm chưa hợp lý đối với kiều bào”, đại sứ Lương Thanh Nghị chia sẻ.

Bên cạnh đó, Ủy ban NVNONN cũng đang cùng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ những giải pháp mới nhằm thu hút hơn nữa những tri thức, chuyên gia khoa học ở nước ngoài về nước hiến kế, đóng góp cho quê hương, đất nước. đồng thời, thường xuyên rà soát, theo dõi cũng như kiến nghị các bộ, ngành liên quan đối với những trường hợp kiều về trong nước đầu tư, kinh doanh mua nhà ở theo hướng thuận lợi hơn nữa, tạo điều kiện cho kiều bào về nước nhiều hơn, đóng góp cho đất nước.

Hồi giữa năm, Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao và Ban Dân vận Trung ương đã cùng thảo luận 3 nhóm vấn đề chính liên quan đến công tác đối với NVNONN gồm: Luật Quốc tịch (vấn đề về nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam đối với NVNONN); thu hút nguồn lực NVNONN phục vụ xây dựng và phát triển đất nước và thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, thời gian qua, nhiều văn bản đã được ban hành thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho kiều bào và nhờ đó, cộng đồng NVNONN ngày một gắn bó hơn với quê hương, kể cả thế hệ trẻ và trở thành nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Với quyết tâm đưa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, nhiều chính sách, biện pháp đã và đang được rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới theo hướng ngày càng thuận lợi hơn cho bà con kiều bào, đặc biệt là những chính sách nhằm thu hút trí thức, doanh nhân, nhà đầu tư kiều bào về hợp tác với trong nước như xem xét miễn thị thực cho một số đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thêm 2 đối tượng người Việt Nam được mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam; cho phép kiều bào mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước; tăng cường thông tin cho kiều bào; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc kết nối các doanh nhân, trí thức kiều bào với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước,... Đồng thời, tiến hành đơn giản hoá các thủ tục hành chính như thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh, cư trú đi lại, hợp pháp hoá các loại giấy tờ, chính sách một giá...

Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp kiều bào từ Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Séc, Hà Lan… đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số vốn góp và vốn đăng ký 4 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản… Kiều hối gửi về nước luôn duy trì mức tăng khoảng 10-15% mỗi năm với tổng kiều hối trong 10 năm qua lên gần 112 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đóng góp quan trọng vào ổn định cán cân thanh toán và phát triển kinh tế của đất nước.

Năm 2018, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập, quy tụ 100 chuyên gia, trí thức NVNONN, tạo bước đột phát mới trong đoàn kết, tập hợp chuyên gia, trí thức kiều bào hướng vào những nhiệm vụ phát triển cụ thể của đất nước…

Tháng 6/2019, Diễn đàn kinh tế kiều bào lần thứ nhất với sự bảo trợ của Ủy ban được tổ chức tại Hàn Quốc nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam cả trong và ngoài nước trên những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ 4.0, thương mại, du lịch, dịch vụ… cùng với các hoạt động triển lãm sản phẩm, xúc tiến thương mại.

Trong bối cảnh cộng đồng NVNONN vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như địa vị pháp lý chưa ổn định; tình trạng tội phạm của NVNONN tại một số địa bàn có xu hướng tăng về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam; công tác hội đoàn và chuyển giao thế hệ còn tồn tại nhiều vấn đề kiều bào mong muốn Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các thế hệ ngày càng gắn bó với quê hương, cụ thể là các vấn đề liên quan đến quốc tịch, chính sách thu hút nguồn lực kiều bào và vấn đề đại đoàn kết dân tộc.

Thanh Lan