Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động không ngừng, khủng bố, cực đoan, bạo lực, xung đột… đang đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người trên thế giới, việc ngăn ngừa chiến tranh, gìn giữ hòa bình, duy trì môi trường an ninh bền vững, ổn định chính là nền tảng của công cuộc bảo vệ quyền con người trên thế giới. Đó cũng là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong cam kết thúc đẩy quyền con người.

Với mong muốn thực sự trở thành “Đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam luôn chủ động đóng góp trực tiếp trong sứ mệnh quốc tế bảo vệ hòa bình, cũng là để bảo vệ quyền con người thông qua việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, thực hiện sứ mệnh cao cả, giúp đỡ những nước bị tàn phá do xung đột và chiến tranh củng cố hòa bình, tái thiết đất nước, để tạo ra các điều kiện thúc đẩy quyền con người ở nơi đó, trước hết là quyền được sống trong hòa bình và ổn định.

{keywords}
Với số phiếu là 192/193, Việt Nam chính thức trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Chính thức tham gia đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc từ năm 2014, sau 5 năm, Việt Nam đã triển khai sĩ quan tại hai phái bộ ở Nam Sudan và CH Trung Phi. Đặc biệt, năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thực thi nhiệm vụ ở Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại Nam Sudan và mới nhất, tháng 11 vừa qua, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã lên đường tới Nam Sudan, sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam chủ động đề xuất, thúc đẩy những sáng kiến của mình nhằm đóng góp trực tiếp và xây dựng vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển, những yếu tố tiên quyết để bảo đảm và phát huy quyền con người ở bất kỳ nơi đâu.

Bởi vậy, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu ưu tiên rất cụ thể như: Góp sức ngăn chặn xung đột, tăng cường ngoại giao phòng ngừa, giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, tăng cường chủ nghĩa đa phương, củng cố phát triển bền vững, đấu tranh chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy quyền con người.

Trả lời phóng vấn báo chí về những ưu tiên của Việt Nam ngay trong tháng nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng bảo an, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc chia sẻ về 3 ưu tiên: thứ nhất, là làm tốt vai trò điều hành để HĐBA xử lý tốt các vấn đề nảy sinh, bảo vệ vững chắc hòa bình và an ninh quốc tế; Thứ hai, phát huy vai trò của Chủ tịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của Hiến chương Liên Hợp quốc trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật, tuân thủ Hiến chương để bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế; Và ưu tiên thứ ba, là thúc đẩy sự hợp tác giữa LHQ và ASEAN. ASEAN ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc gìn giữ hòa bình và an ninh khu vực cũng như đóng góp vào quá trình gìn giữ hòa bình, an ninh trên thế giới.

Nhìn vào những ưu tiên đó, đủ thấy rõ cam kết của Việt Nam cùng các thành viên khác của Liên hợp quốc chung tay giải quyết các thách thức rất phức tạp, tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, vì con người, lấy con người làm trung tâm. Đó cũng là mục tiêu cao nhất để bảo đảm quyền con người.

Hẳn nhiều người còn nhớ, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam được bầu chọn đảm nhiệm cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Năm 2007, Việt Nam trúng cử vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc về hòa bình, an ninh quốc tế.

{keywords}
Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Trong bối cảnh Hội đồng bảo an phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, nhiều thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trầm trọng, chúng ta đã đảm nhận thành công trọng trách này, tham gia vào các quyết định liên quan tới giải quyết xung đột, tái thiết hậu xung đột, khủng bố quốc tế, các hoạt động gìn giữ hòa bình và nâng cao tính minh bạch của Hội đồng bảo an.

Một số đóng góp nổi bật trong nhiệm kỳ này là Hội đồng bảo an thông qua nghị quyết 1889 do Việt Nam đề xuất về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, với nội dung tập trung về nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong hoàn cảnh hậu xung đột và tăng cường sự tham gia của nữ giới trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến tổ chức tham vấn rộng rãi với các thành viên Liên Hợp Quốc ngoài Hội đồng bảo an về Báo cáo hàng năm của Hội đồng trước Đại hội đồng.

Việt Nam là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế chủ chốt về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đồng thời là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

Có thể nói, Việt Nam đã và đang nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành viên Hội đồng bảo an và các nước thành viên Liên Hợp quốc. Việt Nam đang thể hiện vị thế “một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” thông qua những đóng góp ngày càng thiết thực vào các vấn đề chung của thế giới, cũng chính là những đóng góp nhằm thúc đẩy và đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, trong khu vực và trên bình diện quốc tế.

Cùng với những thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong Khóa họp 41 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc hồi giữa năm, những “dấu ấn hòa bình” của Việt Nam đang tiếp tục được tô đậm tại các diễn đàn đa phương quốc tế.

Minh Vân