Trên lĩnh vực quyền kinh tế, báo cáo năm nay tập trung chứng minh về thành tựu trong công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Trên lĩnh vực quyền dân sự chính trị, báo cáo đã làm rõ Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận, báo chí và quyền tiếp cận thông tin, nhất là với thông tin trên internet, mạng điện tử; đời sống tín ngưỡng tôn giáo được Nhà nước Việt Nam bảo hộ và giúp đỡ.

Đảm bảo an sinh xã hội

Nhìn lại năm 2019, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, song kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch (6,6-6,8%), thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, điều chưa có trong lịch sử nước ta.

Đảng và Nhà nước coi phát triển xã hội, đảm bảo ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nhiệm vụ trọng yếu, theo hướng“Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng rộng mở và hiệu quả để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là nhóm đối tượng chính sách, đối tượng nghèo”

Trong năm nay, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 4%, thấp hơn 1% so với năm 2018; tỉ lệ bao phủ BHYT đạt trên 90%; hơn 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch gần 2 năm…

Đảm bảo quyền dân sự, chính trị

{keywords}
“Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”.

Trong năm nay, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã tổ chức Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR).

Tại phiên họp, đoàn liên ngành của Việt Nam đã chia sẻ những thành tựu đáng khích lệ trong việc bảo vệ và phát huy quyền dân sự, chính trị ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cũng cung cấp thêm những thông tin cụ thể để các thành viên Ủy ban Nhân quyền hiểu rõ và chính xác về tình hình thực thi Công ước ICCPR ở Việt Nam; bác bỏ những luận điểm sai trái, không có tính chất xây dựng của một số tổ chức, cá nhân về vấn đề này.

Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã đánh giá cao việc tham gia và đối thoại của đoàn Việt Nam tại Phiên họp. Các thành viên Ủy ban Nhân quyền cũng ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR, đồng thời tin tưởng rằng với cam kết mạnh mẽ và những nỗ lực không ngừng, Việt Nam tiếp tục bảo vệ và phát huy ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Theo TS. Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu quyền con người, việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, trước hết được thể hiện trong bầu cử, ứng cử.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV (năm 2014): Tỷ lệ cử tri đã bỏ phiếu đạt 99,35%; về cơ cấu có: 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 133 đại biểu là phụ nữ, 21 đại biểu là người ngoài Đảng. Lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ... 

Bên cạnh đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền của các dân tộc thiểu số được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Tháng 11/2016, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (thay cho nghị định trên lĩnh vực này). Luật này mở rộng và quy định rõ: Quyền của cá nhân bao gồm cả những người đang bị giam giữ, thi hành án được thực hiện các nghi thức, thực hành tín ngưỡng; quyền của người nước ngoài về tín ngưỡng, tôn giáo ở tại Việt Nam...

Đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí

{keywords}
Việt Nam có lượng người dùng internet lớn thứ ba tại khu vực


Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Việt Nam có 858 cơ quan báo chí in; 105 cơ quan báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. 

Theo thống kê, tính đến đầu năm 2019, Việt Nam đã có hơn 60 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 60% dân số, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet và có khoảng 55 triệu người sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nằm trong nhóm nước có lượng người dùng lớn nhất thế giới.

Năm 2018, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019). Hiện tại, Việt Nam có 35 triệu người sở hữu tài khoản Facebook; trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động. Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, mạng Facebook ở Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực và là quốc gia có lượng người dùng internet lớn thứ ba tại khu vực Đông Nam Á.

Sóng của những hãng thông tấn, báo chí lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg dễ dàng bắt được tại Việt Nam… Qua internet, người dân Việt Nam ngày nay có thể tiếp cận tin, bài của các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài, như: AFP, AP, BBC, Reuters, Kyodo...

Những minh chứng trên cho thấy, mặc dù trên con đường hội nhập và phát triển, Việt Nam còn nhiều vấn đề kinh tế - xã hội vẫn cần tiếp tục nỗ lực giải quyết. Song không ai có thể phủ nhận được những thành thành tựu to lớn, vững chắc hướng đến quyền con người, hướng đến sự chủ động thực hiện các cam kết quốc tế nhằm bảo đảm các quyền con người của Đảng và Nhà nước ta.

Hải Anh