Báo cáo UPR chu kỳ III đã Ủy ban nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua hồi giữa năm đã được xây dựng một cách công phu, với sự tham gia rất tích cực của 18 bộ, ngành, cơ quan có liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về tiến trình UPR.

Phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III, đại đa số các quốc gia đều nhìn nhận thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.

{keywords}
Trong năm 2019, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, tham gia Cam kết tự nguyện toàn cầu về quyền trẻ em và Tuyên bố trường học an toàn. Ảnh Lê Anh Dũng

Kể từ lần rà soát UPR trước (2014), những thành tựu phát triển của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó có việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang bước đầu đạt kết quả khả quan trong triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG); thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15-20%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tính đến tháng 10/2019 giảm 1 - 1,5% (còn khoảng 3,73 - 4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao;

Người dân tất cả vùng miền tiếp cận với đài, truyền hình, với công nghệ Internet tạo điều kiện tiếp cận thông tin nhiều hơn, nhanh hơn, trong nước và ngoài nước. Hiện khoảng 70% người dân Việt Nam có thể tiếp cận Internet hàng ngày, không chỉ để phục vụ sinh kế, học tập, giải trí mà còn để trực tiếp thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu tích cực đó, Việt Nam vẫn còn những tồn tại, khó khăn trong việc thực thi chính sách về quyền con người, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình triển khai các kết quả của UPR, nếu như chúng ta không tập trung khắc phục.

Ví dụ, trong thực tế, nhận thức của người dân về quyền mình được hưởng chưa đầy đủ, về năng lực người cán bộ thực thi bảo đảm quyền người dân còn thiếu sót trong khi điều kiện khách quan về kinh tế - xã hội chưa cho phép chúng ta có nguồn lực đảm bảo quyền người dân như mong muốn. 

{keywords}
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tại phiên thảo luận về Thúc đẩy và Bảo đảm quyền con người tại Ủy ban 3, Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Quang Vinh/baoquocte)


Bên cạnh đó, vẫn còn một số những thách thức, tồn tại về khuôn khổ pháp lý, nguồn lực và chính sách nhằm thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam, nhất là đối với các nhóm yếu thế trong xã hội, đồng thời đề xuất các hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới nhằm bảo đảm sự thụ hưởng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của mỗi người dân.

Ví dụ về Luật pháp, chúng ta khắc phục làm sao luật pháp có hiệu quả hơn, giảm bớt sự chồng chéo. Bộ máy hệ thống hành chính giảm bớt quan liêu phục vụ người dân tốt hơn, tiến hành chiến lược cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước nhìn nhận trong hệ thống pháp luật, tư pháp vẫn còn những tồn tại cần khắc phục.

Để triển khai các kết  quả của UPR chu kỳ III, đòi hỏi Việt Nam sẽ phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật dựa trên cơ sở phát huy những mặt tích cực, thành tựu đã đạt được trong chính sách về quyền con người. Việt Nam sẽ phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, tiếp tục bổ sung các chính sách liên quan đến vấn đề quyền con người; đồng thời xây dựng những biện pháp cụ thể nhằm thực thi pháp luật các chính sách về con người; Tích cực giao lưu chia sẻ kinh nghiệm thực thi quyền con người với bạn bè quốc tế và tham khảo các bài học kinh nghiệm của họ.

Nhìn vào sự sẵn sàng của Việt Nam, nhìn vào sự tích cực chủ động của Việt Nam, giới quan sát lạc quan nhận định, quá trình triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chắc chắn sẽ tạo ra những tác động không nhỏ đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề quyền con người.

Cơ chế UPR được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc do được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt quốc gia lớn, nhỏ. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng cơ chế UPR và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận.


Trần Hằng