Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước đã tiến hành cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao vai trò, chức năng của các cơ quan dân cử, nâng cao hiệu lực hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền nhằm bảo đảm quyền con người.

{keywords}
Trong thời kỳ đổi mới, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước ta là đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển nhằm khơi dậy mọi tiềm năng của cả cộng đồng dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta là đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển nhằm khơi dậy mọi tiềm năng của các cá nhân, tổ chức và cả cộng đồng dân tộc. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước đã tiến hành cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao vai trò, chức năng của các cơ quan dân cử, nâng cao hiệu lực hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền nhằm bảo đảm quyền con người.

Trong một nghiên cứu công phu, cách nay vài năm, TS Phạm Ngọc Anh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định, năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng chính thức tuyên bố đường lối đổi mới, với nội dung cơ bản là chuyển nền kinh tế từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; dân chủ hóa đời sống xã hội trên cơ sở xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; mở cửa tăng cường giao lưu hợp tác với bên ngoài trên tinh thần Việt Nam sẵn sàng làm bạn với các nước, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

{keywords}
Ấm no là cơ sở bảo đảm quyền con người vùng dân tộc, miền núi. Ảnh minh họa LAD

Trên tinh thần đó, với việc đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của công cuộc phát triển, đường lối đổi mới kể trên không chỉ tác động đến kinh tế, xã hội mà đồng thời chi phối mạnh mẽ nhận thức và thực tế bảo đảm quyền con người ở nước ta trong thời gian qua.

TS Phạm Ngọc Anh đưa một số dẫn chứng: Tại Hiến pháp năm 1992 (Điều 50) lần đầu tiên đề cập đến thuật ngữ quyền con người và khẳng định: “ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”.

Xét riêng trên lĩnh vực lập pháp, chỉ tính từ năm 1996 đến năm 2002, Nhà nước đã ban hành 13.000 văn bản pháp luật các loại, trong đó có hơn 40 Bộ Luật và Luật, trên 120 Pháp lệnh, gần 850 văn bản pháp luật của Chính phủ và trên 3.000 văn bản pháp quy của các bộ, ngành, trong đó đã “nội luật hóa” một cách toàn diện những công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn hoặc gia nhập từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX và trong thời kỳ này. Đây là điều mà trong giai đoạn trước hầu như chúng ta chưa làm được.

Xét trên lĩnh vực dân sự, chính trị, trong Hiến pháp 1992, có 5 quyền quan trọng được ban hành mới hoặc bổ sung thêm, bao gồm: quyền sở hữu tài sản (bao gồm cả tư liệu sản xuất); quyền tự do kinh doanh; quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo luật định; quyền được thông tin theo luật định; quyền bình đẳng của các tôn giáo; quyền không bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1992 còn đề cập đến việc Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và mở rộng việc bảo vệ, giúp đỡ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

{keywords}
Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, trong đó có thể kể như Bộ Luật Dân sự (1995), Bộ Luật Lao động (1994), Luật Giáo dục (1998), Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (1991), Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (1991), Pháp lệnh về người tàn tật (1998)… Ảnh minh họa: LAD

Nhằm bảo đảm thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của nhân dân trong giai đoạn mới, từ năm 1986 đến nay, bên cạnh Hiến pháp năm 1992, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, trong đó có thể kể như Bộ Luật Dân sự (1995), Bộ Luật Lao động (1994), Luật Giáo dục (1998), Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (1991), Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (1991), Pháp lệnh về người tàn tật (1998)…

Bên cạnh việc thiết lập một hành lang pháp lý, từ khi đổi mới đến nay, Nhà nước đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách, chương trình kinh tế – xã hội nhằm thúc đẩy việc bảo đảm quyền làm việc, tập trung vào việc mở mang, phát triển các ngành nghề tại các địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo nghề và xuất khẩu lao động…

Bảo đảm quyền được tiếp cận với giáo dục: Ngay từ khi mới giành được độc lập, Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến quyền được tiếp cận với giáo dục của nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH do Đảng đề ra năm 1991 xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Quan điểm này được thể chế hóa trong Điều 35 Hiến pháp năm 1992: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Đây là cơ sở tư tưởng cho việc hiện thực hóa quyền được tiếp cận với giáo dục của nhân dân trong thời kỳ mới.

Đó là những minh chứng không thể phủ nhận cho thấy tư duy và nhận thức về quyền con người ở Việt Nam ngày càng được đổi mới và hoàn thiện.

Thu Thủy