Phê chuẩn Công ước số 98 của ILO

Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể dã được tất cả 452 đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thuận thông qua hồ sơ của Chính phủ trình phê chuẩn.

Công ước 98 là một trong 8 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động quốc tế thuộc khuôn khổ Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trong đó bao gồm: tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả của quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

{keywords}
Công ước 98 là công ước cơ bản thứ 6 của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam phê chuẩn.

Tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế có nghĩa vụ tôn trọng và áp dụng các nguyên tắc được đề cập tới trong Tuyên bố 1998.

Được thông qua năm 1949, Công ước 98 bao gồm ba cấu phần chính nhằm đảm bảo thương lượng tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động có thể diễn ra một cách hiệu quả.

Đó là: bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, đảm bảo cho các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động không bị can thiệp hoặc chi phối từ bên còn lại; và yêu cầu nhà nước cần có các biện pháp về pháp luật và thiết chế nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể.

Song song với hợp tác thương mại và đầu tư, Việt Nam hết sức coi trọng phát triển bền vững và bao trùm, đặt con người là trung tâm và là mục tiêu của phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội.Việt Nam đang tiến hành các cải cách sâu rộng về hệ thống bảo hiểm xã hội và chính sách tiền lương.

Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam đã phê chuẩn 24 Công ước, bao gồm 6/8 Công ước về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, 3/4 Công ước về quản trị thị trường lao động và các công ước kỹ thuật khác. Việc gia nhập các Công ước này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam và mang lại cơ hội lớn hơn trong việc nội luật hóa, áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong hệ thống luật pháp quốc gia.

Tiến bộ vì sự phát triển bền vững

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, một thay đổi quan trọng Việt Nam sẽ cần thực hiện để phù hợp với công ước này là phải xóa bỏ thực trạng phổ biến hiện nay về việc công đoàn cơ sở bị chi phối bởi quản lý doanh nghiệp.

"Ở nhiều nhà máy, điều thường diễn ra là một quản lý cấp cao hoặc giám đốc nhân sự đồng thời đảm nhận vị trí chủ tịch công đoàn. Do đó, làm thế nào để công đoàn độc lập khỏi sự chi phối hoặc can thiệp của quản lý doanh nghiệp là chìa khóa để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ vì sự phát triển bền vững", Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee cho biết.

Theo ông Chang-Hee Lee, người lao động, công đoàn và người sử dụng lao động Việt Nam đã chứng minh ý chí và năng lực có thể thực hiện thương lượng tập thể thực chất, với những ví dụ điển hình gần đây về sự phát triển vượt bậc của thương lượng tập thể đa doanh nghiệp trong ngành điện tử tại phòng, ngành du lịch tại Đà Nẵng, và ngành chế biến gỗ tại Bình Dương.

"Việc phê chuẩn Công ước 98 sẽ đẩy mạnh hơn nữa thương lượng tập thể thực chất, để có được những giải pháp đem lại lợi ích cho tất cả các bên tại nơi làm việc ở Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, và sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng, góp phần mang lại phát triển bền vững", ông Chang Hee - Lee nói thêm. 

Công ước 98 là công ước cơ bản thứ 6 của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam phê chuẩn. Các công ước cốt lõi đã phê chuẩn khác bao gồm Công ước 29 về lao động cưỡng bức, Công ước 100 và 111 về chống phân biệt đối xử, và Công ước 138 và 182 về lao động trẻ em.

Đối với hai công ước cơ bản còn lại, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục công việc chuẩn bị để tiến tới phê chuẩn Công ước 105 về lao động cưỡng bức vào năm 2020 và Công ước 87 về tự do hiệp hội vào năm 2023.

Trần Hằng