Bộ trưởng Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khoẻ Trung ương PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến vừa tham dự phiên họp toàn thể Cuộc họp Đại hội đồng LHQ về bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân (UHC) tại New York, Mỹ, từ 23-26/9.

{keywords}
Chính phủ Việt Nam ưu tiên và đầu tư vào sức khỏe, giúp Việt Nam đạt được các thành tựu phát triển kinh tế xã hội đáng kể, đưa Việt Nam lên thành nước có thu nhập trung bình thấp.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu nêu rõ, Việt Nam hoàn thành gần như tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đang trên con đường tiến tới đạt Các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Chính phủ Việt Nam ưu tiên và đầu tư vào sức khỏe, giúp Việt Nam đạt được các thành tựu phát triển kinh tế xã hội đáng kể, đưa Việt Nam lên thành nước có thu nhập trung bình thấp.

Bà dẫn chứng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, đảm bảo để người dân được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả.

Hiện nay hệ thống y tế cơ sở được thiết lập từ Trung ương đến địa phương  với hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền và hoạt động dựa trên nguyên lý y học gia đình. Theo báo cáo giám sát tình hình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2017 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, chỉ số bao phủ dịch vụ của Việt Nam đạt 73/100 điểm, có thể coi là khá cao so với mức chung trong vùng Đông Nam Á  là 59/100 và toàn cầu là 64/100.

Chương trình bảo hiểm y tế hiện đạt 90% dân số tham gia bảo hiểm và chính phủ trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho những đối tượng dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh khó khăn và trợ cấp 70% cho người nghèo..

Đến năm 2020, hoàn thiện đầu tư trạm y tế xã ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn

Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở.

Trên tinh thần đó, với nhiệm vụ “Đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế xã.

Hiện cả nước có 11.400 TYT xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản; 87,5% số trạm có bác sĩ khám, chữa bệnh; 97% số trạm có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% số thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%. Các TYT xã mới chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến...

Việt Nam đã xây dựng hơn 11.000 TYT với gần 50.000 giường bệnh ở tất cả các xã trên toàn quốc để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhưng hơn 10% số trạm y tế ấy hiện vẫn không có bác sĩ.

Bộ Y tế đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; Đã triển khai phấn đấu nâng tỷ lệ trạm y tế (TYT) xã có bác sĩ lên 85%.

Năm 2018, Bộ Y tế cũng triển khai đề án thí điểm TYT xã tại 26 xã điểm thuộc 8 tỉnh, thành phố. Qua chín tháng triển khai, Bộ Y tế cho biết, hiện chỉ có 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Yên Bái có đủ bác sĩ tại các TYT.

Trần Hằng