- Nhiều vấn đề nóng của giáo dục đã được đặt lên bàn chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chiều 22/3 trong phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội.

Chúng ta cứ nói mãi về đổi mới toàn diện giáo dục nhưng thực tế, đồng bào chưa yên tâm về chất lượng đào tạo, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề ở phiên chất vấn được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với các đoàn đại biểu QH trên cả nước.

Từ nay đến 2016, khi Bộ trưởng kết thúc nhiệm kỳ, chất lượng giáo dục đào tạo có chuyển biến tích cực thêm theo từng năm được không? Liệu đồng bào và Bộ trưởng có thấy yên tâm hơn không? Đến bao giờ chúng ta có một nền giáo dục đào tạo yên tâm?, Chủ tịch QH nêu.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) khẳng định, nếu giáo dục không đổi mới, ngành không có giải pháp cụ thể, sang năm, đến kỳ Quốc hội chất vất, tình hình vẫn như cũ.

Đáp lời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hứa ngành sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt cải cách toàn diện giáo dục, mỗi năm một thay đổi theo hướng tích cực.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Chúng ta đã đổi mới các kỳ thi, không khuyến khích học thêm để đỗ đại học

Phải có phanh hãm

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu thực trạng thừa thầy thiếu thợ trong đào tạo không gắn với nhu cầu tuyển dụng. Sinh viên ra trường không có việc làm.

“Nhìn thực tế tại các khu công nghiệp thì thấy. Công việc chỉ cần trình độ công nhân nhưng không ít người có bằng ĐH chính quy. Phải chăng chúng ta đang thương mại hóa giáo dục?’.

Thừa nhận việc thiếu thợ lành nghề, vị tư lệnh ngành cho rằng, nói thừa thầy thiếu thợ cũng không hoàn toàn đúng. “Chỉ thầy không đạt chuẩn thì thừa, chứ thầy đạt chuẩn thì còn thiếu nhiều”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích, Bộ GD-ĐT cùng Bộ LĐ-TB-XH quản lý hệ thống trường nghề, là 2 đơn vị quản lý hệ thống cung lao động còn bên là cầu. Còn khoảng cách lớn giữa phần cung và phần cầu trong nguồn nhân lực Việt Nam.

Đơn cử, với ngành sư phạm, tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm khá bức xúc ở nhiều địa phương. “Lãnh đạo bộ đã thấy vấn đề này, đang tổng kết, điều tra cơ bản lại, phân tích để quy hoạch lại.

Sắp tới, Bộ sẽ điều chỉnh phù hợp với quy mô, nhu cầu của nguồn giáo viên cần tuyển, giải quyết vấn đề chất lượng. Không đào tạo tràn lan thế này nữa.

Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), chỉ ra thực tế, do quy hoạch, dự báo chưa tốt, nên xã hội hóa giáo dục diễn ra tràn lan. Hậu quả các trường mọi bậc đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Nhiều trường có nguy cơ đóng cửa, lãng phí cơ sở vật chất… chỗ khác trường không ra trường, lớp không ra lớp.

Bộ trưởng thừa nhận có sự phức tạp trong các loại hình đào tại ĐH, sau ĐH, quản lý không được. Thông tin thị trường liên quan đến cung ứng nguồn nhân lực chưa được tổ chức triển khai bài bản.

“Tới đây chúng ta sẽ phân cấp mạnh cho các trường; điều chỉnh lại quy hoạch các trường ĐH, tính toán lại quy mô theo ưu tiên chất lượng”.

Vừa rồi, Bộ cũng đã xử lý các trường ngoài công lập không đảm bảo chất lượng, đấu đá nội bộ, không đảm bảo môi trường sư phạm.

Bộ đã ban hành văn bản quy định giảm đào tạo tại chức còn 50%; giảm, tiến tới xóa bỏ việc trường ĐH đào tạo trung cấp, cao đẳng; và cấm đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngoài cơ sở chính của nhà trường, tránh việc nhiều tiến sĩ mà không có nhà khoa học, không có người nghiên cứu.

Ủng hộ chủ trương giao tự chủ cho các trường trong tuyển sinh, ĐB Nguyễn Văn Tuyết lưu ý, Bộ vẫn phải có trách nhiệm một phần.

“Trường cứ xác định chỉ tiêu, rồi vô tư đào tạo thì gay. Bộ phải có phanh hãm, không thể giao tất cho trường”.

Giám sát cán bộ coi thi, chấm thi

Liên quan đến giáo dục phổ thông, vấn đề được các ĐB tập trung chất vấn là giảm tải sách giáo khoa và việc tổ chức thi cử.

ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nêu sau 10 năm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, chúng ta đều thừa nhận chương trình quá tải. Các điều kiện dạy và học không đảm bảo. Trong khi đó, để đảm bảo chương trình của Bộ, phải tổ chức học thêm, dạy thêm. Quy chế thi cử hiện nay càng đẩy nhu cầu dạy, học thêm lên cao.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) bổ sung trong khi Bộ chủ trương giảm tải thì có một thực tế khác là nếu chỉ học theo chương trình sách giáo khoa của Bộ, học sinh không thi được ĐH. “Nếu giảm tải chương trình dạy và học, mà không đổi cách thi, thì tình hình không có gì biến chuyển”.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh): Nếu giảm tải chương trình dạy và học, mà không đổi cách thi, thì tình hình không có gì biến chuyển

Vị tư lệnh ngành cho hay, sau 10 năm, Bộ đã vài lần giảm tải, lần gần nhất là hơn 1 năm trước, khi ông vừa nhận nhiệm vụ. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đề thi ĐH không hề nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Thực tế, tỉ lệ học sinh nông thôn, miền núi đỗ ĐH tăng nhiều so với thành thị.

“Chúng ta đã đổi mới các kỳ thi, không khuyến khích học thêm để đỗ đại học”, Bộ trưởng khẳng định.

Ông cho biết, trước đây, việc tổ chức thi là hộp đen bí mật, nay sẽ được giám sát, thanh tra, kiểm tra.

Chúng ta đã tiến hành nhiều cải cách với giả định việc thi cử được tổ chức nghiêm túc. Thực tế, bản thân cán bộ coi thi, chấm thi, chỉ đạo thi đều có nơi không nghiêm túc.

“Sau Đồi Ngô, nghiên cứu thấy cần cơ chế giám sát cả cán bộ coi thi, chấm thi và chỉ đạo thi”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, năm nay Bộ đã có quy chế cho phép, yêu cầu tổ chức chấm lại đồng thời với quá trình chấm ở các địa phương. Hi vọng với các biện pháp đã làm sẽ giải quyết căn bản tình trạng tiêu cực, gian dối trong thi cử nói riêng và giáo dục nói chung.

Phương Loan - Ảnh: Minh Thăng