Gần đây liên tục có các thông tin cảnh báo nguy cơ biến mất các bãi biển đẹp nhất trong khi các giải pháp đưa ra chưa khả thi.

Cảnh báo biển xâm thực

Cách nay mấy năm báo chí từng gây sốc khi loan tin về việc nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền ở Hội An khiến nhiều ngôi nhà chòi tại các khu nghỉ dưỡng bị đổ sụp.

{keywords}
Bão lũ liên tục khiến nhiều đoạn bờ kè bị đổ, sóng biển lấn sâu vào đất liền hàng chục mét, nhiều ngôi nhà đang xây dựng bị sóng biển đánh gây hư hại nặng. Ảnh IE.

Nhiều người không khỏi kinh hãi khi những cột sóng biển cao 3 đến 4m lao vào đánh sập hàng chục nhà ở Phú Yên, Khánh Hoà. Các bãi biển ở Phú Yên đang trong tình trạng báo động cao về tình trạng nước biển xâm thực. Theo quan sát của các chuyên gia, sóng biển đã "gặm" vào đất liền hàng trăm mét, đánh sập hàng chục mét kè chắn sóng bằng đá hộc, đe dọa an toàn của nhiều hộ dân.

Báo chí cũng từng cảnh báo Cửa Đại, một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam đang có nguy cơ biến mất bởi hiện tượng xói lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Cửa Đại là bãi tắm đẹp của tỉnh Quảng Nam và được bầu chọn là một trong 20 bãi biển đẹp nhất thế giới. Tuy nhiên, hơn 3 km bờ biển Cửa Đại đang bị sạt lở nặng nề, một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng trước kia xây cách mép nước khoảng 150 mét giờ đây biển đã tiến sát công trình. Một số dự án xây dựng dang dở phải bỏ hoang. Tình hình nghiêm trọng tới mức, các chuyên gia cảnh báo nếu không có giải pháp thích hợp, xói lở có thể sẽ làm mất toàn bộ dải đất ven biển của Hội An nói chung và bãi biển Cửa Đại nói riêng.

“Tội phạm chính là con người”

Theo tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, hiện tượng xói lở bờ biển ngày càng gia tăng là hệ quả của nhiều tác nhân, như khai thác nước ngầm quá lớn cho nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt ở vùng ven biển có nền đất yếu; nước biển dâng và triều cường do biến đổi khí hậu; tình trạng phá rừng ngập mặn, hút cát ở các cửa sông/lòng sông gần biển... Các nguyên nhân này phát triển khác nhau tùy từng đoạn bờ biển cụ thể, nhưng tác động của chúng thường là "cộng hưởng".

"Tội phạm chính và gốc rễ vẫn là con người, do không hiểu kỹ bản chất tự nhiên của một vùng dễ bị tổn thương trước khi ra quyết định khai thác và sử dụng", tiến sĩ Hồi nhấn mạnh.

Ví dụ, khu resort Fusion Alya và Vinpearl Hội An ở gần cảng Cửa Đại đang sụp đổ dần từng hạng mục mà lỗi chính là do xây dựng sát biển, lấn ra biển. Bên cạnh đó, công trình bó bờ bảo vệ khách sạn lại làm thay đổi hướng dòng chảy và sóng, gây hậu quả cho khách sạn khác, kiểu "gậy ông đập lưng ông", ông Chu Hồi được tờ Vnexpress dẫn lời.

Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện nghiên cứu biển đảo thì cho rằng, nguyên nhân chính là thiếu hụt bùn cát. Việc hàng loạt nhà máy thủy điện, thủy lợi được xây dựng trên thượng nguồn sông khiến lượng bùn cát vào mùa mưa lẽ ra được mang ra biển thì lắng đọng lại trong lòng chứa của các hồ. Bên cạnh đó, các địa phương trên dải ven biển Việt Nam thường diễn ra hoạt động khai thác cát. "Bùn, cát đã thiếu hụt lại bị khai thác nên lại càng thiếu hụt và do vậy xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng", tiến sĩ Ca nói.

Giới khoa học cảnh báo, xu hướng sạt lở bờ biển trong thời gian tới phụ thuộc vào các kịch bản nước biển dâng và mức độ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển và lân cận, đặc biệt là cách "hành xử" thiếu cẩn trọng của con người đã và sẽ cường hóa quy mô và tốc độ xói lở ở những vùng bờ biển cụ thể. Vì các hệ sinh thái ven biển được xem là "cơ sở hạ tầng tự nhiên" để chống đỡ với thiên tai biển và xói lở bờ biển. Cho nên, việc bảo tồn và trồng lại rừng ngập mặn ven biển cũng như bảo vệ được các hệ sinh thái ven biển khác sẽ tạo ra bức tường tự nhiên chống lại xói lở bờ biển, đem lại môi trường sống cho các loài thủy sản, cho du lịch sinh thái và cải thiện sinh kế của người dân ven biển.

Hằng Tâm - Hoành Oanh