“Gác tranh chấp, cùng phát triển” được một số học giả quốc tế đề cập như một giải pháp tạm thời nhằm kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông trong ngắn hạn và trung hạn trong khi chờ đợi các bên tham gia tranh chấp đàm phán về COC.

Trước những lo ngại về khả năng Trung Quốc sử dụng bẫy “khai thác chung” để củng cố cơ sở cho tuyên bố đường lưỡi bò của mình, các học giả cho rằng nhân tố then chốt nằm ở chỗ trước khi tham gia thỏa thuận cùng phát triển, các bên liên quan phải đồng ý với nhau rằng cùng phát triển không có nghĩa là từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mỗi quốc gia và không bên nào được phép có những hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng khu vực tranh chấp, như đã quy định tại UNCLOS.

Tuần Việt Nam ghi nhận những khuyến nghị chính sách của một số học giả tại Hội thảo Quốc tế về Kiểm soát căng thẳng tại Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tổ chức tại Washington DC tuần trước.

Học giả Leonardo Bernard, Trung tâm Luật Quốc tế, ĐHQG Singapore:

"Cùng phát triển không có nghĩa là hi sinh chủ quyền"

UNCLOS đã có điều khoản đề cập đến thỏa thuận phát triển chung (Joint Development Arrangement), theo đó UNCLOS khuyến khích các quốc gia có tranh chấp ranh giới biển dàn xếp các thỏa thuận phát triển chung tại khu vực có tranh chấp. Đây có thể là cơ sở pháp lý cho thỏa thuận hợp tác phát triển ở Biển Đông.

Tiền đề quan trọng đầu tiên cho JDA là các bên tạm gác tranh chấp để tham gia thỏa thuận hợp tác phát triển chung. Thoạt nhìn thì có vẻ như việc tạm gác tranh chấp là khá dễ dàng nhưng trên thực tế thì nó đòi hỏi ý chí chính trị rất lớn của các bên liên quan. Vấn đề ở Biển Đông là lập trường của các nước tham gia tranh chấp khiến cho việc tạm gác tranh chấp trở nên vô cùng khó khăn. Ở đây có những nước tuyên bố chủ quyền toàn bộ đối với Biển Đông, do đó rất khó để họ quay lại và tham gia vào thỏa thuận hợp tác cùng phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng cũng như những phức tạp trong môi trường chính trị đối nội của mỗi quốc gia.

Theo tôi, để mở đường cho thỏa thuận hợp tác phát triển chung, mỗi quốc gia có thể bắt đầu bằng việc nói rằng tại vùng lãnh thổ này, chúng tôi có tuyên bố chủ quyền nhưng chúng tôi cũng thừa nhận rằng các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở đây. Tuy nhiên, chúng tôi có cơ sở pháp lý vững chắc nhất cho tuyên bố chủ quyền của mình trong khi các quốc gia khác không có cơ sở pháp lý mạnh như vậy. Việc thừa nhận các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở đây không có nghĩa rằng quốc gia đó từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình. Mặc dù vậy, để làm được điều đó đòi hỏi rất nhiều ý chí chính trị.

{keywords}

Ngoài ra, một điều đặc biệt quan trọng là các quốc gia cần giáo dục cho công dân của mình hiểu rằng tham gia JDA hay thừa nhận các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền của quốc gia mình tại khu vực đó.

Điều này dẫn tới nhân tố quan trọng thứ hai của JDA là “tạm gác tranh chấp” nhưng các quốc gia vẫn bảo lưu lập trường cơ bản và tuyên bố chủ quyền của mình. Đây là điều khoản mà tất cả quốc gia tham gia tranh chấp ở Biển Đông cần phải đồng ý với nhau trước khi tham gia vào JDA. Và đương nhiên, khi anh đã đồng ý tham gia JDA thì anh phải kiềm chế. Đó cũng là điều khoản được quy định trong UNCLOS rằng các quốc gia phải duy trì nguyên trạng và không quốc gia nào được phép có những hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng của khu vực tranh chấp.

Yếu tố quan trọng cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh là làm thế nào xác định được những khu vực tiềm năng có thể hợp tác phát triển chung? Có học giả đã đề xuất rằng trước khi tham gia JDA, các quốc gia cần làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình. Đúng là nếu các quốc gia có thể làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình thì việc xác định các khu vực có thể hợp tác phát triển chung sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, từ những động thái của phía Trung Quốc chúng ta có thể hiểu rằng còn lâu họ mới chịu làm rõ tuyên bố đường chín đoạn của mình. Nhưng như vậy không có nghĩa là JDA hoàn toàn bế tắc.

Theo tôi, ngay cả khi các bên không làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình thì vẫn có cơ hội để xác định những khu vực có thể hợp tác phát triển chung. Chẳng hạn như khu vực bãi cạn Scaborough là nơi chỉ có Philipinnes và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Như một học giả Trung Quốc đã đề cập, trước khi xảy ra vụ đụng độ năm ngoái thì lâu nay ngư dân hai nước vẫn đang khai thác nguồn lợi thủy hải sản ở đây một cách hòa bình. Vậy tại sao chúng ta không trở về với nguyên trạng trước khi xảy ra vụ việc mà không cần Trung Quốc phải làm rõ đường chín đoạn của mình là gì, hay Philippinnes phải làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình ở đây. Tại sao không thể tạm gác tranh chấp sang một bên, cùng ngồi xuống thảo luận và có thể thỏa thuận cùng khai thác nguồn cá ở khu vực này?

Tôi nghĩ rằng hai bên hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận như vậy mà không phải hi sinh tuyên bố chủ quyền hay làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình. Tương tự đối với khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa là nơi tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là một khu vực rất nhạy cảm. Trung Quốc không muốn đề cập đến Hoàng Sa và Việt Nam cũng rất nhạy cảm đối với vấn đề này. Nhưng tôi cho rằng hoàn toàn có khả năng hai nước hợp tác cùng phát triển ở khu vực tranh chấp nhạy cảm này, bởi giữa hai bên đã từng có thỏa thuận hợp tác phát triển nghề cá ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. Chẳng hạn như hai bên có thể xem xét hợp tác thăm dò khai thác khí ở khu vực tương đối ít tranh cãi như vùng biển phía dưới quần đảo Hoàng Sa và phía trên quần đảo Trường Sa.

Học giả Bonnie Glaser, Cố vấn Cao cấp về châu Á, CSIS:

"ASEAN đừng để Trung Quốc cô lập các thành viên của mình"

Trước khi bước vào bất kỳ một thỏa thuận cùng phát triển nào, tôi cho rằng các bên liên quan cần phải định nghĩa một cách rõ ràng những khái niệm như là “nguyên trạng”. Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Joseph Yun đã chỉ rõ lập trường của Mỹ về vấn đề này, đó là không bên nào được có bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng. Tôi đồng ý với quan điểm này nhưng đôi khi khái niệm nguyên trạng không được rõ ràng. Chẳng hạn như khi Philippine củng cố sự hiện diện của họ ở một số đảo mà họ đã chiếm hữu từ năm 1995 thì TQ phản ứng rằng đó là hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng. Tôi không đứng về bên nào trong chuyện này cả nhưng tôi muốn nói rằng có sự không rõ ràng trong khái niệm khiến cho các bên tùy nghi diễn dịch theo ý mình.

Một vấn đề cũng quan trọng không kém là ASEAN không nên để cho TQ cô lập các thành viên của mình. Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng thật đáng thất vọng khi ASEAN im lặng trong sự kiện bãi cạn Scaborough năm ngoái bởi vì điều đó theo tôi đã góp phần khiến cho TQ tiếp tục hành xử tương tự ở những khu vực khác. Ngay cả sáng kiến sử dụng trọng tài quốc tế để phân xử tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông mà Philippines đang theo đuổi cho đến nay cũng mới chỉ nhận được sự ủng hộ của duy nhất một thành viên ASEAN là Việt Nam và hai nước ngoài ASEAN là Mỹ và Nhật Bản. Nếu nhiều nước ủng hộ nỗ lực này, có thể nó sẽ thúc đẩy các bên liên quan cố gắng giải quyết tranh chấp trước khi phán quyết được đưa ra. Sự ủng hộ của nhiều nước đối với nỗ lực này cũng có thể gây ảnh hưởng đến cách thức mà TQ tiếp cận vấn đề và các nước tranh chấp khác có thể xem xét theo đuổi những vụ kiện tương tự. Việt Nam có thể là một ứng viên tiềm năng song nước này cần củng cố lại đường cơ sở của mình.

Tôi nghĩ TQ nên xem xét đi trước thời điểm phán quyết của tòa bằng cách định nghĩa đường chín đoạn của mình một cách phù hợp với luật pháp quốc tế. Kết quả sẽ rất tiêu cực cho cả khu vực nếu như phán quyết của tòa án bác bỏ đường chín đoạn nhưng TQ lại phớt lờ nó và điều đó làm dấy lên những lo ngại rằng liệu một TQ đang ngày càng mạnh hơn có hành xử theo luật pháp quốc tế hay không.

Tôi muốn đề cập thêm đến các biện pháp xây dựng lòng tin và tránh xung đột. DOC đã bao gồm các giải pháp xây dựng lòng tin như là thông báo trước cho các bên liên quan về các hoạt động diễn tập quân sự, trao đổi thông tin giữa các bên. Trung Quốc đang tiếp tục kêu gọi  thực thi DOC. Trong khi đó thì COC đang chuẩn bị khởi động và có thể mất nhiều thời gian để đàm phán.

Do vậy tôi cho rằng thực thi DOC không phải là một ý tưởng tồi. DOC có những điều khoản liên quan đến hợp tác trên biển như là hợp tác để đảm bảo an toàn hàng hải và thông tin liên lạc trên biển. Những vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Chúng ta nên tạo dựng nhiều cơ hội để Trung Quốc và ASEAN có thể thảo luận kĩ hơn về những biện pháp hợp tác này. Một lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác là bảo vệ môi trường tài nguyên biển, hợp tác nghiên cứu khoa học, cứu hộ và cứu trợ nhân đạo.

Một khuyến nghị khác mà tôi muốn thúc đẩy là thành lập South China Sea Coast Guard Forum tập trung vào an ninh hàng hải và các vấn đề pháp lý, chẳng hạn như diễn đàn có thể chia sẻ thông tin và những kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ngoài ra các bên có thể xem xét thành lập Trung tâm Chia sẻ Thông tin Biển Đông nhằm cung cấp nền tảng để chia sẻ kiến thức, nâng cao nhận thức giữa các bên liên quan. Trung tâm này cũng có thể đóng vai trò như một cơ chế tăng cường minh bạch, chẳng hạn như khi các nước liên quan yêu cầu thu thập bằng chứng về những vụ việc xảy ra trên biển. Những mô hình này đã được áp dụng đây đó trên thế giới và tôi nghĩ có thể xem xét ứng dụng trong hoàn cảnh cụ thể ở Biển Đông.

Christian Le Miere, nghiên cứu viên cao cấp về hải quân và an ninh hàng hải, Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS):

"Các nước cần làm rõ tuyên bố chủ quyền"

Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng các bên tham gia tranh chấp tại Biển Đông cần tiếp tục làm rõ những tuyên bố chủ quyền của mình. Việc làm rõ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là trách nhiệm không chỉ của riêng Trung Quốc mà của tất cả các bên liên quan, mặc dù Trung Quốc là quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Theo tôi, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) phải là nền tảng để dựa vào đó các quốc gia làm rõ chủ quyền của mình trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc không muốn UNCLOS là công cụ chủ yếu để giải quyết tranh chấp Biển Đông thì họ lẽ ra không nên ký vào Công ước này.

Về giải pháp gác tranh chấp, cùng phát triển, tôi cho rằng đây có thể là một lựa chọn tạm thời trong ngắn hạn và trung hạn nhằm kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông trong khi chờ đợi các bên liên quan đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Mặc dù tranh chấp Biển Đông vô cùng phức tạp với sự tham gia của nhiều nước trong khu vực, chúng ta vẫn có thể xem xét kinh nghiệm của một số hiệp ước trong lịch sử như những gợi ý cho mô hình giải quyết tranh chấp ở khu vực này. Chẳng hạn như mô hình hợp tác của một số quốc gia ở Nam Cực có thể gợi ý những bài học kinh nghiệm hữu ích cho các nước đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Hội đồng Nam Cực được thành lập cách đây 16 năm bởi một số quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu và khuyến nghị chính sách liên quan đến Nam Cực. Hội đồng này đóng vai trò như một diễn đàn để thảo luận các mối quan ngại chung đối với các quốc gia trong khu vực, cho phép tìm kiếm các giải pháp giải quyết vấn đề trước khi chúng trở nên nghiêm trọng thay vì chỉ đối phó với tình hình sau khi rắc rối đã nảy sinh.

Hiện tại chưa có một diễn đàn nào như vậy ở Biển Đông, trong khi căng thẳng thường xuyên nổ ra giữa các bên có tranh chấp chủ quyền. Tôi cho rằng các quốc gia liên quan tại đây có thể bắt đầu bằng những chủ đề ít gây tranh cãi hơn như cùng hợp tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông, trước khi tiến tới hợp tác khai thác chung. Ngoài ra, các nước trong khu vực có thể triển khai các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn chung, các chương trình ứng phó với thảm họa thiên nhiên nhằm thúc đẩy hợp tác và tăng cường thiện chí.

Gác tranh chấp, cùng khai thác là một sáng kiến do phía Trung Quốc đề xuất và tích cực theo đuổi từ lâu. Giữa Trung Quốc và Philippines từng có nhiều dự án hợp tác thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp. Thậm chí năm 2005 đã có một dự án hợp tác thăm dò dầu khí ba bên giữa Trung Quốc – Việt Nam – Philippines ở gần quần đảo Trường Sa. Dự án hết hạn năm 2008 và không được gia hạn thêm. Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn, các nước tỏ ra cảnh giác hơn với lời mời gọi cùng khai thác của nước này do quan ngại Bắc Kinh âm mưu dùng bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác” để biến những khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp, dễ bề thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Võ Minh (ghi)