Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), nạn cướp biển gây thiệt hại ước tính khoảng 18 tỉ USD đến nền kinh tế toàn cầu.

Các vùng biển tại khu vực Đông Nam Á là nơi các tuyến đường biển trọng yếu đi qua, cũng đồng thời là động mạch chính của truyền thông và thương mại quốc tế. Vì thế, Đông Nam Á đang dần trở thành điểm nóng của thế giới về nạn cướp biển và cướp có vũ trang.

Do tiếp giáp với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, các vùng biển tại khu vực Đông Nam Á là nơi các tuyến đường biển trọng yếu đi qua, cũng đồng thời là động mạch chính của truyền thông và thương mại quốc tế. Các vùng biển này, vốn bao phủ 80% khu vực diện tích Đông Nam Á, thống trị huyết mạch kinh tế của các nước xung quanh. Ngày nay, có hơn một nửa trọng tải thương mại trên toàn thế giới đi qua vùng biển Đông Nam Á mỗi năm.

{keywords}
Lực lượng tuần duyên Phillipines diễn tập chống cướp biển. Ảnh: Reuters

Trước đây, số lượng các vụ việc gây ra do cướp biển châu Á chiếm đến 1/3 số lượng cướp tàu trên toàn thế giới, song cướp biển châu Á tuy ít được nói đến do chỉ có tính chất nhỏ lẻ như cướp tư trang, tài sản, hàng hóa nhỏ lẻ trên tàu.

Song từ đầu năm 2016 trở lại đây, các vụ việc cướp biển dịch chuyển dần về phía Biển Đông, các vùng biển nằm giữa Philippines, Indonesia và Malaysia. Khu vực này có đặc điểm là quá rộng lớn, chịu sự kiểm soát của nhiều nước nên việc truy đuổi của các lực lượng chức năng gặp nhiều phức tạp. Thời gian này cũng là thời điểm các vụ cướp biển bắt đầu có tính chất manh động hơn, nhiều thủy thủ đã chết, và nhất là các vụ cướp này là đòi tiền chuộc chứ không đơn thuần là cướp hàng hóa như trước nữa.

Cướp biển không chỉ gây ra thiệt hại trực tiếp lên con tàu mà chúng tấn công mà còn gây ra nỗi khiếp sợ của các chủ tàu kinh doanh ở các tuyến vận tải có sự hiện diện của cướp biển cũng như những thuyền viên trực tiếp ở trên các con tàu đi ngang qua khu vực này. Để giảm nguy cơ cướp biển, nhiều tàu đã phải lập lại lộ trình đi biển xa hơn, tốn kém nhiều chi phí hơn.

Hồi tháng 6/2016, Indonesia đã tạm dừng các chuyến tàu chở than sang Philippines do lo sợ các tàu này bị cướp. Đến khoảng tháng 10 các tuyến này đã từng bước đã được lưu thông trở lại nhưng với số lượng hạn chế so với trước kia.

Những thiệt hại còn nhiều thêm ở các biện pháp chống cướp biển như thuê người giám sát, bảo vệ khi đi qua các khu vực hay có cướp biển. Các chủ tàu cũng ý thức hơn trong việc phòng chống cướp biển mà đã trích bớt một phần lợi nhuận để thuê những đội bảo vệ này.

Cách đây 10 năm, Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang (ReCAAP) dưới sự bảo trợ và đồng thuận của 16 quốc gia châu Á mở ra hi vọng chấm dứt nạn cướp bóc tại tuyến đường biển quan trọng này.

Trước tình hình như vậy, năm 2004, Sáng kiến An ninh Eo biển Malacca (MSSI) và các hoạt động tuần tra chung tại Malacca (MSSP) ra đời, bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore. Năm 2008, Thái Lan gia nhập sáng kiến này. Để dự án đi vào thực tế, từ tháng 7-9/2005, ba nước thành lập một nhóm chuyên gia kỹ thuật về an ninh hàng hải và triển khai kế hoạch giám sát chung trên biển và trên không ở eo biển Malacca. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực, các thành viên của MSSI còn nhận được sự hỗ trợ của Mỹ, Australia, New Zealand.

MSSI gồm ba thành tố chính: Tuần tra chung – MSSP; Hoạt động phối hợp tuần tra trên không giữa các nước (Eyes-in-the-sky/EiS), Cơ chế trao đổi thông tin tình báo (MSP). Sáng kiến này nhấn mạnh tới sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm chống cướp biển và tội phạm xuyên quốc gia.

Thông qua trao đổi liên tục giữa ba quốc gia duyên hải (ven biển), các chiến dịch nói trên ngày càng được cải thiện, nhờ đó hỗ trợ cho các hoạt động hợp tác, giúp làm suy giảm đáng kể tội phạm trên biển, đặc biệt là tình trạng cướp biển và cướp có vũ trang tại eo biển Malacca.

Theo nhà nghiên cứu Frederick Situmorang (Đại học Wollongong, Australia), sáng kiến này có tính khả thi vì nó không phải là mô hình an ninh tập thể, không vi phạm nguyên tắc “không can thiệp” của ASEAN.

Những nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh biển đang tiếp tục được đẩy mạnh khi các quốc gia ven biển có những phản hồi tích cực, thể hiện sự quan tâm của họ đối với việc tham gia vào đội tuần tra Eo biển Malacca với tư cách là quốc gia láng giềng quản lý phần phía Bắc eo biển.

Sáng kiến An ninh Eo biển Malacca (MSSI) và các hoạt động tuần tra chung tại Malacca (MSSP) cũng mở ra triển vọng cho việc phát triển hợp tác ba bên lên mạng lưới hợp tác năm bên (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) là rất lớn.

Minh Thành - Lan Hương