Theo quan điểm chính thức của Bộ ngoại giao Nga, Moscow là một bên ngoài cuộc và sẽ không đứng về phe nào trong tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên, Moscow cũng đang bảo vệ các lợi ích chiến lược ở khu vực.

Theo các chuyên gia phân tích, vị thế địa chính trị của Nga ảnh hưởng quyết định đến sự phụ thuộc cố hữu tình trạng quan hệ quốc tế tại Châu Á Thái Bình Dương. Chỉ một sự ngắt quãng về môi trường an ninh ở Biển Đông sẽ có ảnh hưởng lên toàn bộ Tây Thái Bình Dương. Sự bất ổn định có thể tác động lên phía bắc và đến các quốc gia Đông Bắc Á. Điều quan trọng hơn đó là vùng Viễn Đông của Nga giáp với Thái Bình Dương. Hợp tác công nghiệp, quan hệ thương mại khu vực và đầu tư từ các nền kinh tế Châu Á là điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng có chất lượng ở vùng phía Đông của nước Nga.

{keywords}
Tàu chiến Nga ở cảng Cam Ranh năm 1987. Ảnh tư liệu/ Petrotimes

Nhưng có lẽ quan trọng hơn đó là các mối quan hệ song phương của Nga với các quốc gia có yêu sách tại Biển Đông, cụ thể là Trung Quốc và Việt Nam. Cả hai đều là đối tác quan trọng của Moscow ở Châu Á. Trung Quốc là đối tác thể hiện Nga không bị cô lập trên trường quốc tế.

Việt Nam là đối tác thân nhất với Nga và là đồng minh của Nga ở Đông Nam Á. Hơn thế nữa, Việt Nam còn là một trong những bạn hàng mua trang thiết bị vũ khí lớn nhất của Nga và là đối tác mang lại lợi ích đáng giá cho các hoạt động của các tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực như khai thác dầu khí, chế tạo máy móc, sản xuất năng lượng… Ở tầm cao hơn, quan hệ của Nga với Việt Nam còn được thúc đẩy do nhu cầu xác lập địa vị của Nga. Giới tinh hoa bảo thủ của Nga xem việc rút khỏi Cam Ranh năm 2000 là hình ảnh thu nhỏ của một nước Nga mất đi tầm ảnh hưởng toàn cầu giai đoạn hậu Xô Viết.

Anton Tsvetov, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Liên bang Nga từng đưa ra phân tích, dựa trên giả thuyết rằng bất cứ dạng xung đột quân sự nào ở Biển Đông cũng sẽ gât tổn hại tới lợi ích của Nga ở Châu Á, việc cập nhật, điều chỉnh chính sách sẽ có thể dựa vào hai nguyên tắc chính. Trước tiên, áp đặt chi phí danh tiếng và tổn thất thực tế cho các hành động quân sự của tất cả các bên và; thứ hai, làm giảm giá trị đạt được thông qua việc sử dụng vũ lực quân sự mở rộng tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo đó, vị chuyên gia này đưa ra một gợi ý quan trọng. Đó là, nhằm mục đích đóng góp cho ổn định khu vực, quan điểm chính thức của Nga đối với tranh chấp Biển Đông nên thoát ra ngoài khỏi các giới hạn của mình. Nga không có quan điểm về các yêu sách pháp lý đối với các vùng nước và thực thể trên biển và Nga nên tiếp tục giữ quan điểm như vậy. Tuy nhiên, Nga nên có cách thúc đẩy hình thành một cách tiếp cận cụ thể hơn đối với cách hành xử của các bên tại Biển Đông. Nga không chỉ có thể kêu gọi các bên dừng các hành động “khiêu khích”, mà cũng có thể tuyên bố rõ ràng hơn là hành động cải tạo đảo và quân sự hóa là một hành động gây leo thang căng thẳng.

Anton Tsvetov nhấn mạnh: “Vị thế khiêm tốn của Nga trong vấn đề Biển Đông không nên được xem là trở ngại cho các nhà hoạch định chính sách của Moscow… Việc can dự của Nga ở Biển Đông là cách thức hiệu quả để thể hiện lợi ích hợp pháp của mình trong những diễn biến an ninh mới ở Đông Nam Á, một tiểu khu vực đã từng là nằm bên lề chính sách đối ngoại của Nga”.

Bảo vệ các lợi ích chiến lược tại khu vực

Trung tâm nghiên cứu An ninh (CSS) của Thụy Sĩ gần đây đưa ra một nhận định: theo quan điểm chính thức của Bộ ngoại giao Nga, Moscow là một bên ngoài cuộc và sẽ không đứng về phe nào trong tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên, Moscow cũng đang bảo vệ các lợi ích chiến lược ở khu vực. Theo đó, Nga đang tăng cường quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, ký kết các thoả thuận năng lượng, vũ khí tỉ đô với các nước có tranh chấp.

Theo giới quan sát, những động thái của Nga thậm chí liên quan trực tiếp đến các chuyển biến của tranh chấp. Chẳng hạn, 1/4 chương trình hiện đại hoá quân sự của Nga đến năm 2020 tập trung vào hạm đội Thái Bình Dương, với căn cứ ở Vladivostok, nhằm chuẩn bị cho các chiến dịch ở những vùng biển xa.

Hợp tác quân sự của Nga với Trung Quốc phát triển đến mức tổng thống Vladimir Putin đã gọi Bắc Kinh là “đối tác tự nhiên và đồng minh tự nhiên” và hai nước đã tham gia cuộc tập trận chung Joint Sea 2016. Mặt khác, Moscow cũng tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Các nước lớn thường áp dụng nhiều lớp chính sách ngoại giao đổi với một vấn đề/khu vực cụ thể. Tại Biển Đông, Nga đang sử dụng hai tầng chính sách: cân bằng hệ thống và khoanh vùng khu vực.

Với chính sách cân bằng hệ thống, nghiêng về sự phân phối sức mạnh toàn cầu, Nga thời gian qua liên tục thách thức Mỹ trong nhiều vấn đề như Gruzia, Ukraine và Syria. Để tái cân bằng hệ thống, Nga đã liên kết với Trung Quốc để đối phó với mối đe doạ của cả hai là sự bành trướng của khối NATO ở đông Âu, đối với Nga, và chính sách xoay trục châu Á, đối với Trung Quốc. Nói một cách khác, Biển Đông là một phần trong chiến lược lớn hơn của Nga nhằm thể hiện rằng Moscow không chống lại các lợi ích của Bắc Kinh và sẵn lòng thể hiện một chút ủng hộ.

Trong khi đó, chính sách khoanh vùng khu vực giúp bảo vệ các lợi ích kinh tế của Nga ở châu Á -Thái Bình Dương, giúp Nga thu lợi nhuận trong các mảng năng lượng, hạ tầng và bán vũ khí. Theo CSS, bằng việc củng cố quan hệ với Việt Nam, Nga đã tạo ra một thế cân bằng lợi ích - sức mạnh ở Biển Đông và mở đường cho việc hợp tác với các nước ASEAN.

“Điều đó lý giải vì sao Nga không phản đối chính sách của Trung Quốc nhưng vẫn tỏ ra đồng cảm với những lo ngại của Việt Nam về vấn đề Biển Đông”, CSS nhận định. Giới phân tích cho rằng hai lớp chiến lược của Nga tại Biển Đông đến nay rất hiệu quả và không xung đột lẫn nhau.

Sỹ Tuấn - Thu Hà